Các cán bộ, công chức và viên chức tại Trung Quốc được khuyên cắt giảm sử dụng hệ thống thang máy, và các tòa nhà duy trì mức nhiệt trên 26 độ C khi bật điều hòa để tiết kiệm điện, giữa lúc nhu cầu sử dụng điện để vận hành các thiết bị làm mát đang tăng phi mã trong giai đoạn mùa hè năm nay.
Theo tờ The Paper, chính quyền tỉnh An Huy đề nghị các cán bộ, công chức và viên chức, cơ quan công cộng, cùng cơ sở sản xuất giải quyết vấn đề thiếu điện bằng cách tiết kiệm năng lượng, trong bối cảnh sóng nhiệt đang tấn công nhiều khu vực rộng lớn trên lãnh thổ Trung Quốc khiến nhu cầu dùng điều hòa để làm mát tăng vọt.
Nhu cầu sử dụng điện tại Trung Quốc tăng vọt giữa nắng nóng kỷ lục. (Ảnh: Sixth Tone) |
Cụ thể, hồi tuần trước, chính quyền tỉnh An Huy đã yêu cầu các nhà máy giới hạn hoạt động và cắt giảm sử dụng điện “không cần thiết”, dù hoạt động phân phối điện đã được lên kế hoạch phục vụ các ngành sản xuất chế tạo trong giờ cao điểm.
Ngoài ra, chính quyền tỉnh đề nghị các cán bộ, công chức và viên chức không sử dụng thang máy để di chuyển từ tầng 1 – 3 trong tòa nhà. Ngoài ra, các cơ quan công cộng được yêu cầu duy trì mức nhiệt trên 26 độ C khi bật hệ thống điều hòa làm mát.
Thông báo của tỉnh An Huy được đưa ra giữa lúc Trung Quốc ghi nhận mức nhiệt cao phá kỷ lục, đẩy nhu cầu sử dụng điện tại các hộ gia đình và tòa nhà văn phòng tăng vọt.
Tính từ ngày 20/7, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã ban bố 23 cảnh báo nắng nóng liên tiếp, và nhiệt độ tăng cao được dự báo tiếp tục tái diễn ở đất nước tỷ dân trong thời gian tới. Hiện tại, Trung Quốc đã chứng kiến đợt nắng nóng kinh khủng nhất trong vòng 60 năm qua.
Tờ The Paper cho hay, chiến dịch của chính quyền tỉnh An Huy “nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm điện, đồng thời giảm bớt sức ép đối với ngành điện”. Theo đó, chính quyền tỉnh khuyến khích tắt các hệ thống chiếu sáng không cần thiết trên các con đường và hộ gia đình. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh còn xây dựng kế hoạch chia thành nhiều mức giá bán điện đối với lĩnh vực sản xuất và hộ dân.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, chính quyền nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc đã cho thi hành các chính sách như triển khai hệ thống phân phối điện cho ngành công nghiệp, và lắp bộ kiểm soát nhiệt độ tại các tòa nhà chính phủ để đối phó trước tình trạng “cầu vượt quá cung” của ngành điện lực. Nhưng trong năm ngoái, tình trạng mất điện diện rộng vẫn xuất hiện ở Trung Quốc. Chính quyền nước này thừa nhận thiếu điện hoàn toàn không thể tránh khỏi.
Nhiệt độ tăng cao và lượng mưa thấp cũng khiến nhiều con sông lớn ở Trung Quốc rơi vào cạnh khô cạn, gây ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà máy thủy điện trong khu vực. Điển hình, tại huyện Thanh Dương của tỉnh An Huy nằm dọc hạ lưu sông Trường Giang và là nơi hoạt động của các nhà máy thủy điện quy mô nhỏ, lượng mưa rơi xuống khu vực trong tháng Tám chỉ là 1,7 mm, giảm 97% so với bình thường.
Kể từ tháng Bảy, lượng mưa đổ xuống lưu vực sông Trường Giang được ghi nhận thấp hơn 40% so với cùng kỳ vào các năm trước. Tình trạng này khiến Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc ban bố cảnh báo hạn hán mức 4 tại 6 tỉnh. Mức cảnh báo số 4 là mức thấp nhất trong 4 thang cảnh báo khẩn cấp về ảnh hưởng của hạn hán đối với nguồn cung nước cho các thành phố.
Sông Trường Giang dài 6.300 km hiện ghi nhận mực nước xuống tới mức thấp kỷ lục trong vòng 150 năm qua. Hai hồ nước ngọt lớn nhất ở Trung Quốc cũng có mực nước đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1951, giữa lúc quốc gia này trải qua nhiều đợt sóng nhiệt liên tiếp và hạn hán diện rộng.
Cụ thể, thị trấn Hán Khẩu thuộc thành phố Vũ Hán vốn là địa điểm quan trọng kiểm soát dòng chảy sông Trường Giang, con sông lớn nhất châu Á, cũng báo cáo mực nước giảm xuống còn 17,54 m vào ngày 13/8. Con số này thấp hơn khoảng 6 m so với mực nước trung bình hàng năm trong những năm gần đây và là mức nước thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1865, thời điểm số liệu bắt đầu được ghi chép thống kê.
Minh Thu (lược dịch)