Được phát triển theo dự án máy bay trực thăng tấn công hạng nặng với sự hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) và Cơ quan Công nghiệp quốc phòng (SSB), trực thăng tấn công T929 ATAK II là sản phẩm kế thừa của trực thăng tấn công và trinh sát chiến thuật T129 ATAK. Trực thăng tấn công T929 ATAK II dự kiến sẽ được chuyển giao cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2025.
Trực thăng tấn công T929 ATAK II tại Paris Air Show 2023. Ảnh: Defense Express |
Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, T929 là trực thăng 2 động cơ, được thiết kế cho các nhiệm vụ tấn công, tác chiến điện tử và trinh sát trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm. Tốc độ tối đa của trực thăng tấn công T929 ATAK II là 318km/h, tốc độ hành trình 314km/h, trần bay 6.000m. Là trực thăng tấn công hạng nặng, T929 có trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 10 tấn - tương đương AH-64 Apache của Mỹ.
T929 được trang bị các công nghệ điều khiển tiên tiến với buồng lái kỹ thuật số tích hợp hệ thống điện tử hàng không vượt trội. Phi công sử dụng mũ bảo hiểm có gắn hệ thống hiển thị, màn hình đa chức năng màu VMFD-68 và thiết bị hiển thị trung tâm CDU-900Z. Ngoài ra, trực thăng tấn công T929 ATAK II còn được tích hợp hệ thống xác định và ngắm bắn mục tiêu ASELFLIR-300T, giúp trực thăng nâng cao khả năng đối phó và tăng cường năng lực tác chiến điện tử.
Vũ khí của T929 bao gồm một súng máy 30mm và 6 bệ phóng vũ khí với sức tải lên đến 1,5 tấn. Trực thăng còn có thể mang theo các loại tên lửa như Hydra 70, tên lửa chống tăng UMTAS và L-UMTAS hoặc tên lửa dẫn đường Cirit. Theo hãng SOFREP, T929 cũng tương thích với các loại tên lửa mà AH-64 hay sử dụng như Stinger và AIM-9 Sidewinder.
Trực thăng tấn công hạng nặng T929 ATAK II được kỳ vọng có thể cạnh tranh với các đối thủ như AH-64 Apache của Mỹ.
THẾ TRUYỀN (theo Air Recognition)