Lô 18 vệ tinh đầu tiên này được phóng vào quỹ đạo định sẵn bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-6 từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc.
Dự án “chòm sao Qianfan” (Qianfan constellation) hay G60 này, được triển khai vào năm 2023 với mục tiêu đưa 15.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) vào cuối năm 2030, để thiết lập mạng lưới không gian toàn cầu và cung cấp các dịch vụ tích hợp, giúp người dùng có thể truy cập Internet mọi nơi mọi lúc.
Năm nay, dự án có kế hoạch phóng 108 vệ tinh. Đến cuối năm 2025, sẽ có thể phủ sóng internet khu vực với 648 vệ tinh và đến cuối năm 2027 cung cấp phạm vi phủ sóng internet toàn cầu.
Trung Quốc hiện có ba siêu dự án có quy mô trên 10.000 vệ tinh, đó là dự án G60, dự án GW (GW Constellation) của Tập đoàn Mạng vệ tinh Trung Quốc (China Satellite Network Group Co.) thuộc sở hữu nhà nước và dự án Honghu-3 (Honghu-3 Constellation) của công ty vũ trụ tư nhân hàng đầu Landspace. Trong đó, dự án GW dự kiến phóng 12.992 vệ tinh, trong khi Honghu-3 có kế hoạch phóng 10.000 vệ tinh.
Được biết, mạng lưới băng thông rộng thương mại Starlink của công ty SpaceX (Mỹ) hiện có khoảng 5.500 vệ tinh trong không gian. Mạng lưới này đã đạt được thành công tại thị trường Mỹ và đang mở rộng trên toàn cầu.
Động thái phóng lô vệ tinh đầu tiên và 3 dự án với khoảng 40.000 vệ tinh kể trên đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mục tiêu chiến lược của Trung Quốc nhằm tạo ra phiên bản riêng, cạnh tranh với Starlink và thu hẹp khoảng cách với SpaceX.