Ngày 19/11, cảnh sát thị trấn Fakfak, Tây Papua, Indonesia đã kiểm tra một chiếc thùng lớn sau khi hai thủy thủ trên tàu báo rằng có tiếng động lạ phát ra từ đây. Qua kiểm tra, cảnh sát đã tìm thấy 64 con vẹt đầu đen còn sống và 10 con khác đã chết.
“Hai thủy thủ trên tàu thông báo cho chúng tôi vì nghi ngờ bên trong thùng chứa động vật khi nghe thấy tiếng động lạ”, phát ngôn viên cảnh sát địa phương Dodik Junaidi cho biết.
Theo AFP, để qua mắt hải quan, những người buôn bán động vật trái phép đã nhét những chú vẹt vào chai nhựa. Ông cho biết cảnh sát không bắt được nghi phạm nào, và cũng chưa xác định được rõ điểm đến của những con chim này.
Theo cơ quan giám sát buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC, những khu rừng nguyên sinh rộng lớn tại Indonesia là nơi sinh sống của hơn 130 loài chim đang bị đe dọa, nhiều thứ hai thế giới sau Brazil.
Một số loài như vẹt đuôi dài Australia có thể được bán với giá 30.000 USD trên thị trường chợ đen.
Vào năm 2015, cảnh sát Tanjung Perak ở Indonesia đã giải cứu thành công 24 chú vẹt quý hiếm khi được vận chuyển qua cách thức tương tự. Và nếu vận chuyển trót lọt thì những chú vẹt quý hiếm này sẽ bán với giá 650 bảng Anh một con (khoảng hơn 21 triệu đồng).
Năm 2017, nhà chức trách Indonesia từng phát hiện 125 con chim quý bị nhét trong ống thoát nước trong một cuộc truy quét buôn lậu động vật hoang dã.
Nhà chức trách Indonesia cho biết mỗi năm có hơn 10.000 con vẹt, trong đó có vẹt mào vàng, bị săn bắt trái phép ở Bắc Halmahera để cung cấp cho các đường dây buôn lậu động vật hoang dã trong nước và quốc tế. Khoảng 40% số vẹt này đã bị chết trong quá trình bị bọn buôn lậu vận chuyển.
Điều đó đồng nghĩa với việc cứ 1.000 con vẹt bị đánh bắt trong tự nhiên thì có tới 400 con bị chết trong khi bị con người săn bắn, vận chuyển và mua bán trái phép.
Luật pháp của hầu hết các nước đều nghiêm cấm hành vi mua bán vẹt trên thị trường quốc tế, ngoại trừ các giống vẹt được sinh ra trong môi trường nuôi nhốt hoặc được quốc gia xuất khẩu cho phép.