Trung Quốc thiếu ‘bài’ để phản công Mỹ trên mặt trận bán dẫn

20/12/2022 12:40

Trong khi Mỹ mài sắc ‘vũ khí’ để vùi dập ngành bán dẫn Trung Quốc, Bắc Kinh lại không có nhiều công cụ trả đũa.

Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục cấm vận hàng loạt doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, trong khi thuyết phục thành công Nhật Bản và Hà Lan cùng hạn chế bán công cụ sản xuất chip quan trọng cho Bắc Kinh. Đây được xem là đòn giáng nặng nề vào tham vọng tự chủ bán dẫn của quốc gia châu Á.

Đáp lại, Trung Quốc khiếu nại Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chuẩn bị gói tài trợ hàng chục tỷ USD để thúc dẩy bán dẫn trong nước. Dù vậy, theo Bloomberg, Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn hay sáng kiến để đi xa hơn.

Cuộc chiến bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. (Ảnh: Shutterstock)

Tương tự thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nếu trả đũa bằng cách cấm vận doanh nghiệp Mỹ, điều đó sẽ đe dọa nền kinh tế Trung Quốc vốn đang yếu đi sau vài năm dịch bệnh. Reva Goujon, Giám đốc tập đoàn tư vấn Rhodium, cho rằng, chính sự thiếu hụt lựa chọn tốt của Trung Quốc khiến Mỹ tấn công nhanh và mạnh bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Trong cuộc họp báo ngày 16/12, Liu Pengyu, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, tố Mỹ đang “xây dựng các bức tường và rào cản, thúc đẩy tách rời và cắt đứt chuỗi cung ứng”. “Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ ngừng làm gián đoạn mua bán sản phẩm công nghệ cao và duy trì trao đổi thương mại, kinh tế Mỹ - Trung thông thường”.

Tuy nhiên, Henry Wang Huiyao – nhà sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa – đánh giá phản ứng của Bắc Kinh trước các động thái gần đây của Mỹ là “vô cùng dè dặt”.

“Đòn giáng nặng nề”

Mỹ vừa bổ sung một số công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách cấm vận Entity List của Bộ Thương mại. Theo đó, các nhà cung ứng Mỹ phải xin giấy phép nếu muốn bán hàng cho các doanh nghiệp này.

Nổi bật trong số những cái tên này là nhà sản xuất thiết bị bán dẫn mới nổi SMEE. Thiết bị sản xuất bán dẫn là một trong các máy móc phức tạp nhất mà loài người làm ra. Trung Quốc khó phát triển năng lực nội địa nếu không thể mua sắm thiết bị từ nơi khác.

“Đưa SMEE vào Entity List là đòn giáng nặng vào lĩnh vực chip Trung Quốc”, theo Martijn Rasser, cựu chuyên gia phân tích tại Tổ chức Tình báo trung tâm. Đây là công ty mà Bắc Kinh nhìn thấy tiềm năng chế tạo thiết bị sản xuất chip tiên tiến, cần thiết để Trung Quốc trở nên cạnh tranh trong hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu. Song những hi vọng đó có nguy cơ tan biến.

Kêu gọi đồng minh

Dưới thời Tổng thống Biden, khả năng mua thiết bị sản xuất chip từ nước ngoài của Trung Quốc bị hạn chế nghiêm trọng. Các nhà cung ứng lớn nhất của Mỹ như Applied Materials, Lam Research, KLA không được phép bán máy móc hiện đại cho khách hàng Trung Quốc. Nhưng một cuộc phong tỏa hoàn toàn cần tới sự hợp tác của Tokyo Electron của Nhật Bản và ASML của Hà Lan.

Những nỗ lực của Mỹ đạt bước tiến quan trọng khi Nhật Bản và Hà Lan gần đạt thỏa thuận tham gia siết kiểm soát xuất khẩu máy móc tối tân sang Trung Quốc. Hai đồng minh đang cân nhắc cấm bán máy móc sản xuất chip tiên tiến cho Bắc Kinh theo các quy tắc mà Washington đặt ra hồi tháng 10.

Trong danh sách “đen” còn có nhà sản xuất memory chip hàng đầu Trung Quốc, YMTC. YMTC từng suýt cung ứng chip cho Apple trước khi “táo khuyết” rút lui. Họ cũng là đối thủ của Samsung và Micron trong lĩnh vực linh kiện điện thoại và máy tính cá nhân.

Phản ứng của Trung Quốc

Ngay cả khi Trung Quốc giành lợi thế trong khiếu nại WTO, Mỹ hoàn toàn có khả năng phủ quyết và đưa lên cơ quan phúc thẩm của WTO. Lựa chọn tốt nhất của Bắc Kinh là “bơm tiền” để tự phát triển chip công nghệ cao.

Theo Reuters, Trung Quốc chuẩn bị gói hỗ trợ 143 tỷ USD cho ngành công nghiệp chip. Dù vậy, không rõ tác động của nó như thế nào nếu nhìn vào kết quả từ hàng chục tỷ USD đã được đổ vào trước đó.

Adam Segal, Chủ tịch Công nghệ mới nổi và An ninh quốc gia tại Hội đồng Quan hệ nước ngoài, cho rằng vấn đề hiện nay là Trung Quốc thiếu nguồn lực. Chưa kể, các hành động đơn phương có thể khiến các đối tác Mỹ xa lánh, theo Jon Bateman, một thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế. Do vậy, Bắc Kinh vẫn chưa cho thấy họ sẽ tận dụng việc thống trị đất hiếm hay vai trò “công xưởng thế giới” vì “mất nhiều hơn được”.  

(Theo Bloomberg)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc thiếu ‘bài’ để phản công Mỹ trên mặt trận bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO