Vào thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đến gần, Văn phòng Trung ương Đảng CSTQ đã ban hành các quy định mới nhằm siết chặt việc kinh doanh của vợ, (chồng), con cái của cán bộ lãnh đạo. Có ý kiến phân tích hoài nghi liệu quy định mới có thể giúp đảo ngược tình trạng "dùng quyền lực mưu lợi cá nhân" rất phổ biến trong quan trường Trung Quốc hiện nay?
Quy định mới kiểm soát chặt chẽ người thân của cán bộ lãnh đạo kinh doanh
Theo Tân Hoa xã ngày 19/6, Văn phòng Trung ương ĐCSTQ mới đây đã ban hành Quy định về Quản lý Vợ (chồng), con cái và dâu rể của cán bộ lãnh đạo mở công ty và điều hành doanh nghiệp nhằm hạn chế, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh của các đối tượng là vợ, (chồng), con cái và dâu rể các lãnh đạo từ cấp cục trở lên và chức vụ tương đương của các cơ quan đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước.
Cái gọi là kinh doanh nói ở đây là nhằm chỉ hành vi đầu tư vào việc mở công ty kinh doanh, nắm giữ các vị trí cấp cao trong các doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư vào quỹ cổ phần tư nhân, tham gia môi giới kinh doanh và các dịch vụ pháp lý và môi giới khác có thu phí.
Quy định mới yêu cầu cán bộ phải khai báo hình kinh doanh của người thân
Cán bộ lãnh đạo cấp càng cao thì yêu cầu càng nghiêm, ngành tổng hợp khắt khe hơn các bộ phận khác. Cán bộ lãnh đạo hàng năm báo cáo việc riêng phải thông tin trung thực về tình hình vợ, (chồng), con, dâu rể đang kinh doanh, điều hành doanh nghiệp; hàng năm sau báo cáo tập trung phải kịp thời báo cáo tình hình mới lập doanh nghiệp kinh doanh, doanh nghiệp đang hoạt động, phải kiểm tra ngẫu nhiên và kiểm tra trọng điểm tình hình báo cáo của cán bộ lãnh đạo.
Ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai), một học giả chính trị độc lập của Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: Đại hội XX sắp diễn ra và việc đưa ra các quy định như vậy vào thời điểm quan trọng này chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều bàn luận và suy đoán khác nhau.
Ông nói: "Điều này có nghĩa là gì? Trong mười năm kể từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền, người thân và con của nhiều cán bộ cấp cao vẫn lợi dụng nguồn lực của cán bộ cấp cao để có được nhiều cơ hội như vậy. Những người này là những người trong hệ thống nắm quyền. Trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX việc ban hành văn kiện này, ít nhất, sẽ trấn áp được những kẻ đang cướp bóc một cách trắng trợn và cố ý tài nguyên của đất nước. Ngoài ra cũng có thể có nguyên nhân nhằm loại bỏ những người có quan điểm khác biệt."
Có ý kiến phân tích mô tả quy định mới là phiên bản nâng cấp của một loạt các biện pháp chống tham nhũng của ĐCSTQ kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012. Năm 2015 và 2016, Thượng Hải và Bắc Kinh cũng đã liên tiếp điều chỉnh hành vi của vợ, (chồng) và con cái cán bộ lãnh đạo. Người ta tin rằng các quy định mới nhất là yêu cầu chính thức của ĐCSTQ ở cấp trung ương, cho thấy tín hiệu về việc quyết tâm theo đuổi chính quyền liêm chính.
Chiến dịch chống tham nhũng từ sau Đại hội XVIII năm 2012 cho thấy tình hình vi phạm của thân nhân lãnh đạo ngày càng nghiêm trọng. |
Hiệu quả của quy định mới ra sao phải chờ mới biết
Dưới con mắt của nhà khoa học chính trị Ngô Tộ Lai, động thái mới nhất của Văn phòng Ủy ban Trung ương ĐCSTQ có một "đặc điểm" như vậy.
