- Trận đấu giữa Việt Nam và Iraq để lại nhiều nỗi tiếc nuối nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi. Ông đánh giá như thế nào về màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam?
- Tôi biết nhiều người hâm mộ cảm thấy tiếc nuối và thất vọng về kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, thay vì chỉ nhiếc móc bởi kết quả không như ý, chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến những trận đấu trước mắt tại Asian Cup 2023. Đội tuyển Việt Nam cần xem lại những vấn đề cần giải quyết và những khía cạnh cần cải thiện.
Nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam luôn muốn đạt kết quả như ý. Áp lực này rất lớn. Vì vậy, tuyển Việt Nam phải phân tích kỹ lưỡng đối thủ ở các trận đấu còn lại và chuẩn bị chi tiết nhất có thể.
Về trận đấu vừa qua, cần nhấn mạnh Iraq là đối thủ có thực lực ngang ngửa Saudi Arabia, Qatar hay Iran. Nếu Hàn Quốc chạm trán đội bóng này, họ cũng rất khó để giành chiến thắng. Trước khi trận đấu diễn ra, tôi có thể nhận biết được ý đồ chiến thuật của HLV Troussier thông qua cách xếp đặt đội hình.
Trả lời báo Dân trí, tôi đã nói đến việc tuyển Việt Nam sẽ chơi với đội hình lùi sâu, tập trung cho khâu phòng ngự và chờ đợi cơ hội phản công. Không nằm ngoài dự đoán, Iraq tấn công đa dạng theo nhiều hướng, bao gồm lên bóng ở biên, tiền vệ dâng lên từ tuyến hai và xâm nhập vòng cấm cùng hai tiền đạo mục tiêu.
Khi để mất bóng trong tấn công, các cầu thủ Iraq lập tức tổ chức gây áp lực (pressing) quyết liệt để giành lại quyền kiểm soát bóng. Đặc biệt, Iraq ngăn chặn các pha phản công của tuyển Việt Nam bằng sự phối hợp giữa các tiền vệ và hậu vệ.
Lối di chuyển chủ động, cường độ cao, gây sức ép mạnh mẽ của Iraq là nỗ lực để nhanh chóng tạo ra cơ hội ăn bàn, đồng thời cản trở tuyển Việt Nam cầm bóng. Trước áp lực tấn công của Iraq ngay từ đầu trận, tuyển Việt Nam rất khó tạo ra cơ hội ghi bàn.
Vì thế, kết quả cuối cùng phản ánh cục diện của trận đấu. Tuyển Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ phòng ngự và suýt chút nữa thành công. Ở khía cạnh này, tôi tin giới truyền thông và người hâm mộ đã hiểu hơn về ý đồ chiến thuật của HLV Troussier.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng kế hoạch phản công dựa trên nền tảng hàng thủ vững vàng của HLV Troussier chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Mặc dù có số lượng lớn cầu thủ ở hàng phòng ngự, tuyển Việt Nam gặp khó khăn trong tổ chức tấn công vì thiếu kết nối với tuyến giữa.
Các cầu thủ Việt Nam chưa giữ bóng đủ thời gian và chất lượng tại trung tuyến khi thường xuyên mất bóng vì áp lực mạnh mẽ đối phương tạo ra. Hệ quả là các tiền đạo rơi vào tình trạng đói bóng.
Một đội bóng tập trung vào khâu phòng ngự và tìm cách phản công cần những tiền đạo nhanh nhẹn, táo bạo và quyết liệt. Điều này có nghĩa cần một cầu thủ có thể phát huy được năng lực độc lập tác chiến và biết cách ghi bàn.
Ở mặt trận phòng ngự, số đông cầu thủ áo đỏ đã tạo nên được bức tường ngăn chặn đối phương khá vững vàng. Thành quả là tuyển Iraq nhiều thời điểm tỏ ra nôn nóng và mắc nhiều lỗi trên sân.
Nhìn chung, ý đồ chiến thuật của HLV Troussier đã tạo ra được tác động rõ rệt đến cục diện trận đấu và không để cho đối phương ghi bàn suốt 95 phút. Đáng tiếc tuyển Việt Nam lại không thể chống đỡ trong tình huống cuối cùng.
Bóng đá là cuộc chiến săn bàn. Cho dù trận đấu diễn ra như thế nào, kết quả không như ý đều trở thành mục tiêu bị chỉ trích. Song, tinh thần chiến đấu mạnh mẽ và ý chí kiên cường, không bỏ cuộc cho đến phút cuối cùng của tuyển Việt Nam đem đến hy vọng cho những trận đấu tiếp theo.
