Trung Quốc 'ăn' ít, giá mít Thái rớt thảm còn vài ngàn/kg

09/05/2022 11:31

Giá nhiều loại nông sản như mít, chuối, thanh long… bán dưới giá thành, ế ẩm vì không xuất khẩu được, nông dân nhiều nơi chuyển sang trồng loại cây khác.

Tại hội nghị trực tuyến về thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành Nam Bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 8-5, nhiều địa phương cho biết giá nhiều loại nông sản rớt thảm, khó tiêu thụ, nông dân thua lỗ.

Đại diện Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết hiện nay sản lượng mít ở địa phương lên tới 90.000 tấn những giá lại quá rẻ, khó tiêu thụ. Giá mít Thái loại 1 chỉ còn 6.000 đồng/kg, mít loại 2 chỉ còn 4.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất của nông dân với cây mít cũng đã lên tới 5.000 đồng/kg.

Đầu ra chuối đang khốn đốn vì xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc nhưng đầu năm với chính sách Zero COVID, thị trường này vẫn đóng nhiều cửa khẩu đường bộ. Đại diện Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết hiện có khoảng 60.000 ha cây ăn quả đang thu hoạch, chủ yếu là chuối. Thế nhưng giá chỉ có 5.000 đồng/kg, nông dân không có lời. Các doanh nghiệp phải xuất khẩu đường biển sang Trung Quốc nên chi phí tăng 3 lần so với đường bộ, mất thời gian, rủi ro cao khiến chuối rớt giá.

Cục phó Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn rau củ quả của Việt Nam. Sản lượng xuất khẩu những tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm 2021 vì trong tháng 3, tháng 4-2022 Trung Quốc đóng một số cửa khẩu. Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt COVID-19 trên bao bì, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nhãn gốc bao bì nông sản nhập khẩu vào nước này.

Trung Quốc 'ăn' ít, giá mít Thái rớt thảm còn vài ngàn/kg ảnh 1
Chuối rớt giá lo đầu ra tiêu thụ khi xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng cần phải học cách ứng xử của Thái Lan, họ truyền thông đến người nông dân phòng chống COVID-19, tránh lây chéo lên bao bì sản phẩm. Thái Lan vận động tuyên truyền ngay cho nhà vườn nên vẫn xuất khẩu bình thường vào Trung Quốc.

Theo ông Hoan, lãnh đạo sở ngành địa phương cần hướng dẫn chỉ tận tay cho nông dân. Cán bộ các sở NN&PTNT các tỉnh phải nắm được Zalo, Viber các nhà vườn để thông tin, hướng dẫn kịp thời. Các địa phương cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản như điều phối vùng, xây dựng hiệp hội ngành hàng, kích hoạt diễn đàn hỗ trợ mua bán nông sản, định hướng truyền thông...

(Theo Pháp Luật TP.HCM)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc 'ăn' ít, giá mít Thái rớt thảm còn vài ngàn/kg
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO