Trung Quốc phả hơi nóng vào cuộc đua ở Nam Thái Bình Dương

Hồng Quân| 31/05/2022 14:43

Phản ứng của phương Tây về chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Nam Thái Bình Dương cho thấy cuộc cạnh tranh ngày một nóng tại khu vực này.

Ngày 26/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến quần đảo Solomon, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 10 ngày tới các quốc đảo Nam Thái Bình Dương như Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Timor-Leste.

Trong thông cáo gửi tới cuộc họp cấp ngoại trưởng giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương ngày 30/5 ở Fiji, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với các nước Thái Bình Dương để xây dựng “cộng đồng có chung tương lai”.

(05.31) Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Tổng Thư ký diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương Henry Puma trong cuộc gặp gỡ ngày 29/5. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Tổng thư ký diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương Henry Puma trong cuộc gặp gỡ ngày 29/5. (Nguồn: Tân Hoa xã)

“Tương lai chung” của Trung Quốc

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tích cực mở rộng quan hệ với Nam Thái Bình Dương. Năm 2018, Bắc Kinh tặng tàu “khảo sát thủy văn” cho hải quân và 50 xe chuyên dụng cho Fiji, cùng lúc quốc đảo này nhận được tàu tuần tra tân trang của Australia.

Giờ đây, Trung Quốc muốn khẳng định năng lực, vị thế đối tác tin cậy, sẵn sàng giúp đỡ các nước trong khu vực phát triển và độc lập hơn. Hiện Bắc Kinh đang cam kết sẽ hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện kinh tế và đời sống của người dân tại Nam Thái Bình Dương mà không đi kèm các điều kiện chính trị.

Bên cạnh đó, nước này tìm kiếm mở rộng hợp tác an ninh, nâng cấp hợp tác quốc phòng và đưa ra “Tầm nhìn Phát triển chung giữa các quốc đảo Nam Thái Bình Dương với Trung Quốc”. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng khẳng định sẽ hỗ trợ phát triển, mở cửa thị trường trong nước cho các sản vật địa phương tới từ các nước trong khu vực này, giúp họ tiếp cận nguồn tài nguyên và hợp tác vẽ bản đồ biển khu vực với độ phân giải cao.

Bản thông cáo chung và kế hoạch hành động 5 năm Trung Quốc gửi đến cuộc họp với ngoại trưởng các nước tham dự cho thấy Bắc Kinh muốn ký một thỏa thuận an ninh thương mại quy mô khu vực.

Theo đó, Trung Quốc có thể đào tạo cảnh sát, hợp tác an ninh mạng, mở rộng quan hệ chính trị, lập bản đồ biển nhạy cảm, tiếp cận nhiều hơn tài nguyên thiên nhiên; tăng chuyến bay tới các quần đảo, tăng số tàu quân sự cập cảng khu vực... Bắc Kinh cũng có thể bổ nhiệm phái viên khu vực, đào tạo cán bộ ngoại giao trẻ, cung cấp 2.500 học bổng chính phủ, từ đó phát triển vị thế chính trị, kinh tế và quân sự ở Nam Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, dự thảo thông cáo chung trước đó vấp phải sự phản đối của ít nhất một nước được mời là Micronesia. Sau hội nghị với đại diện Samoa, Tonga, Kiribati, Papua New Guinea, Vanuatu, quần đảo Solomon, Niue và Vanuatu, ông Vương Nghị cho biết các bên đã đồng ý về 5 lĩnh vực hợp tác, nhưng cần thảo luận thêm để đạt được đồng thuận.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với các nước Thái Bình Dương để xây dựng “cộng đồng có chung tương lai”.

Tại sao chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình “hào hứng” với Nam Thái Bình Dương tới vậy?

Có ý kiến cho rằng lá phiếu của các nước khu vực rất có ý nghĩa với cường quốc châu Á trong mở rộng ảnh hưởng của mình trên thế giới. Ngoài ra, một số chuyên gia nhận định cũng là cách Bắc Kinh cô lập, gây sức ép với chính quyền Đài Loan (Trung Quốc). Một vài nước có quan hệ tốt với Đài Bắc như Quần đảo Marshall, Nauru và Palau đã được “khuyến khích” thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh để tiếp nhận khoản đầu tư lớn.