Ông nói: "Lần này nếu có điều gì đặc biệt thì đó là có vẻ 'nhẹ nhàng' hơn. Không phải là lia dao chém bừa, động tí là bắt người, ‘song quy’, yêu cầu giải thích rõ ràng mọi chuyện, rồi khám nhà thu đồ. Sự khác biệt thực sự là theo thông lệ quốc tế: cán bộ cấp phòng, ban có thể kinh doanh, nhưng phải công khai những dự án của mình."
Tài khoản công khai WeChat "Beijing News Review" đã viết trong một bài bình luận ngày 20/6: "Hiện tượng 'một gia đình, hai hệ thống' và “quan thương nhất thể”, đặc trưng của việc thân nhân các cán bộ lãnh đạo mở công ty và kinh doanh vẫn tồn tại ở một số địa phương, lĩnh vực khác nhau"; “Từ việc nghiêm cấm cán bộ lãnh đạo kinh doanh, đến từng bước dần điều chỉnh hành vi kinh doanh của vợ, (chồng), con cái cán bộ lãnh đạo, thực chất là tăng cường kiềm chế quyền lực công, ngăn chặn những hành vi bất chính lan tỏa và hiện thực hóa quyền lực, kiên quyết bảo vệ giới hạn tính chất ‘công’ của quyền lực công."
Tuy nhiên, học giả Ngô Tộ Lai cho rằng bao che lẫn nhau là hiện tượng phổ biến trong quan trường Trung Quốc. Vì vậy, tác dụng của quy định mới sẽ hiệu quả như thế nào thì còn phải chờ xem.
Ông nói: "Tất cả những gì đã đăng ký của mỗi người đều được giao cho tổ chức cấp trên. Cấp quận thì giao cho cấp tỉnh. Cấp tỉnh thì giao cho cấp trung ương hoặc cấp bộ. Cấp dưới lại là được cấp trên đề bạt. Một số chức vụ cán bộ được mua mà có, rất dễ hình thành quan hệ bao che; giữa họ vốn là quan hệ chăm sóc hoặc hối lộ. Mấu chốt hiện nay là cấp tỉnh vẫn bổ nhiệm cấp quận, cấp dưới đều là do cấp trên bổ nhiệm. Họ sợ nhất thuộc hạ bị điều tra, vấn đề bị phát hiện, không kịp bao che, rút dây động rừng, cơ bản đều là như vậy. Đó là một cơn lốc xoáy”.
Các quy định ràng buộc quyền lực công đã xuất hiện trong 40 năm
Kể từ khi cải cách và mở cửa, ĐCSTQ đã nhiều lần ban hành các quy định liên quan nhằm tăng cường kiềm chế quyền lực công. Năm 1984, Văn phòng Trung ương ĐCS Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc ra thông tri yêu cầu cán bộ đương chức các cơ quan đảng và chính quyền không được liên kết với quần chúng mở công ty. Cùng năm, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện ra lệnh hạn chế nghiêm ngặt cán bộ đảng và chính quyền cấp xã trở lên hoạt động kinh doanh, cấm họ sử dụng chức quyền để trục lợi cho doanh nghiệp do người thân và bạn bè của họ điều hành.
Năm 2000, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ra thông cáo yêu cầu cán bộ lãnh đạo không được lợi dụng quyền lực, ảnh hưởng của chức vụ để trục lợi cho vợ, (chồng), con cái. Năm 2004, Điều lệ xử lý kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc quy định rõ không được cho phép người thân nhân danh mình để trục lợi, tạo điều kiện cho thân nhân kinh doanh, cấm thân nhân kinh doanh trong phạm vi quản lý của mình.
Trong những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều ý kiến kêu gọi buộc các quan chức công khai tài sản của họ, cho rằng làm như vậy sẽ giúp ngăn chặn việc sử dụng quyền lực để trục lợi.