- Theo ông, cầu thủ nào đã thi đấu tốt và cầu thủ nào chưa đáp ứng kỳ vọng?
- Bóng đá là môn thể thao tập thể. Đội bóng được tạo thành từ nhiều cầu thủ. Nhược điểm của một cá nhân cũng là trách nhiệm của toàn đội. Báo giới và người hâm mộ thường tập trung chỉ trích sai sót hoặc hiệu suất kém của một số cầu thủ.
Tuy nhiên, HLV là người chịu trách nhiệm cao nhất cho kết quả và toàn đội phải được đánh giá cùng nhau. Các cầu thủ thi đấu theo vị trí và xử lý tình huống theo yêu cầu của ban huấn luyện. Yêu cầu ấy rộng hơn là ý đồ chiến thuật được HLV thiết lập và phổ biến cho các cầu thủ.
Những cầu thủ chưa thể hiện được hết năng lực trong trận đấu hoặc gặp vấn đề về thể chất cũng phụ thuộc vào kế hoạch chiến thuật của HLV.
Vì vậy, nếu một HLV công khai chỉ trích màn trình diễn của học trò trước truyền thông có thể làm giảm tinh thần của toàn đội. Đánh giá cá nhân vô tình biến bóng đá thành môn thể thao cá nhân chứ không còn là thể thao đồng đội.
Nếu phát hiện vấn đề của cá nhân trong trận đấu, các cầu thủ này phải được ban huấn luyện cảm thông, thấu hiểu và tìm ra phương án cải thiện trong quá trình tập luyện. Tất nhiên, một đội có thể gặp bất lợi do thua kém trình độ ở từng vị trí cầu thủ cụ thể. Dẫu vậy, việc chỉ ra ai đó là tội đồ rất không đúng, vì chính HLV trao cơ hội cho họ.
Đội tuyển quốc gia là nơi hội tụ những cầu thủ giỏi nhất. Thế nên, nếu một cầu thủ gặp vấn đề về khả năng đáp ứng yêu cầu ban huấn luyện đề ra có thể bị thay thế bằng cầu thủ khác.
Vấn đề chuyên môn ở đội tuyển rất khác cấp CLB. Bởi lẽ đội tuyển quốc gia là nơi những cầu thủ xuất sắc nhất cống hiến cho đất nước, bằng sự kiêu hãnh và tinh thần yêu nước mãnh liệt.
- Hướng đến mục tiêu trước mắt, cơ hội đi tiếp của tuyển Việt Nam như thế nào khi Philippines và Indonesia đã hòa nhau 1-1?
- Nếu phải cạnh tranh với các đối thủ khác cho đến cuối, tuyển Việt Nam phải để ý đến kết quả của tất cả các trận đấu. Sau 2 lượt trận, đầu tiên và quan trọng nhất, là phải phân tích các trận đã đấu và chuẩn bị tốt cho các trận sắp tới.
Hiện tại tôi quan tâm đến khả năng chơi bóng của tuyển Việt Nam. Lý do là nếu tuyển Việt Nam thi đấu hiệu quả và đạt được kết quả như kỳ vọng, các cầu thủ sẽ tự tin hơn để đối đầu với các đối thủ tiếp theo, đồng nghĩa có cơ hội giành chiến thắng cao hơn.
Đấu pháp luôn thay đổi tùy theo đối thủ. Yếu tố tâm lý sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất thi đấu và diễn biến trận đấu luôn có những bất ngờ, phụ thuộc vào chiến thuật và đặc điểm lối chơi của đối phương. Đó là lý do tại sao chúng ta thường nói bóng đá là môn thể thao có nhiều bất ngờ.
Tuy nhiên, cần một kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng và sự tập trung cao độ để thích ứng với mọi tình huống nảy sinh. Thể chất mạnh mẽ, tâm lý vững vàng và tinh thần đồng đội cao sẽ giúp các cầu thủ tự tin hơn để tạo động lực chiến thắng.
- Có một thống kê rất được chú ý sau trận đấu vừa qua là đội tuyển Việt Nam đã không tung ra được cú sút nào về phía khung thành đối phương. Ông nghĩ sao về số liệu này?
- Trước khi nói về thống kê ở trận gặp Iraq hãy nói về trận gặp Philippines. Tuyển Việt Nam đã có một trận đấu tương đối khó khăn. Philippines đã tạo ra được những cơ hội ghi bàn có thể thay đổi kết quả trận đấu. Đội bóng này đã không tận dụng được và đó là vấn đề của họ.