Quan trọng hơn, có chuyên gia cho rằng tầm ảnh hưởng ngày một lớn tại Nam Thái Bình Dương sẽ giúp Trung Quốc tìm kiếm những thỏa thuận quân sự tương tự như với Solomon để thiết lập thêm căn cứ và mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội nước này.

Tuy nhiên, ngày 30/5, trả lời về động cơ của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương, ông Vương Nghị cho rằng các lãnh đạo khu vực không nên “quá lo lắng” về Bắc Kinh.

Và quan ngại từ phương Tây

Mặc dù vậy, không phải ai cũng đồng tình với lời giải thích này của ông Vương Nghị. Chủ tịch Liên bang Micronesia David Panuelo cảnh báo thỏa thuận với Trung Quốc tuy “hấp dẫn”, nhưng sẽ cho phép nước này “tiếp cận và kiểm soát, giám sát hàng loạt” các cuộc gọi điện thoại và thư điện tử, từ đó “phá vỡ hòa bình, an ninh và ổn định khu vực”.

Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern coi việc lực lượng Trung Quốc đóng ở Solomon là “quân sự hóa khu vực”. Về phần mình, Fiji đã trở thành nước đầu tiên trong khu vực tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ khởi xướng.

Quan trọng hơn, việc Bắc Kinh tiếp cận cảng biển và lập căn cứ quân sự tại Nam Thái Bình Dương, điển hình là thỏa thuận với Solomon, khiến Washington và Canberra “đứng ngồi không yên”.

(05.31) Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã cam kết thắt chặt quan hệ và tăng cường viện trợ cho các quốc đảo tại Nam Thái Bình Dương. (Nguồn: News Corps Australia)
Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã cam kết thắt chặt quan hệ và tăng cường viện trợ cho các quốc đảo tại Nam Thái Bình Dương. (Nguồn: News Corps Australia)

Từ nhiều thập kỷ qua, Australia là người bảo vệ tự nhiên của khu vực. Sau cuộc bạo động năm 2021, cảnh sát Australia luôn có mặt tại thủ đô Solomon để duy trì hòa bình theo hiệp ước an ninh ký năm 2017.

Ngay khi nhậm chức ngày 23/5, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã hứa tăng cường quan tâm các quốc đảo đang chịu tác động từ biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết viện trợ 500 triệu AUD hỗ trợ đào tạo quốc phòng, an ninh hàng hải và cơ sở hạ tầng...

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Jenny Wong đã gặp thủ tướng Fiji để bàn nội dung liên quan đến Trung Quốc và sẽ tăng cường trao đổi với các đồng cấp khu vực về chủ đề này.

Về phần mình, Washington xem hiện diện của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương là nguy cơ đối với hàng thập kỷ nỗ lực kiềm chế Trung Quốc bên trong “chuỗi đảo thứ nhất”, khiến Mỹ phải tái định vị mạnh mẽ các lực lượng quân sự, thậm chí mở rộng các hiệp ước quốc phòng như đã ký với Kiribati năm 1979. Theo đó, Mỹ có quyền phủ quyết các cơ sở quân sự do nước thứ ba xây dựng ở đối tác ký kết.

Trong bối cảnh đó, tháng 2/2022, Mỹ đã mở lại đại sứ quán ở Solomon sau 29 năm vắng bóng. Ngày 24/5, Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ tại Tokyo đã thảo luận về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương và đưa ra sáng kiến ký Hiệp định Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về Nhận thức Miền Hàng hải, bao gồm các nước khu vực.

Do đó, không khó để thấy căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ cùng Australia ở Nam Thái Bình Dương sẽ tỷ lệ thuận với quan hệ ngày càng rộng mở giữa Bắc Kinh và các nước tại khu vực này.

Cuộc chạy đua, cạnh tranh ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương cũng vì thế sẽ thêm nóng trong thời gian tới.

Không khó để thấy căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ cùng Australia ở Nam Thái Bình Dương sẽ tỷ lệ thuận với quan hệ ngày càng rộng mở giữa Bắc Kinh và các nước tại khu vực này.
Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/trung-quoc-pha-hoi-nong-vao-cuoc-dua-o-nam-thai-binh-duong-185549.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/trung-quoc-pha-hoi-nong-vao-cuoc-dua-o-nam-thai-binh-duong-185549.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc phả hơi nóng vào cuộc đua ở Nam Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO