Trung Quốc: Phát hiện vụ nổ tia gamma sáng nhất từ trước đến nay

Minh Phương (TTXVN/Vietnam+)| 20/10/2022 15:43

Các nhà khoa học Trung Quốc cho hay GRB 221009A là một vụ nổ khá dài, xảy ra cách Trái Đất hơn 2 tỷ năm ánh sáng, một GRB với độ sáng lớn như vậy ước tính chỉ xảy ra một lần trong nhiều thập kỷ.

Trung Quoc: Phat hien vu no tia gamma sang nhat tu truoc den nay hinh anh 1Kính viễn vọng tia X từ Đài quan sát Neil Gehrels Swift của NASA chụp lại ánh sáng rực rỡ của GRB 221009A khoảng một giờ sau khi nó được phát hiện lần đầu tiên. (Nguồn: NASA)

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát hiện ra vụ nổ tia gamma (GRB) sáng nhất từ trước đến nay qua việc kết hợp hoạt động quan sát vũ trụ từ Trái Đất và từ không gian. Thông tin được Viện Vật lý Năng lượng cao(IHEP) của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố hôm 19/10.

Các quan sát kết hợp được thực hiện vào ngày 9/10/2022 bởi Đài quan sát tia vũ trụ ở độ cao lớn (LHAASO) của Trung Quốc, Máy tìm kiếm năng lượng cao (HEBS) - một thiết bị giám sát toàn bầu trời để tìm kiếm dấu hiệu của tia gamma và vệ tinh thiên văn sử dụng tia X mang tên Insight-HXMT (Kính viễn vọng modul sử dụng tia X).

Những hệ thống này đã giúp các nhà khoa học tiến hành các phép đo đa phổ và phát hiện một vụ nổ tia gamma có mã GRB 221009A.

GRB là những vụ nổ năng lượng vô cùng lớn được quan sát thấy trong các thiên hà xa xôi. Chúng là những sự kiện phát ra nhiều ánh sáng và năng lượng nhất kể từ vụ nổ Big Bang hình thành vũ trụ.

Các vụ nổ tia gamma có thể kéo dài từ vài mili giây cho đến vài giờ, tạo ra năng lượng khổng lồ, bằng với những gì Mặt Trời của chúng ta có thể tạo ra trong suốt vòng đời hoạt động.

Với những GRB có thời gian diễn ra dài hơn, nhiều khả năng chúng được tạo ra bởi sự va chạm và phát nổ giữa các ngôi sao có khối lượng lớn gấp hàng chục lần Mặt Trời.

Trong khi đó, các vụ nổ ngắn hơn có thể được tạo ra bởi sự hợp nhất của hai thiên thể với kích cỡ nhỏ hơn, chẳng hạn như lỗ đen hay sao neutron. Các nhà khoa học tin rằng các GRB này có khả năng đi kèm với những sóng trọng lực lớn.

"GRB 221009A là một vụ nổ khá dài, xảy ra cách Trái Đất hơn 2 tỷ năm ánh sáng. Một GRB với độ sáng lớn như vậy ước tính chỉ xảy ra một lần trong nhiều thập kỷ," Zhang Shuangnan, giám đốc phòng Vật lý Hạt thiên văn của IHEP, cũng là điều tra viên chính của Insight-HXMT, cho biết.

Theo Cao Zhen, điều tra viên chính thức của LHAASO, trong lần quan sát này LHAASO đã dò ra được một số lượng lớn hạt photon năng lượng cao, đạt đến ngưỡng giới hạn năng lượng photon là 18TeV.

Ông nói: “Thông qua các quan sát kết hợp từ LHAASO, HEBS và Insight-HXMT, chúng tôi nhận thấy rằng vụ nổ lần này sáng hơn 10 lần so với RGB từng được coi là sáng nhất trước đây."

Đài quan sát LHAASO nằm trong một khuôn viên có diện tích lên tới 1,36km vuông ở độ cao 4.410 mét so với mực nước biển thuộc huyện Daocheng, tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc.

Đây là một trong những công trình khoa học và công nghệ quốc gia quan trọng nhất của Trung Quốc.

Trong khi đó Insight-HXMT, vệ tinh thiên văn dùng tia X đầu tiên của Trung Quốc đã được đưa vào quỹ đạo vào ngày 15/6/2017.

Insight-HXMT đã thực hiện một loạt khám phá liên quan đến lỗ đen, sao neutron và các chùm sóng vô tuyến nhanh trong 5 năm qua.

HEBS được đưa vào không gian vào ngày 27/7/2022, áp dụng một công nghệ dò tìm mới của Trung Quốc. Với sự trợ giúp của hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, HEBS có thể nhanh chóng gửi dữ liệu quan sát vũ trụ của nó về Trái Đất./.

Minh Phương (TTXVN/Vietnam+)
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc: Phát hiện vụ nổ tia gamma sáng nhất từ trước đến nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO