Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), chiều 1/8.
Liên quan vụ sạt lở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) khiến bốn người tử vong, Triệu Văn Lực - Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định 156 hướng dẫn Luật Lâm nghiệp, trong đó quy định rất rõ các quy chế quản lý sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.
Nhắc đến vị trí sạt lở ở đèo Bảo Lộc, ông Lực khẳng định chắc chắn đó là rừng phòng hộ.
"Rừng phòng hộ phải trồng cây bản địa có bộ rễ phát triển, lá không rụng theo mùa", ông Lực nói và cho rằng việc trồng sầu riêng trên đất rừng phòng hộ có trách nhiệm của địa phương. Phía địa phương phải quan tâm, quy hoạch rà soát lại đất rừng phòng hộ và trồng theo đúng quy định.
Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết thêm, vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc gây hậu quả rất lớn. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo phải làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở.
"Vụ sạt lở ở đây là do tác động của lượng mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày, vị trí thế đất cao. Sầu riêng trồng ở đây mới từ năm 2019 nên không có độ che phủ", ông Lực đưa ra nhận định về nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc.
Trước đó, như Dân trí đưa tin, khoảng 14h30 phút ngày 30/7 đã xảy ra vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), vùi lấp 3 cán bộ Cảnh sát giao thông và một người dân.
Ngay sau đó, tỉnh Lâm Đồng huy động tối đa lực lượng, phương tiện tiếp cận hiện trường, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Đêm cùng ngày, thi thể 3 cán bộ CSGT đã được tìm thấy. Trưa 31/7, nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở được đưa ra khỏi đống đất đá. Vụ việc khiến cả 4 người tử vong.