Trung Quốc đặt mục tiêu thành lập cơ sở nghiên cứu về mặt trăng sớm hơn kế hoạch. (Nguồn: AFP/NASA) |
Cuộc đua Mỹ-Trung trên Mặt Trăng
Ban đầu, sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng của Trung Quốc với tên gọi Thường Nga 8 nhằm thực hiện các thí nghiệm khoa học như in 3D bụi Mặt Trăng trong vài năm tới.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) Wu Yanhua cho biết, sứ mệnh mới của Thường Nga 8 sẽ là đưa một trạm nghiên cứu không người lái lên bề mặt Mặt Trăng, dự kiến được thực hiện vào năm 2035.
Phó Giám đốc Wu không cho biết thêm chi tiết về lý do thay đổi kế hoạch, song nhấn mạnh vai trò của sứ mệnh này là “xây dựng một nền tảng vững chắc cho việc sử dụng các tài nguyên trên Mặt Trăng với mục đích hòa bình”.
Trong nhiều năm, chương trình nghiên cứu Mặt Trăng của Trung Quốc đã có bước tiến ổn định với lộ trình riêng.
Giới chức không gian Trung Quốc nhiều lần khẳng định nước này không quan tâm đến một cuộc chạy đua như thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.
Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể đã thay đổi suy nghĩ do cảm nhận được động thái đe dọa của Mỹ.
Ngay sau khi sứ mệnh Thường Nga 5 mang các mẫu vật từ Mặt Trăng trở về Trái Đất, Phó Giám đốc thiết kế chương trình không gian có người lái của Trung Quốc Zhang Chongfeng đã chỉ trích Mỹ vì thúc đẩy “phong trào chiếm đất” trên Mặt Trăng.
Phong trào này do các quý tộc Anh trong thế kỷ XVIII và XIX khởi xướng nhằm chiếm đoạt đất đai vốn thuộc sở hữu chung của tất cả người dân trong một ngôi làng.
Theo Phó Giám đốc Zhang, giới chức trong ngành vũ trụ Trung Quốc tin rằng, chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) kế thừa sứ mệnh Apollo sẽ làm điều tương tự trên Mặt Trăng.
Sứ mệnh Apollo 11 năm 1969 là lần đầu tiên con người đổ bộ lên Mặt Trăng và chương trình Artemis dự kiến sẽ đưa các phi hành gia Mỹ trở lại đây vào năm 2024.
Tuy nhiên, khác với Apollo, chương trình mới có mục đích để các phi hành gia ở lại Mặt Trăng, xây dựng một số cơ sở quy mô lớn trên bề mặt Mặt Trăng cũng như trên quỹ đạo xung quanh vệ tinh này.
Chính phủ Mỹ và NASA đã đề xuất Hiệp ước Artemis nhằm thiết lập bộ quy tắc cho các hoạt động trên Mặt Trăng trong tương lai. Đến nay, với hơn 10 nước đồng minh của Mỹ tham gia, hiệp định này cho phép các chính phủ hay công ty tư nhân bảo vệ các cơ sở hay “di sản” bằng cách thiết lập vùng an toàn, theo đó cấm các bên khác xâm nhập. |
Theo ông Zhang, Trung Quốc và Nga phản đối Artemis, cho rằng hiệp ước này thách thức các giao thức quốc tế hiện hành như Thỏa thuận về Mặt Trăng của Liên hợp quốc, trong đó quy định Mặt Trăng thuộc về toàn thể loài người chứ không thuộc về riêng một bên nào.
Theo một bài báo đăng trên tạp chí Aerospace Shanghai hồi tháng 6 vừa qua, ông Zhang cho biết, để có thể chống lại Mỹ một cách hiệu quả trên Mặt Trăng, Trung Quốc cần “thực hiện một số biện pháp hướng tới tương lai và triển khai những biện pháp này trước kế hoạch”.
Trung Quốc tự chọn lối đi riêng
Theo chuyên gia này, chương trình Thường Nga - được đặt tên theo nữ thần Mặt Trăng của Trung Quốc - có kế hoạch đánh bại Artemis bằng cách khai thác các điểm yếu của chương trình này.
Artemis là một chương trình phức tạp, yêu cầu xây dựng một cơ sở tương tự như Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trên quỹ đạo của Mặt Trăng vào năm 2025, với chi phí ước tính lên tới 100 tỷ USD.
Gần đây, Tổng thanh tra của NASA đã cảnh báo rằng, lần đổ bộ đầu tiên có thể sẽ bị trì hoãn một vài năm do vấn đề kỹ thuật và nhiều thách thức khác.
Theo ông Zhang, chương trình của Trung Quốc sẽ có cách tiếp cận đơn giản hơn.
Thay vì xây dựng một "cửa ngõ" trên quỹ đạo, Trung Quốc sẽ trực tiếp đặt một trạm nghiên cứu chạy bằng năng lượng hạt nhân trên Mặt Trăng.
Trạm nghiên cứu không người lái này sẽ cho phép các phi hành gia Trung Quốc có thể đến thăm và ở trên Mặt Trăng trong khoảng thời gian lâu như những đồng nghiệp Mỹ, nhưng chi phí chỉ bằng một phần nhỏ.
Để chống lại các tuyên bố chủ quyền của Mỹ trên không gian, Trung Quốc cũng sẽ triển khai một trạm di động.
Trạm này có thể tự do đi lại trên bề mặt Mặt Trăng trong khoảng hơn 1.000 km và sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép các phi hành gia không cần phải có mặt khi trạm hoạt động.
Khác với chương trình của Mỹ, vốn tập trung vào các hoạt động trên bề mặt, Trung Quốc sẽ chú trọng đến việc khám phá các hang động, nơi có thể cung cấp một chỗ ẩn náu tự nhiên và xây dựng các khu định cư lâu dài.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước như hạn chế về nguồn cung năng lượng và khả năng vận chuyển.
Để giải quyết những vấn đề này, Trung Quốc đang phát triển một lò phản ứng hạt nhân 1 MW cho các sứ mệnh không gian, mạnh gấp 10 lần so với các thiết bị tương tự của NASA.
Nước này cũng đang phát triển một tên lửa hạng siêu nặng với tải trọng 150 tấn, bằng với sức chứa tàu Starship của SpaceX.