Trung Quốc chính thức công nhận livestream là một nghề

02/08/2024 09:02

Livestreamer và người lái thử xe thông minh vừa được thêm vào danh sách nghề nghiệp chính thức tại Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào lĩnh vực công nghệ số và sản xuất thông minh. Năm nay, có 19 nghề nghiệp mới xuất hiện, trong đó có chuyên gia ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), kỹ sư lập kế hoạch và vận hành cho các sản phẩm văn hóa, quản trị viên hệ thống sản xuất thông minh và kỹ thuật viên kỹ thuật sinh học.

Theo Bộ Nguồn nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc, việc công bố các nghề nghiệp mới có ý nghĩa lớn đối với phát triển việc làm, hướng dẫn giáo dục và đào tạo nghề, nâng cao tiêu chuẩn của người lao động và thúc đẩy việc làm, tinh thần kinh doanh.

m2zawfep.png
Livestream hấp dẫn giới trẻ Trung Quốc. Ảnh: Handout

Danh sách cập nhật được đưa ra sau một thời gian tham vấn công khai bắt đầu từ năm 2023. Những thay đổi này nhằm đáp ứng các hướng dẫn của Hội đồng Nhà nước về việc xây dựng một lực lượng lao động lành nghề.

Tân Hoa Xã dẫn lời quan chức giấu tên cho biết, công nhận các ngành nghề mới nổi có thể "nâng cao cảm giác thân thuộc của những người ở các vị trí này tại nơi làm việc" và giúp họ "hưởng các lợi ích chính sách quốc gia liên quan”.

Theo báo cáo của Hiệp hội Dịch vụ Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc thuộc Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, đến cuối năm 2023, khoảng 15 triệu người làm trong lĩnh vực phát trực tiếp (livestream). Nghiên cứu tháng 2 của Đại học Nhân dân Trung Quốc chỉ ra các cựu chiến binh, công nhân nhập cư và sinh viên đang vật lộn tìm việc làm cảm thấy hứng thú với nghề nghiệp này.

Nhóm tác giả nghiên cứu phát hiện, thương mại điện tử livestream – bán sản phẩm trực tuyến thông qua phát sóng trực tiếp - tác động đáng kể đến thị trường việc làm: cứ mỗi lần tổng giá trị hàng hóa (GMV) tăng 100 triệu NDT, 1.100 việc làm mới được tạo ra.

Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đối với nhóm tuổi 16-24, không bao gồm sinh viên, đã giảm xuống 13,2% trong tháng 6 từ mức 14,2% của tháng 5, theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS). Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 25-29, cũng không bao gồm sinh viên, là 6,4% trong tháng 6, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp. Tỷ lệ này đối với nhóm tuổi 30-59 vẫn không thay đổi so với tháng 5, ở mức 4%.

Hàng triệu thanh niên Trung Quốc mong muốn tạo ra những câu chuyện thành công khi bán hàng trực tiếp trên các nền tảng Tmall, Taobao, Douyin. Rào cản gia nhập ngành rất thấp, chỉ cần nhấc điện thoại lên và kết nối Internet là xong. Tuy nhiên, để trở nên nổi bật lại không hề dễ vì thị trường đặc biệt cạnh tranh.

Khảo sát hơn 10.000 người trẻ tuổi trên mạng xã hội Weibo tháng 6 cho thấy hơn 60% nói mong muốn làm việc như người dẫn livestream hoặc người có ảnh hưởng trên Internet. Đón đầu xu hướng, nhiều công ty mọc lên để đào tạo những người dẫn chương trình trẻ tuổi, kết nối với các thương hiệu phù hợp. Chẳng hạn, công ty đào tạo Romomo tại Thượng Hải đang tuyển 150 người dẫn toàn thời gian.

Theo Phó Chủ tịch Romomo Shining Li, ngày nay, livestream là một trong những phương thức truyền thông quan trọng nhất của các thương hiệu quốc tế. Nó không chỉ giúp gia tăng doanh số mà còn giúp thương hiệu quảng bá giá trị và sản phẩm một cách hiệu quả.

Thực tế, cách tiếp cận đối với livestream ở Trung Quốc cũng đang phát triển nhanh chóng. Từ mục tiêu ban đầu là kích cầu thông qua giảm giá sâu, tạo ra sự gắn bó lâu dài giữa khách hàng với thương hiệu đã trở thành mục tiêu của nhiều hãng.

Theo hãng nghiên cứu iResearch, ngành công nghiệp livestream Trung Quốc đạt doanh thu 480 tỷ USD năm 2023.

(Theo SCMP, Yahoo)

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/trung-quoc-chinh-thuc-cong-nhan-livestream-la-mot-nghe-2307698.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/trung-quoc-chinh-thuc-cong-nhan-livestream-la-mot-nghe-2307698.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc chính thức công nhận livestream là một nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO