Tàu khu trục lớn nhất của Hải quân Trung Quốc đã dẫn theo 3 tàu hộ tống tham gia một cuộc tập trận chung trên biển Hoàng Hải. Đây là một cuộc tập trận kiểu “hỗn hợp giữa hiện đại và không hiện đại” mà giới chuyên gia cho là nhằm chuẩn bị cho viễn cảnh đối đầu quân sự giữa Trung Quốc với các đối thủ yếu hơn trong khu vực.
Lhasa, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Type 055 và là chiến hạm tối tân nhất trong quân đội Trung Quốc (PLA), đã tham gia hàng loạt cuộc tập trận đánh giá khả năng cùng với 3 tàu hộ tống lớp Type 056A trên biển Hoàng Hải mới đây, theo kênh truyền hình trung ương CCTV.
Theo báo cáo, các tàu này đã thực hiện bài tập chống ngầm, chống hạm và phòng không trong vòng 3 ngày. Một số loại chiến hạm mặt nước khác, máy bay cảnh báo sớm và trực thăng cũng tham gia vào cuộc tập trận.
Một trực thăng Z-9 cũng tham gia cuộc tập trận (Ảnh: Weibo) |
Tàu Lhasa, được tuyên bố sẵn sàng chiến đấu vào tháng 1 năm nay, là tàu lớp Type 055 thứ hai của Hải quân Trung Quốc. Với độ choán nước 12.000 tấn, nó được xem là khu trục hạm mạnh thứ hai thế giới, chỉ sau tàu USS Zumwalt (DDG-1000).
Trong khi đó, tàu hộ tống Type 056A 1.440 tấn là một biến thể của Type 056, chuyên dụng cho các nhiệm vụ chống ngầm.
Cuộc tập trận được tổ chức nhằm thử nghiệm khả năng hoạt động phối hợp giữa các loại chiến hạm khác nhau trong một môi trường chiến đấu điện từ trường phức hợp, theo CCTV.
“Cuộc tập trận chung giữa các tàu Type 055 và Type 056A có thể rất phức tạp và thách thức bởi có sự xuất hiện của nhiều công nghệ và chiến thuật mới trong môi trường hải chiến hiện đại” – Zhou Chenming, chuyên gia quân sự đến từ hãng phân tích khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang, nhận định.
Trung Quốc đã khởi động 8 tàu khu trục Type 055 trong khoảng 2017-2020 và hơn 70 chiến hạm Type 056 và Type 056A trong thập kỷ qua.
Chiếc Type 055 đầu tiên đã biên chế trong năm ngoái, trong khi những tàu hộ tống chống ngầm đầu tiên của họ biên chế trong năm 2014. Cả hai lớp tàu này đều có thiết kế hiện đại, áp dụng công nghệ hiện đại, như các hệ tác chiến điện tử.
Cuộc tập trận hỗn hợp trên biển Hoàng Hải, phối hợp một chiến hạm tối tân cỡ lớn với nhiều tàu cỡ nhỏ hơn, có thể là nhằm mục đích ứng phó với viễn cảnh xung đột với các địch thủ nhỏ hơn, theo một nhà phân tích tại Đài Loan.
“Điều thú vị ở chỗ, nhóm tập trận này kết hợp tàu khu trục lớn nhất và các tàu hộ tống cỡ nhỏ, tôi tin rằng PLA có mục đích đặc biệt nào đó khi làm như vậy” – ông Lu Li-shih, cựu quan chức Học viện Hải quân Đài Loan ở Kaohsiung cho hay.
“Tôi ngờ rằng PLA đang cố gắng sử dụng tàu Type 056A để huấn luyện cho tàu Type 055 trong viễn cảnh đối đầu với các đối tác nhỏ hơn trên Biển Đông và biển Hoa Đông, với những quốc gia cũng sở hữu các chiến hạm cỡ nhỏ giống như tàu hộ tống của Trung Quốc” – ông Lu nói thêm.
Thiết kế và nhiệm vụ của tàu lớp Type 056 cũng chủ yếu tập trung vào các nhiệm vụ tầm trung ở vùng biển nông, hoặc các nhiệm vụ ven biển, thay vì ở các vùng biển lớn hay biển sâu.
Tuy nhiên, Hải quân Trung Quốc vẫn cử các tàu cỡ nhỏ tới tham gia các cuộc tập trận ở vùng biển lớn dưới sự hỗ trợ của một tàu tiếp nhiên liệu cỡ lớn kể từ mùa Hè năm ngoái, nhằm tăng cường tính sẵn sàng chiến đấu, theo chuyên gia phân tích quân sự Antony Wong Tong.
“Tàu Type 056 quá nhỏ và không thể di chuyển xa do lượng nhiên liệu hạn chế, nhưng 3 tàu hộ tống lớp Type 056A lại có thể đi được hơn 6.700 hải lý với sự hỗ trợ của tàu tiếp liệu Type 903” – ông nói.
Cuộc tập trận trên biển Hoàng Hải xuất hiện chỉ vài ngày sau khi tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, dẫn đầu một nhóm tác chiến lớn hơn bình thường tổ chức tập trận ở Tây Thái Bình Dương, trong bối cảnh căng thẳng về vấn đề Đài Loan – đặc biệt là với Mỹ và Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng các chiến đấu cơ và trực thăng trên tàu Liêu Ninh đã thực hiện hơn 100 pha cất/hạ cánh trong vòng 6 ngày gần Okinawa trong tuần trước.
Tập trận là cách thường thấy mà Trung Quốc áp dụng để thể hiện sức mạnh và lòng quyết tâm mỗi khi tình hình xung quanh vấn đề Đài Loan trở nên căng thẳng. Tháng trước, Bắc Kinh đã chỉ trích một chuyến thăm của các nhà lập pháp Mỹ tới Đài Loan là “khiêu khích” và cũng chỉ trích việc cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ủng hộ Đài Bắc.
Theo SCMP