Ba loại cây cảnh trồng trong chậu dưới đây không chỉ đẹp, sang trọng mà còn rất dễ chăm sóc, thậm chí còn đơn giản hơn việc trồng cây kim tiền, lưỡi hổ. Hơn nữa chúng có tuổi thọ rất dài, có thể kéo dài trên 10 năm nên càng trồng sẽ càng có giá, mang lại tài lộc cho gia đình.
Cây hoàng dương
Đây là cây bụi thân gỗ, lá xanh tươi quanh năm, chịu được hạn hán, nóng lạnh và không dễ bị sâu bệnh. Khi sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, cây có thể cao từ 2m đến 12m. Nhưng nhìn chung tốc độ phát triển rất chậm, đến hơn 10 năm đường kính cây mới được 10cm. Tuy nhiên loại cây này có tuổi thọ rất cao, có thể sống tới trăm năm.
Cây hoàng dương có thể trồng để làm hàng rào hoặc cây cảnh tạo hình. Có thể trồng trong vườn nhà hoặ trong chậu, nhưng khi trồng trong chậu sẽ đẹp hơn rất nhiều.
Bởi lúc này, bạn có thể uốn nắn cây theo hình dáng mong muốn, như vậy cây không chỉ đẹp mà còn trông rất độc đáo, sang trọng. Đặc biệt, bạn có thể dùng để trang trí phòng khác, đặt trên giá sách hoặc bàn làm việc đều được, rất tiện lợi.
Mùa xuân là thời điểm cây hoàng dương sinh trưởng nhanh nhất. Cây sẽ ra nhiều lá mới và có thể nở hoa vàng, nhỏ, mọc thành chùm ở nách lá.
Khi chăm sóc cây hoàng dương trồng trong chậu, phải tưới nước thường xuyên cho cây, không được để cây thiếu nước, nhất là vào mùa hè khi có nhiệt độ cao.
Đừng để cây ở góc quá tối, vì cây vẫn cần ánh sáng để phát triển. Mùa xuân có thể bón một ít phân cho cây, các mùa khác không cần bón.
Cây ngọc bích
Ngọc bích cũng là một loại cây xanh dễ trồng, có khả năng sinh sản mạnh mẽ. Ngay khi lá rơi vào bầu đất cũng sẽ bén rễ, nảy mầm và nhanh chóng phát triển thành cây con.
Lá cây ngọc bích dày, mọng nước và có màu xanh đẹp mắt. Khi cây già, cành sẽ dày lên và có thể nở hoa. Phải mất 5 - 10 năm trồng, được chăm sóc tốt thì cây ngọc bích mới có thể nở hoa. Vì hiếm khi ra hoa nên nhiều người cho rằng, một khi cây ngọc bích nở hoa sẽ mang lại điềm lành và tài lộc cho gia chủ.
Cây ngọc bích chịu được hạn, sợ úng nước, vì vậy chỉ nên tưới khi thấy đất đã không. Không nên tưới quá nhiều nước nếu không cây dễ bị thối rễ, chết cây.
Về ánh sáng, nên đặt cây trong môi trường ánh sáng tán xạ, ở nơi thoáng gió. Vào mùa xuân và mùa thu khi thời tiết mát mẻ, bạn có thể đặt cây ngoài trời. Nhưng vào mùa hè nóng gắt và mùa đông lạnh giá, tốt hơn hết nên che nắng, giữ ấm cho cây bằng cách đưa cây vào nhà, nếu không cây dễ bị chết.
Tùng la hán
Đây là cây thân gỗ lâu năm có tuổi thọ khá cao, lên đến vài trăm năm. Vì vậy tùng la hán càng trồng lâu càng có giá trị cao. Trong phong thủy, loại cây này trượng trưng cho sức sống bền bỉ, vượt qua mọi nghịch cảnh và mang lại sự phồn vinh cho cuộc sống. Nhiều người tin rằng trồng tùng la hán trong nhà sẽ mang đến tài lộc, sự phồn vinh, thịnh vượng cho gia chủ.
Cây tùng la hán có thể trồng trong chậu và đặt trong nhà, nhưng nó cũng cần một lượng ánh sáng nhất định, không thể trồng ở nơi hoàn toàn không có ánh nắng. Về tưới nước, 3-4 ngày tưới một lần là được.
Ngoài ra, bạn nên bón phân thường xuyên cho cây phát triển tốt hơn. Cần cắt tỉa định kỳ mỗi tháng một lần, điều này vừa có thể giữ thẩm mỹ cho cây tùng la hán, vừa ngăn cây không bị sần sùi và khô ráp.
Theo Thời báo văn học nghệ thuật