Trung Quốc đưa tàu thăm dò đi khắp các vùng biển, do thám các nước

02/02/2021 07:05

Các tàu khảo sát của Trung Quốc tăng cường hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực để gia tăng lợi ích hàng hải của nước này.

Trung Quốc đưa tàu thăm dò đi khắp các vùng biển, do thám các nước - 1

Tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords (phía trên) của Mỹ bám sát tàu thăm dò Hải Dương 4 của Trung Quốc trên Biển Đông tháng 7/2020 (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Nikkei đã phân tích dữ liệu nhận diện tự động trên 32 tàu thăm dò của Trung Quốc từ cơ sở dữ liệu do Marine Traffic, trang web chuyên theo dõi hoạt động của các tàu, cung cấp, đồng thời kiểm tra hành trình của các tàu này trong 12 tháng tính đến tháng 11/2020.

Các tàu thăm dò của Trung Quốc được thiết kế để kiểm tra các cấu trúc dưới biển bằng sóng âm và thu thập các mẫu nghiên cứu dưới biển.

Theo cơ sở dữ liệu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, Trung Quốc có 64 tàu thăm dò được đóng từ năm 1990 đến nay, vượt xa con số 44 tàu của Mỹ và 23 tàu của Nhật Bản.

Dữ liệu cho thấy nhiều tàu thăm dò Trung Quốc hoạt động gần đảo Guam và trên Biển Đông. Trung Quốc coi các vùng biển xung quanh "chuỗi đảo thứ nhất" là khu vực đóng vai trò quan trọng chiến lược để bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của nước này. "Chuỗi đảo thứ nhất" chạy dọc vùng biển từ quần đảo Okinawa của Nhật Bản, đến đảo Đài Loan và quần đảo Philippines.

Tuy nhiên, các tàu thăm dò Trung Quốc còn vươn tới "Chuỗi đảo thứ hai" ở Tây Thái Bình Dương, kéo dài từ Nhật Bản tới đảo Guam và phía nam Indonesia.

Nhiều tàu Trung Quốc đã nhận được cảnh báo khi tiến hành hoạt động thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác khi chưa được phép. Trong số 17 tàu Trung Quốc bị phát hiện hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác hoặc tại các vùng biển tranh chấp, hơn 10 tàu được cho là có liên quan tới các hoạt động khả nghi.

Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, tàu thăm dò nước ngoài khi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác cần nhận được sự đồng thuận từ trước của nước sở tại. Các tàu thăm dò Nhật Bản và Mỹ đều tuân thủ quy định này của luật pháp quốc tế khi hoạt động, trong khi Trung Quốc nhiều lần phớt lờ.

Từ tháng 4/2020, tàu Xiang Yang Hong 10 của Trung Quốc đã tiến hành thăm dò ở 3 địa điểm phía nam đảo Guam. Trong khi đó, tàu Xiang Yang Hong 01 cũng tiến hành thăm dò gần đảo Guam, Papua New Guinea, trong vùng đặc quyền kinh tế của Micronesia và vùng biển phía tây bắc Australia.

Mục đích của tàu Trung Quốc

Trung Quốc đưa tàu thăm dò đi khắp các vùng biển, do thám các nước - 2

Tàu USS Gabrielle Giffords của Mỹ hoạt động gần tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia tháng 5/2020. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Dữ liệu từ Marine Traffic cho thấy các tàu khác của Trung Quốc chủ yếu hoạt động gần đảo Guam. Vùng biển gần đảo Guam đóng vai trò quan trọng với trữ lượng cobalt, magie và các khoáng sản dưới biển khác. Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan, chẳng hạn khi Trung Quốc sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo, căn cứ của Mỹ ở đảo Guam càng đóng vai trò chiến lược quan trọng hơn.

"Một số tàu Trung Quốc chỉ tiến hành thăm dò hệ sinh thái biển để phục vụ mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, những tàu hoạt động gần đảo Guam dường như còn tiến hành thăm dò để phục vụ các mục tiêu an ninh. Dữ liệu thu thập được từ hoạt động thăm dò  có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự", Fengjun Duan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Canon, nhận định.

Những động thái trên diễn ra giữa bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng lên nhóm quốc đảo ở Thái Bình Dương. Tháng 9/2019, Bắc Kinh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với quần đảo Solomon và quần đảo Kiribati. Một số nước đã chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc đại lục sau sức ép của Bắc Kinh.

Tại Biển Đông, các tàu thăm dò Trung Quốc được phát hiện đi vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á gần như mỗi ngày.

Vào tháng 4 năm ngoái, tàu Hai Yang Di Zhi 8 (Hải Dương Địa chất 8) của Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Các tàu Trung Quốc liên tục hoạt động xung quanh West Capella, tàu khoan dầu khí của Anh hợp tác với tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia. Vào cùng thời điểm đó, Mỹ điều tàu tác chiến cận bờ USS Montgomery đến vùng biển ngoài khơi Malaysia để tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông.

Theo Reuters, vào tháng 7/2020, tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ cũng tiến hành hoạt động thường kỳ gần tàu Hai Yang Di Zhi 4 (Hải Dương Địa chất 4) của Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam.

Indonesia hồi tháng 1 tuyên bố đã phát hiện tàu thăm dò Xiang Yang Hong 03 của Trung Quốc tiến hành các hoạt động không được cấp phép tại eo biển Sunda, sau khi hệ thống nhận diện tự động của tàu này bị tắt đi 3 lần.

Cuối năm 2019, Hải quân Ấn Độ cũng phát hiện tàu Shi Yan 1 của Trung Quốc tiến hành các hoạt động thăm dò gần cảng Blair trong vùng biển của Ấn Độ, mặc dù chưa được sự cho phép.

Trong một số trường hợp, các tàu thăm dò của Trung Quốc còn được các tàu hải cảnh nước này hộ tống, khiến căng thẳng leo thang.

Ngoài ra, các tàu thăm dò Trung Quốc còn triển khai hoạt động ở biển Hoa Đông - nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Chính phủ Nhật Bản và Trung Quốc vào năm 2008 đã nhất trí cùng phát triển các dự án mỏ khí đốt gần đường trung tuyến ngăn vùng biển giữa hai nước. Tuy nhiên các cuộc đàm phán đã bị đóng băng từ năm 2010. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Trung Quốc đã xây dựng 16 cấu trúc xa bờ ở gần đường trung tuyến bên phía Trung Quốc. Các hoạt động thăm dò của Trung Quốc vẫn diễn ra tại khu vực này.

Tháng 5/2020, tàu thăm dò Ye Zhi Zheng của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc đã bị phát hiện di chuyển gần vùng biển sát đường trung tuyến với Nhật Bản. Đây là hướng di chuyển điển hình của một tàu thăm dò khi muốn vẽ địa hình và cấu trúc đáy biển.

Năm 2019, Nhật Bản yêu cầu tàu Ye Zhi Zheng dừng đưa các thiết bị giám sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở phía tây quần đảo Danjo. Tokyo đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Bắc Kinh.

"Các tàu thăm dò Trung Quốc tự diễn giải luật quốc tế theo hướng có lợi cho họ và để biện minh cho phạm vi hoạt động của mình. Nếu họ tiếp tục thăm dò, Nhật Bản cần cân nhắc những biện pháp mạnh mẽ", giáo sư Shigeki Sakamoto tại Đại học Doshisha cho biết.

Thành Đạt

Tổng hợp

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc đưa tàu thăm dò đi khắp các vùng biển, do thám các nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO