Cô Janice Chen từng là nhân viên cấp trung tại một công ty đa quốc gia ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 2020, cô Chen buộc phải nghỉ việc do tình hình kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19.
Nỗ lực tìm việc trong hơn một năm qua, nhưng cô Chen vẫn chưa tìm được “bến đỗ”. Cách đây vài tháng, cô Chen mới được nhận vào một công ty trong nước với quy mô nhỏ hơn so nhiều so với nơi cô từng làm việc.
Nhiều người lao động ngoài 35 tuổi bị sa thải gặp khó khăn trong quá trình tìm công việc mới ở Trung Quốc. (Ảnh: AP) |
Cô Chen nay đã 40 tuổi. Cô thừa nhận tuổi tác chính là trở ngại lớn nhất trong hành trình tìm kiếm việc làm.
“Tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý rằng công cuộc tìm việc sẽ khó khăn. Song tôi cho rằng mình không có ý định sinh thêm con cùng kinh nghiệm làm việc dày dặn, chuyện tìm việc sẽ không quá khó. Nhưng thực tế tôi đã sai”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời cô Chen.
“Trong một số cuộc phỏng vấn, tôi từng nhiều lần được hỏi cùng một câu hỏi, “Tại sao bạn lại không chọn làm một bà nội trợ ở tầm tuổi này?”.
Trên thực tế, Trung Quốc đang khuyến khích người dân trì hoãn thời gian nghỉ hưu. Thậm chí, một kế hoạch thử nghiệm đã được triển khai ở tỉnh Giang Tô từ đầu tháng này nhằm cho phép người lao động được hoãn thời gian nghỉ hưu ít nhất là một năm, nếu như họ tình nguyện làm như vậy và nhận được sự đồng thuận của cấp trên.
Tại Trung Quốc, độ tuổi nghỉ hưu chính thức với nam giới là 60. Đối với nữ giới nữ làm công việc văn phòng là 55 tuổi và nữ giới làm công nhân là 50 tuổi. Độ tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc được đánh giá là sớm hơn nhiều so với những nền kinh tế quy mô lớn khác.
Dù khuyến khích người dân kéo dài thời gian làm việc, nhưng nhiều thông tin tuyển dụng tại Trung Quốc kể cả lĩnh vực tư nhân và nhà nước lại cho thấy họ sẽ không nhận ứng viên ngoài 35 tuổi.
Thậm chí, theo chính sách tuyển dụng chính thức của chính phủ Trung Quốc, các vị trí tuyển dụng công chức trong cơ quan nhà nước, nghề nghiệp thuộc hàng được săn đón nhiều nhất tại Trung Quốc, cũng chỉ rộng mở cánh cửa đối với người dưới 35 tuổi.
Bà Jennifer Feng, Giám đốc nhân sự công ty tuyển dụng hàng đầu 51job.com, cho biết người lao động lớn tuổi đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn trong quá trình tìm kiếm việc làm mà đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19.
"Chúng tôi phải thừa nhận rằng giữa đại dịch, yêu cầu tuyển dụng đặt ra cao hơn như các kỹ năng làm việc trực tuyến mà điều này phù hợp với những lao động trẻ tuổi. Trong quá khứ, phần lớn người lao động bị các công ty công nghệ lớn sa thải là nhân viên đã lớn tuổi. Các nhà tuyển dụng sẵn sàng thuê người trẻ hiểu biết hơn về công nghệ, chi phí trả thấp hơn và có nhiều tiềm năng hơn", bà Feng cho biết.
Bà Jiang Shengnan, đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), cơ quan lập pháp lớn nhất của Trung Quốc đã bắt đầu phiên họp thường niên tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 5/3, nhấn mạnh bước đầu tiên xóa bỏ chủ nghĩa tuổi tác trong môi trường lao động là loại bỏ yêu cầu về giới hạn độ tuổi khi tuyển dụng viên chức nhà nước.
“35 là tuổi vàng trong sự nghiệp. Việc xóa bỏ giới hạn độ tuổi trong các kỳ thi công chức của chính phủ sẽ gửi tín hiệu tới các doanh nghiệp, cá nhân rằng sự phân biệt tuổi tác không được phép tồn tại ở nơi làm việc. Chuyện này cũng sẽ tạp ra tác động lớn tới tâm lý, quyết định lựa chọn độ tuổi kết hôn, sinh con và nghỉ hưu của người lao động", bà Jiang viết trong bản đề xuất gửi lên NPC.
Giáo sư Zheng Bingwen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An sinh xã hội quốc tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đồng tình với đề xuất của bà Jiang.
"Giới hạn độ tuổi cần được loại bỏ mà đặc biệt là trong các cơ quan chính phủ. Chính phủ nên đi đầu trong việc thay đổi nhận thức xã hội", ông Zheng nhấn mạnh.
Đối với cô Chen, cách tốt nhất để vượt qua định kiến tuổi tác là chuẩn bị sẵn càng sớm càng tốt cách kiếm tiền kiểu khác.
“Có lẽ cần chuẩn bị một ‘nghề nghiệp linh hoạt’ như quay video bán hàng trực tuyến hay lái xe công nghệ”, cô Chen chia sẻ.
Phân biệt tuổi tác hiện là vấn đề gây tranh cãi trên toàn cầu chứ không chỉ riêng tại Trung Quốc, bất chấp cuộc khủng hoảng dân số đang diễn ra khi ngày càng nhiều người già đến tuổi nghỉ hưu trong khi tỷ lệ sinh đẻ lại sụt giảm mạnh.
Theo báo cáo năm 2021 của Đại học Tài chính, Kinh tế Trung ương Bắc Kinh, trong độ tuổi lao động từ 15 đến 59, độ tuổi trung bình của một lao động ở Trung Quốc là 38,8 năm vào năm 2019, cao hơn 6 năm so với năm 1985.
Xu hướng này được nhận định sẽ không sớm đảo chiều. Bởi trong năm 2021, Trung Quốc chỉ có 10,62 triệu trẻ ra đời. Con số cho thấy tỷ lệ sinh đẻ ở Trung Quốc tiếp tục sụt giảm nhiều năm và làm trầm trọng thêm tình trạng già hóa dân số nhanh chóng.
Minh Thu (lược dịch)