Làm cầu khỉ tiếp tế người dân vùng lũ
Ông Thò Bá Rê, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết, bà con, các đoàn thể, lực lượng chức năng làm cầu khỉ để tiếp tế lương thực, đưa một số người dân ở vùng lũ bản Sơn Hà, xã Tà Cạ ra ngoài an toàn.
Sáng 3/10, sau gần 2 ngày bị chia cắt bởi lũ quét, nhờ chiếc cầu khỉ bắc qua suối Huồi Giảng, những người dân bị cô lập trong bản đã ra ngoài được còn lực lượng chức năng đã có thể tiếp cận, tiếp tế lương thực cho những gia đình đã cầm cự qua lũ.
"Hiện bản Sơn Hà đã được tiếp tế lương thực. Chúng tôi tiếp cận được với khu vực bị cô lập bằng một chiếc cầu khỉ. Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều nay (3/10), nước khe suối Huồi Giảng bắt đầu dâng cao, việc qua lại bằng cầu khỉ này rất nguy hiểm", ông Rê nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, chiếc cầu khỉ bắc qua suối Huồi Giảng dài khoảng 10m, được làm bằng những thân cây tre lớn. Hai bên mố cầu khỉ được buộc chặt, có thêm một sợi dây song song để người dân và lực lượng chức năng qua lại suối.
Đợt lũ quét ập tới bản Sơn Hà rạng sáng 2/10 đã làm cho hàng chục ngôi nhà tại đây bị sạt lở, cuốn trôi… Mưa lũ cũng làm cho một cháu bé 4 tháng tuổi thiệt mạng.
Cào bùn đất tìm tài sản sót lại
Một ngày sau trận lũ quét kinh hoàng qua xã Tà Cạ, chính quyền địa phương cùng các cơ quan, đoàn thể tại huyện Kỳ Sơn đang huy động tối đa nhân lực, phương tiện khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Từ sáng sớm, trên hệ thống loa truyền thanh tại thị trấn Mường Xén phát đi thông báo huy động nhân dân cùng chung tay giúp bà con khắc phục hậu quả, dọn dẹp bùn đất. Hàng trăm người mang theo các dụng cụ nhanh chóng cùng giúp các gia đình bị ngập khắc phục hậu quả sau lũ. Lớp bùn đất tràn qua, vùi lấp nhà cửa quá dày khiến công việc khắc phục gặp nhiều khó khăn.
Ngồi thẫn thờ bên ngôi nhà đã bị cơn lũ tàn phá tan hoang, anh La Trung Dũng (SN 1983, trú tại khối 1, thị trấn Mường Xén) nói: "Có còn gì đâu mà dọn, mọi thứ đều bị cuốn đi hết rồi, trong nhà chỉ còn lại bùn đất thôi, không biết đến khi nào mới dọn dẹp xong".
Nhà anh Dũng nằm cạnh khe Huồi Giảng. Thời điểm lũ đổ về, mẹ anh Dũng kịp thoát ra ngoài, chạy sang hàng xóm. Tài sản một phần đã bị nước lũ cuốn trôi, một phần bị nhấn chìm trong lớp bùn đất.
Lũ rút, người dân trở về, ai nấy đều thất thần nhìn nhà cửa, tài sản bị lũ tàn phá. Các gia đình cố cào bới lớp bùn đất dày hơn 1m, hy vọng tìm được chút tài sản còn sót lại. Người tìm được chiếc xe máy, người tìm được chiếc tủ lạnh, tivi, hay ít sách vở của con… nhưng mọi vật dụng cũng đều đã hư hỏng.
Lực lượng công an, bộ đội, cùng các tổ chức đoàn thể được tăng cường, khẩn trương hỗ trợ người dân. Mồ hôi thấm đẫm áo nhưng ai nấy đều khẩn trương, cố gắng sớm dọn dẹp xong lớp bùn đất để ổn định lại cuộc sống.
Chưa bao giờ người dân nơi đây trải qua trận lũ kinh hoàng đến vậy. Những tài sản với bao năm tích góp giờ đã mất sạch sau cơn lũ.
"Sáng nay nhờ bà con đào lớp bùn đất phía ngoài tôi mới vào được nhà mình. Nhưng giờ mọi thứ đều ngập trong bùn đất, máy tính, các thiết bị điện tử coi như hỏng hết cả", anh Lô Văn Thọ (SN 1991, trú tại khối 1, thị trấn Mường Xén) xót xa.