Thông tin được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kết quả Báo cáo Rà soát Đầu tư và Chi tiêu công cho Biến đổi Khí hậu ở Việt Nam (CPEIR), do Bộ kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNDP tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 11/3.
Báo cáo CPEIR đã đánh giá chi ngân sách Nhà nước cho biến đổi khí hậu của 6 Bộ (Bộ TN&MT, NN&PTNT, GTVT, Công Thương, Xây dựng, KH&CN), 29 tỉnh/thành phố tham gia rà soát. Theo đó, ngân sách cho BĐKH trong giai đoạn 2016-2020 của 6 Bộ có giá trị từ 8.000 - 13.500 tỷ đồng/năm, ổn định tương đương 26 - 38% tổng ngân sách cấp Bộ. Hơn 90% ngân sách được chi cho nhiệm vụ thực hiện đầu tư ứng phó với BĐKH; phần còn lại chi cho “Khoa học, kỹ thuật và xã hội” và “Chính sách và quản lý nhà nước”.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT và Bộ GTVT chiếm khoảng 80% tổng chi cho BĐKH mỗi năm, tập trung vào cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông. Các Bộ khác có cơ cấu chi cho BĐKH đa dạng hơn, bao gồm các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ và kết hợp cả hai. Sự đa dạng của các nhiệm vụ liên quan đến khí hậu của các Bộ cho thấy tính đa dạng trong các giải pháp ứng phó BĐKH được xác định trong nhiệm vụ chính sách của các Bộ.
Ngân sách cho BĐKH của 29 tỉnh/thành phố tăng 53%, từ khoảng 15.000 tỷ đồng năm 2016 lên gần 24.000 tỷ đồng vào năm 2020, tăng đều qua từng năm và chiếm tỷ trọng tương đối ổn định khoảng 16 - 21% tổng ngân sách cấp tỉnh. Điều này chứng tỏ các tỉnh đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến BĐKH.
Các hoạt động thích ứng BĐKH chiếm hơn 90% tổng mức chi. Hơn một nửa khoản chi cho nhiệm vụ thực hiện đầu tư ứng phó với BĐKH (CCD) tập trung vào các lĩnh vực giao thông vận tải, khả năng chống chịu của các khu vực thành phố và dân cư, thủy lợi, đê sông và kè biển, chủ yếu liên quan đến cơ sở hạ tầng. Mục tiêu chi cho BĐKH giữa các tỉnh khác nhau do bối cảnh và nhu cầu của các địa phương khác nhau.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo CPEIR cũng bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên ngân sách Nhà nước, trong đó, có hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), giai đoạn 2016-2020 và chi ngân sách Nhà nước của giai đoạn 2011-2015 của 5 Bộ (NN&PTNT, TN&MT, GTVT, CT và XD) và 3 tỉnh (An Giang, Bắc Ninh và Quảng Nam).
Thông qua các nghiên cứu, đánh giá, báo cáo đã chỉ ra 3 nhóm vấn đề. Về chính sách và thể chế, Việt Nam đã ứng phó mạnh mẽ với các thách thức về BĐKH, thể hiện ở việc ban hành hàng loạt chính sách, chương trình quốc gia về BĐKH, thực hiện lồng ghép nhiệm vụ ứng phó trong các chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 10 năm và hàng năm. Thứ hai, các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ có thể được tăng cường nhằm góp phần thực hiện thành công Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC) trong giai đoạn 2021 – 2030. Thứ ba, quy mô ngân sách đầu tư cho BĐKH của các tỉnh và các Bộ đều có sự tăng trưởng.
Các đánh giá trong báo cáo có thể giúp hệ thống quản lý tài chính công tăng cường khả năng ứng phó BĐKH; thúc đẩy chuyển đổi ngân sách từ dựa trên đầu vào sang ngân sách dựa trên đầu ra; tạo điều kiện cho can thiệp chính sách liên quan đến khí hậu các cấp Bộ ngành địa phương.
CPEIR cho thấy, sự cần thiết phải có một hệ thống theo dõi, báo cáo toàn diện đầu tư và chi tiêu cho BĐKH được tích hợp vào hệ thống lập kế hoạch và ngân sách; chuyển đổi từ hồi cứu sang theo dõi chi tiêu BĐKH một cách chủ động. Từ đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp, thúc đẩy sự tham gia của các bên có liên quan nhằm tăng cường hiệu quả chi tiêu công cho BĐKH, đặc biệt trong giai đoạn triển khai chiến lược 10 năm 2021 – 2030, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết, kết quả phân tích của CPEIR có thể được sử dụng để cung cấp thông tin cho việc xây dựng và điều chỉnh chính sách nhằm huy động tài chính từ các nguồn khác nhau và thúc đẩy các can thiệp liên quan đến khí hậu. Chúng tôi đánh giá cao rằng Việt Nam đã và đang tiếp tục tăng ngân sách cho thích ứng và giảm thiểu BĐKH. Tuy nhiên, ngân sách thích ứng với BĐKH vẫn chưa đủ để giải quyết các nhu cầu và rủi ro khí hậu của Việt Nam.
Cần xây dựng một hệ thống giám sát và báo cáo toàn diện, để cải thiện việc lập ngân sách cho BĐKH, cung cấp thông tin để lập kế hoạch và chính sách về BĐKH, và để trao đổi thông tin chi tiêu về khí hậu với cộng đồng quốc tế. Hệ thống này bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên ngân sách trung ương và địa phương, chi từ các quỹ ngoài ngân sách và có thể cả đầu tư tư nhân - bà Caitlin Wiesen đề xuất.
Theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, TN&MT (Bộ KH&ĐT), báo cáo chưa hẳn là nghiên cứu có chiều sâu số liệu để có thể đưa ra các quyết định chính sách. Nhưng những phát hiện của báo cáo đã cung cấp “bức tranh tổng thể” về đầu tư và chi tiêu công cho BĐKH. Các nhà hoạch định chính sách hoàn toàn có thể dựa vào đây để đưa ra những định hướng ưu tiên trong thời gian tới.
Để đảm bảo phân tích rõ ràng và toàn diện các nhiệm vụ của khu vực công và các ưu tiên chi tiêu về BĐKH, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, sở KH&ĐT, sở Tài chính các tỉnh cần nắm vững các chính sách về BĐKH, TTX và cần tăng cường năng lực đánh giá tác động của BĐKH và các hoạt động ứng phó BĐKH.