Khi nhiệt độ giảm sâu cũng là thời điểm mà tại các bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đột quỵ, phổi tắc nghẽn mạn tính tới cấp cứu nhất. |
Nhiều người cao tuổi phải thở máy |
Ghi nhận tại khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, 100/100 giường bệnh đã kín. Trong số này nhiều trường hợp nặng phải thở máy.
TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội) cho biết mấy ngày vừa qua, thời tiết lạnh đột ngột nên số bệnh nhân nhập viện tăng. Người bệnh nhập viện với các bệnh lý về hô hấp, phổi tắc nghẽn mạn tính và đột quỵ.
Trong đó, có trường hợp cụ ông 80 tuổi (Hà Nội) có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp. Lý do được người nhà đưa cụ ông vào viện là do nửa đêm cụ đi vệ sinh thì bị ngã. Người nhà ngay sau đó đưa cụ vào viện nhưng đã có biểu hiện liệt nửa người.
Tương tự tại Bệnh viện Tim Hà Nội, nhiệt độ giảm sâu cũng làm số bệnh nhân đột quỵ tăng lên 20% so với thời tiết bình thường. Lý do vì trời lạnh gây co mạch, dẫn đến tăng huyết áp, nhưng người dân lại ngại đi khám nên tỷ lệ đột quỵ tăng lên nhiều.
Điều này cũng xảy ra, tại Trung tâm Đột quỵ, BV Trung ương Quân đội 108 cũng ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đến viện do đột quỵ, nhồi máu não. Trong số này, có những trường hợp còn trẻ.
|
Trời lạnh, nam giới, người cao tuổi cần lưu ý điều gì? |
Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Thuỷ, (Cầu Giấy, Hà Nội) mấy ngày nay bơ phờ vì phải ra vào một bệnh viện ở Hà Nội để chăm bố. Cụ từng bị tai biến một lần, dù đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng ông vẫn rất chủ quan. 4 ngày trước, trời lạnh, mà ăn xong ông vẫn đi bộ tập thể dục quanh khu tập thể.
Sáng sớm hôm sau, huyết áp ông tăng đột ngột, mẹ chị Thuỷ vội vã cho ông uống hạ áp nhưng cũng không xuống. Bà hốt hoảng gọi các con đến đưa bố đến viện. Thế nhưng, tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết lần này ông bị nặng hơn. Nguy cơ liệt toàn bộ bên người.
"Người già, lại có sẵn bệnh tăng huyết áp, tiền sử từng mổ K tiền liệt tuyến. Bố tôi chỉ cần mượn "cớ" bệnh gì có thể không gượng lại được. Giờ chỉ mong ông đừng nằm đâu nằm đấy thôi", chị Thuỷ mệt mỏi cho hay.
Theo TS, BS Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Trung ương Quân đội 108, các yếu tố nguy cơ đột quỵ não bao gồm hai nhóm nguy cơ.
Nhóm nguy cơ không thể thay đổi được bao gồm: tuổi cao, đặc biệt những người hơn 70 tuổi; chủng tộc như người da đen nguy cơ cao hơn người da trắng; giới tính nam nguy cơ cao hơn nữ; yếu tố liên quan đến gen mang tính chất gia đình…
Lý giải tình trạng người cao tuổi dễ mắc bệnh đột quỵ khi thời tiết lạnh sâu, TS. Trần Quang Thắng cho rằng, phần lớn những bệnh nhân này đã có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường.
Khi gặp thời tiết lạnh cơ thể người cao tuổi không thích nghi kịp khiến huyết áp tăng vọt, dẫn đến đột quỵ. Đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường, mùa lạnh thường ăn nhiều hơn khiến đường huyết tăng cao, gây biến chứng. Có người bị đột quỵ tái đi tái lại nhiều lần.
Ngoài ra, người cao tuổi thường có thói quen đi bộ và tập thể dục buổi sáng sớm, ra ngoài thời tiết lạnh đột ngột, cơ thể thích nghi kém, kết hợp sương nên dẫn đến đột quỵ.
“Vì thế, trời lạnh người già không tập thể dục vào buổi sáng, chỉ nên tập buổi chiều tối và tập trong nhà càng tốt”, TS Thắng khuyến cáo.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng khoa Nội Tiết Cơ Xương khớp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương nhấn mạnh, người cao tuổi không nên tập thể dục quá sớm, mặc ấm có thể mặc nhiều lớp để có thể dễ dàng cởi ra, mặc vào thích ứng với điều kiện thời tiết.
“Nếu tập thể dục thì nên khởi động kỹ, trong quá trình tập thì có quá trình làm nguội cơ thể. Đặc biệt tránh thay đổi quá nhanh như điều kiện từ trong nhà ra ngoài trời, vì nó dễ dàng thay đổi các đáp ứng mạch, gia tăng các yếu tố nguy cơ như đột quỵ, nhồi máu cơ tim…", TS Huyền nhấn mạnh.
Đặc biệt đối với người có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính… cần tuân thủ điều trị, kiểm soát tốt hơn đường huyết, huyết áp.