"Tháng 1 vừa qua, các nhà lãnh đạo của 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã đưa ra tuyên bố chung rằng, không nên bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân, và không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Họ nhấn mạnh rằng, những rủi ro chiến lược của xung đột quân sự giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cần được giảm thiểu ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói tại cuộc họp báo hôm 27/3.
Liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, bà Mao cho biết Trung Quốc ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng và đàm phán hòa bình.
"Trung Quốc trao đổi với tất cả các bên và sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng theo cách riêng của mình, góp phần làm dịu tình hình", bà Mao nhấn mạnh.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh hy vọng "Mỹ cũng sẽ hành động có trách nhiệm, tạo ra môi trường và điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên liên quan, thay vì đổ thêm dầu vào lửa".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho biết, quan hệ Nga-Trung là nhân tố mang lại hòa bình và ổn định toàn cầu. Theo ông Tần, quan hệ Nga-Trung không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia thứ ba nào.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tuần qua tuyên bố, theo yêu cầu của Belarus, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, tương tự những gì Mỹ đã làm trên lãnh thổ của các nước đồng minh trong thời gian qua. Theo nhà lãnh đạo Nga, một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật đặc biệt sẽ được xây dựng tại Belarus trước ngày 1/7.
Tổng thống Nga cho biết người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus. Ông Putin đảm bảo rằng thỏa thuận với Belarus không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của hai nước về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Động thái của Nga ngay lập tức vấp phải sự phản đối của phương Tây. Quan chức ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cảnh báo EU sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga tiếp tục triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.
Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi Nga xem xét lại quyết định này, khẳng định bản chất bất ổn của việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết Kiev đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập một cuộc họp bất thường về vấn đề này.
Là một quốc gia từng bị ném bom hạt nhân, Nhật Bản coi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus là không thể chấp nhận được, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Tokyo.
"Là quốc gia duy nhất hứng chịu các vụ đánh bom hạt nhân, Nhật Bản kiên quyết phản đối mối đe dọa hạt nhân bắt nguồn từ Nga. Nhật Bản lên án quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, vì điều đó sẽ dẫn đến sự leo thang hơn nữa trong bối cảnh xung đột tiếp diễn ở Ukraine. Chúng tôi kêu gọi Nga và Belarus ngừng mọi hành động có thể khiến leo thang căng thẳng", ông Matsuno nói thêm.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tuyên bố phản ứng của phương Tây sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus.