Theo thông báo, tàu Haixun 09 được phân công làm nhiệm vụ trong biên chế của Cục An toàn hàng hải Quảng Đông (MSA), đơn vị phụ trách các hoạt động ở Biển Đông.
Tàu Hải tuần 09 được biên chế ngày 23/10, trở thành tàu tuần tra lớn và hiện đại nhất trong hạm đội của Cục Hải sự Trung Quốc, với chiều dài 165 m, rộng gần 21 m có lượng giãn nước 10.700 tấn. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) tuyên bố Hải tuần 09 sẽ được sử dụng để "phân phối nguồn lực chiến lược" và giúp bảo vệ yêu sách trên biển của Bắc Kinh.
Tàu Haixun 09 là mẫu tàu hiện đại nhất trong hạm đội tàu dân sự. (Nguồn: Global Times) |
Con tàu này được bàn giao cho Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông, cơ quan giám sát các hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Hải tuần 09 được trang bị vòi rồng, hệ thống theo dõi trên không, sàn đáp trực thăng và có khả năng cấp cứu y tế trên biển.
Trước đó, Trung Quốc đã có các tàu hải cảnh trên 10.000 tấn nhưng lực lượng này trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Việc biên chế tàu Hải tuần 09 cho Cục Hải sự Quảng Đông là một động thái đáng chú ý vì cơ quan này được giao nhiệm vụ tuần tra và quản lý các vấn đề hàng hải trên Biển Đông, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Trong khi đó, theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, tàu Hải tuần 09 sẽ đóng vai trò như một lực lượng thực thi pháp luật di động cho các cuộc tuần tra trên biển, điều phối và chỉ huy ngăn ngừa ô nhiễm trên biển.
Bắc Kinh đã đưa ra các yêu sách hàng hải vô lý trên Biển Đông và liên tục có các động thái củng cố bất chấp sự phản đối của quốc tế.
Collin Koh, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nhận định Cục Hải sự Trung Quốc dường như đang nâng cấp đội tàu tuần tra để ganh đua ảnh hưởng với lực lượng hải cảnh nước này.
Cục Hải sự là một cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, quản lý các vấn đề thuộc về an toàn hàng hải và tàu thuyền, bao gồm việc giám sát an toàn, an ninh trên biển. Đây là cơ quan quản lý hàng hải duy nhất không bị sáp nhập vào lực lượng hải cảnh Trung Quốc được thành lập vào tháng 6/2013. Theo phân chia của chính phủ Trung Quốc, Cục Hải sự đảm nhận nhiệm vụ như "cảnh sát giao thông trên biển", trong khi hải cảnh thực hiện các chức năng hành pháp khác.
Chuyên gia Koh cho biết Cục Hải sự Trung Quốc từng điều tàu hải tuần tới quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, với cái cớ ứng phó tình huống khẩn cấp, như tìm kiếm cứu nạn.
"Những động thái này góp phần giúp Trung Quốc tăng khả năng kiểm soát khu vực, bao gồm việc thực thi luật an toàn giao thông hàng hải mà nước này tự ban hành đối với tàu thuyền nước ngoài", chuyên gia Koh cảnh báo. Luật hàng hải này được Trung Quốc áp dụng từ tháng 9, bất chấp phản ứng của nhiều nước trên thế giới.
Trong khi đó, ông Yue Gang, cựu đại tá quân đội Trung Quốc, tỏ ra lo ngại về hoạt động của tàu Hải tuần 09 trên Biển Đông.
Theo ông này, nếu Trung Quốc đưa tàu đến khu vực mà không có "hành động thực thi luật" với tàu bè trong khu vực nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, hành động này sẽ làm giảm "uy quyền" của Bắc Kinh.
Tuy nhiên nếu hành động, tàu Hải tuần 09 có thể dẫn tới đối đầu quốc tế, điều mà theo ông Yue, Trung Quốc không mong muốn.
Cựu đại tá Yue suy đoán tàu Hải tuần 09 sẽ được điều động di chuyển qua Biển Đông để "phô diễn sức mạnh và năng lực hàng hải của Trung Quốc" với các nước láng giềng, thay vì đồn trú lâu dài, theo SCMP.
Trung Quốc trong những năm qua ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo trái phép, đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông và hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế.
Việt Nam khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế, phản đối các hoạt động quân sự hóa làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh trong khu vực.