Trung Quốc có thực sự muốn lấp 'khoảng trống quyền lực' của Mỹ ở Trung Đông?

Phương Hà| 08/04/2022 09:32

Trong bối cảnh cục diện quốc tế khó lường như hiện nay, Trung Quốc cần phải tính toán kỹ lưỡng khi can dự nhiều hơn vào Trung Đông trong khi Mỹ lại tập trung chiến lược sang châu Á.

Trung Quốc có thực sự muốn lấp 'khoảng trống quyền lực' của Mỹ ở Trung Đông?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Các quốc gia Ả Rập tại Bắc Kinh năm 2018. (Nguồn: AFP)

Lấp khoảng trống quyền lực

Trong những năm qua, quan hệ của Trung Quốc với Trung Đông đã được chú ý đến. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn căng thẳng, Trung Quốc sẽ ngày càng can dự nhiều hơn vào Trung Đông để bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình ở đó và thiết lập phạm vi ảnh hưởng riêng nhằm làm suy yếu vai trò của Mỹ tại khu vực.

Những nỗ lực của Mỹ nhằm tách khỏi Trung Đông đã tạo ra một khoảng trống quyền lực. Mặc dù Nga đã đóng một vai trò nổi bật hơn tại khu vực kể từ khi nước này can thiệp vào Syria năm 2015, nhưng sức mạnh kinh tế vượt trội của Trung Quốc có nghĩa là ảnh hưởng của nước này tại Trung Đông sẽ tăng dần theo thời gian.

Theo The New York Times, chỉ riêng tháng 1 năm nay, 5 quan chức cấp cao từ các nước Ả Rập giàu dầu mỏ đã tới thăm Trung Quốc để thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Lâu nay, mối quan tâm của Trung Quốc đối với Trung Đông được cho là bắt nguồn từ dầu mỏ. Gần một nửa số dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ các nước Ả Rập. Trong số này, Saudi Arabia đứng đầu danh sách quốc gia bán nhiều dầu thô nhất cho Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tong những năm gần đây, Bắc Kinh còn đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở Trung Đông, đồng thời cung cấp công nghệ viễn thông và quân sự.

Các công ty nhà nước Trung Quốc đang để mắt tới việc đầu tư cảng ở Chabahar, Iran. Họ cũng giúp tài trợ cho một khu công nghiệp tại cảng Duqm, Oman, xây dựng và vận hành một cảng container ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cùng với 2 cảng mới ở Israel.

Những động thái trên cho thấy Trung Quốc xem Trung Đông là khu vực rất quan trọng đối với sáng kiến ​​"Vành đai và Con đường" nhằm liên kết các thị trường và chuỗi cung ứng từ Ấn Độ Dương sang lục địa Á - Âu.

Nhà nghiên cứu Li Guofu, Viện Nghiên cứu quốc tế của Trung Quốc vừa qua đã đưa ra bình luận: "Vào thời điểm chính sách trong và ngoài nước của Mỹ có nhiều biến động, các nước Trung Đông này cảm thấy rằng Trung Quốc không chỉ ổn định nhất mà còn đáng tin cậy nhất".

Đối với các nước Trung Đông, lợi ích của mối quan hệ với Trung Quốc rất rõ ràng: Bắc Kinh cam kết là người mua dầu khí lâu dài, nguồn đầu tư tiềm năng và không có sự phức tạp chính trị giống như khi họ quan hệ với Mỹ.

Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước vùng Vịnh lần đầu tiên vượt 200 tỉ USD và hợp tác giữa các bên đã mở rộng sang những lĩnh vực mới.

Tương lai khó đoán định

Tuy nhiên, theo East Asia Forum, trong bối cảnh đó nêu trên, vẫn cần có một số yếu tố cần lưu ý về những tính toán chiến lược của Bắc Kinh đối với khu vực Trung Đông.

Thứ nhất, Trung Đông ở một vị trí khó xử trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Một mặt, Bắc Kinh không thể phớt lờ những gì xảy ra ở đó vì lý do an ninh năng lượng, chống khủng bố, các lợi ích thương mại. Thêm nữa, các vấn đề an ninh của Trung Đông vốn là trọng tâm trong các cuộc tranh luận về chủ quyền, sự can thiệp và quan hệ giữa các cường quốc.

Mặt khác, sự cạnh tranh ngày càng gia tăng với Mỹ sẽ buộc Bắc Kinh phải dồn trọng tâm vào châu Á.

Bất cứ chính sách nào liên quan đến việc đóng một vai trò tích cực hơn ở Trung Đông đều đặt ra những thách thức lớn đối với chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc biết rằng sự tham gia hạn chế hiện nay của nước này vào các vấn đề của khu vực làm suy yếu khả năng bảo vệ và nâng cao lợi ích của họ, song các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thức sâu sắc rằng việc thay đổi điều này có nguy cơ khó đoán định vào thời điểm mà các ưu tiên trong nước và ở khu vực châu Á cần được chú ý nhiều hơn.

Thứ hai, khả năng xảy ra các tình huống bất ngờ cũng là một yếu tố then chốt ảnh hưởng tới chính sách của Bắc Kinh ở Trung Đông.

Cuộc khủng hoảng Libya năm 2011, khi đó Trung Quốc đã sơ tán khoảng 36.000 công dân của mình, đã dẫn tới một sự thay đổi đáng kể trong tư duy của Trung Quốc về các lợi ích của họ ở nước ngoài.

Hiện nay, những thay đổi chính sách có thể xảy ra chủ yếu phụ thuộc vào việc liệu một cuộc khủng hoảng quy mô lớn khác có diễn ra hay không. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc nhận thấy không thực sự cần thiết phải thay đổi chính sách khẩn cấp, đặc biệt là về sự can dự lớn hơn hoặc sâu hơn của quân đội so với trước đây.

Như vậy, nhìn về phía trước, rất khó để biết liệu vai trò của Trung Quốc ở Trung Đông sẽ phát triển như thế nào. Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Trung Đông phức tạp hơn nhiều so với những gì thường được thảo luận. Điều này đang được định hình bởi các ưu tiên riêng, tình huống bất ngờ và động lực của khu vực.

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/trung-quoc-co-thuc-su-muon-lap-khoang-trong-quyen-luc-cua-my-o-trung-dong-179577.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/trung-quoc-co-thuc-su-muon-lap-khoang-trong-quyen-luc-cua-my-o-trung-dong-179577.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc có thực sự muốn lấp 'khoảng trống quyền lực' của Mỹ ở Trung Đông?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO