Trung Quốc nhận định nguồn cơn dẫn tới xung đột quân sự Nga – Ukraine là do “sự mất cân bằng an ninh” ở châu Âu.
Trong cuộc điện đàm với cố vấn ngoại giao của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là ông Emmanuel Bonne vào ngày 7/4, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, những đứt gãy trong vấn đề an ninh châu Âu là nguyên nhân dẫn tới xung đột quân sự Nga – Ukraine.
Xe tăng của quân đội Nga bị phá hủy sau quá trình tham chiến ở thị trấn Bucha gần thủ đô Kiev, Ukraine. (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, Moscow khẳng định một trong những mục tiêu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine là buộc Kiev giữa quan điểm là quốc gia trung lập và không bao giờ gia nhập liên minh quân sự NATO.
“Vấn đề Ukraine bắt nguồn từ sự mất cân bằng an ninh ở châu Âu”, RT trích tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị.
“Cấu trúc an ninh châu Âu bền vững, hiệu quả và cân bằng cần được tái xây dựng dựa trên nguyên tắc an ninh không thể chia tách. Chỉ có làm như vậy châu Âu mới có thể thực sự tiến tới hòa bình và ổn định lâu dài”, ông Vương nói thêm.
Ông Vương nhấn mạnh tất cả các bên nên hợp tác để “tạo ra môi trường và điều kiện cần thiết để nâng cấp các cuộc đối thoại hòa bình” thay vì “thổi bùng ngọn lửa”.
“Không nên kêu gọi ngừng bắn và chấm dứt hoàn toàn xung đột mà vẫn chuyển giao số lượng lớn vũ khí và thiết bị hiện đại làm căng thẳng thêm chiến sự”, ông Vương cho hay.
Trên thực tế, kể từ khi Nga thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine từ ngày 24/2, các nước thành viên NATO đã tăng cường trang bị vũ khí cho Kiev bao gồm hệ thống tên lửa chống tăng và phòng không. Moscow cũng đã nhiều lần lên tiếng khẳng định “cơn lũ” vũ khí đổ về Ukraine chỉ gây ảnh hưởng xấu thêm cho tiến trình hòa bình.
Khác với các nước phương Tây, Nga từ chối lên tiếng chỉ trích cuộc chiến của Nga ở Ukraine và không áp đặt lệnh trừng phạt với Moscow. Bắc Kinh cho rằng các lệnh trừng phạt nhắm vào lĩnh vực kinh tế và năng lượng của Nga chỉ gây gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu, cũng như ngăn cản tiến trình đưa ra giải pháp chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Hôm 6/4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tiếp tục cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế sẽ có phản ứng, nếu Trung Quốc có hành động hỗ trợ Nga.
Trong khi đó, tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 7/4, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thừa nhận các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã không thể liên lạc với những người đồng cấp Nga kể từ khi Moscow tấn công Ukraine.
Ông Austin cho biết ông “thất vọng” về tình hình hiện tại, nhưng “chuyện này không có nghĩa chúng ta sẽ dừng đối thoại với Nga. Tôi nghĩ chúng ta có khả năng nói chuyện với lãnh đạo Nga”.
“Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ và cả tôi thường xuyên liên lạc với những người đồng cấp Nga để cố gắng đảm bảo đối thoại vẫn được duy trì. Lần cuối cùng chuyện này diễn ra là vào giữa tháng Hai”, ông Austin cho biết.
“Kể từ đó không có nỗ lực nào thành công, bởi người Nga không đáp lời”, ông Austin nhấn mạnh.
Trước đây, trong cuộc họp báo vào ngày 30/3, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby thừa nhận “không có cuộc đối thoại nào được tiến hành” với quân đội Nga, sau khi một phóng viên đặt câu hỏi liệu Washington đã liên lạc với giới lãnh đạo quân sự của Nga.
“Đây là con đường hai chiều. Người Nga phải sẵn lòng nhấc máy, nhưng họ lại không làm như vậy”, ông Kirby cho biết.
Bản thân Mỹ cũng giữ bí mật về các loại vũ khí và thiết bị đã gửi tới Ukraine. Chỉ có duy nhất gói hỗ trợ an ninh trị giá 300 triệu USD được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố danh sách chi tiết các hệ thống và vũ khí chuyển cho Ukraine.
Ngoài ra, Washington phản đối chuyển giao các chiến đấu cơ cho Ukraine thông qua Mỹ. Bởi Washington lo ngại động thái này sẽ khiến điện Kremlin hiểu là Mỹ và NATO bắt đầu tham chiến trực tiếp ở Ukraine.
Minh Thu (lược dịch)