Các nhà khoa học Trung Quốc vừa qua đã công bố bộ gene người sinh sống vào cuối kỷ Pleistocene tại Tây Nam Trung Quốc.
Phát hiện này đã được đăng trên tạp chí trực tuyến Current Biology tối 14/7.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành giải trình tự bộ gene hài cốt 14.000 năm tuổi của "người Mông Tự" (MZR), vốn được khai quật vào năm 1989 trong một hang động ở Mông Tự, thuộc tỉnh Vân Nam. Hơn 30 hóa thạch của con người, các loài động vật như hươu đỏ, khỉ đuôi dài và gấu đen, cũng được tìm thấy trong hang.
Theo bản tóm tắt nghiên cứu, kết hợp với dữ liệu được công bố, các nhà khoa học đã phát hiện ra sự phân chia gene rõ ràng trong các cư dân sinh sống tại Đông Á và Đông Nam Á, và sự phân hóa Nam-Bắc trong suốt giai đoạn cuối kỷ Pleistoscen. MZR được xác định là người sinh sống khu vực phía Nam Đông Á và có bộ gene truyền lại tới dân số ngày nay.
Theo kết quả nghiên cứu nhân chủng học trên một hộp sọ người được khai quật, chủ nhân của hộp sọ là một phụ nữ trẻ cao khoảng 155 cm và nặng 46 kg.
Zhang Xiaoming, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Viện Động vật học Côn Minh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cho biết người phụ nữ sống cuộc sống săn bắn và hái lượm khoảng 14.000 năm trước.
Nghiên cứu chỉ ra rằng người MZR cũng có mối quan hệ di truyền sâu sắc với những người Mỹ bản địa đầu tiên.
Các nhà khoa học ước tính rằng người cổ đại sống trong các hang động ở phía Nam Đông Á bắt đầu di cư lên phía Bắc khi thời tiết ấm lên, và có thể đã có một con đường di cư dọc theo bờ biển. Một số người cuối cùng đã vượt qua eo biển Bering và đến Mỹ./.