Dù vậy, từ trận đấu với Philippines có thể thấy tuyển Việt Nam cần cải thiện khả năng triển khai tấn công, đồng thời nhận ra các vấn đề nơi hàng phòng ngự. Dứt điểm ít đồng nghĩa ít cơ hội ghi bàn.
Trước đối thủ mạnh như Iraq, điều này hoàn toàn có thể cảm thông. Ngay như trận gặp Hàn Quốc, đội tuyển Việt Nam cũng hầu như không tạo được cơ hội ăn bàn rõ rệt.
Nếu vấn đề này xảy ra trước các đối thủ dưới cơ hoặc ngang cơ như các đội bóng Đông Nam Á, cụ thể ở vòng loại World Cup là Philippines và Indonesia, thì mới là đáng báo động.
Trước Iraq, với khả năng thua trận rất cao, nhiệm vụ chính là giảm thiểu cơ hội ghi bàn của đối phương. Do đó, cục diện và số liệu thống kê các trận đấu sẽ khác nhau tùy thuộc vào đối thủ và chiến thuật HLV đề ra.
- Đề tài gây tranh cãi gay gắt nhất là cách dùng người của HLV Troussier. Ông ấy tiếp tục trao cơ hội cho nhiều cầu thủ trẻ nhưng không hề sử dụng Hùng Dũng, Hoàng Đức hay Bùi Tiến Dũng, những trụ cột của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo. Ông nhận định như thế nào về cách dùng người của HLV Troussier?
- Tôi rất quan tâm tới vấn đề này. Tuy nhiên, việc lựa chọn cầu thủ nào ra sân là thẩm quyền của HLV. Đặc biệt là tôi không muốn đánh giá đội hình thi đấu vì phụ thuộc vào chiến thuật của HLV. Nếu kết quả trận đấu và hiệu suất thi đấu không đạt được yêu cầu, HLV phải có phương án dự phòng sẵn sàng thay thế.
Tôi đã đề cập đến vị trí và vai trò của cầu thủ từ những trận giao hữu giữa Việt Nam với Uzbekistan và Hàn Quốc. Ví dụ như Tuấn Tài đảm nhận vai trò trung vệ lệch trái. Tuấn Tài là cầu thủ có đặc điểm của một hậu vệ cánh trái.
Cậu ấy không đủ chiều cao lẫn sức mạnh của một trung vệ. Cậu ấy giỏi hơn ở khả năng leo biên nhanh nhẹn và khéo léo. Những quả tạt của Tuấn Tài có độ chính xác rất cao và gây nhiều khó khăn cho hàng thủ đối phương.
Tuy nhiên, vai trò và nhiệm vụ mới của Tuấn Tài là cùng các trung vệ khác tạo nên hệ thống phòng ngự kín kẽ ngăn chặn đối phương ở trung tâm hàng thủ. Dù vậy cậu ấy lại là người lao ra ngăn chặn quả tạt của Iraq ở phút cuối trận. Đáng ra cậu ấy phải án ngữ giữa vòng cấm và ngăn chặn tiền đạo đối phương đang xâm nhập để ghi bàn.
Đáng tiếc, Tuấn Tài lại di chuyển ra biên đúng kiểu hậu vệ biên. Cậu ấy không còn đủ thể lực và tốc độ để bám đuổi đối phương và hệ quả là dẫn đến bàn thua. Lẽ ra khi đối phương tạt bóng, Tuấn Tài cùng với Thanh Bình và Bùi Hoàng Việt Anh phải đóng vai trò trung tâm hàng phòng ngự, kèm chặt mọi cầu thủ áo trắng có mặt trong vòng cấm.
Tất nhiên nét tích cực ở đội tuyển Việt Nam hiện tại là các cầu thủ trẻ được trao cơ hội thường xuyên. Điều này tốt cho tương lai, song cá nhân tôi cho rằng nên tập trung trước tiên vào việc sử dụng các cầu thủ có kinh nghiệm để vượt qua bảng đấu tại vòng loại World Cup này.
Nếu các cầu thủ trẻ được trao cơ hội vì không còn lựa chọn nào khác, mọi người sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. Nhưng nếu có những cầu thủ giàu kinh nghiệm và có năng lực, HLV Troussier có thể tìm ra phương án nhân sự hữu hiệu nhất thông qua những gương mặt ấy. Tốt nhất là phải cân nhắc cẩn trọng trong việc dùng người.
- Riêng trường hợp Hoàng Đức, HLV Troussier cho rằng cầu thủ này chưa đáp ứng được kỳ vọng nên không được thi đấu trong cả 2 trận. Theo ông, Hoàng Đức đang gặp vấn đề gì?
- Huấn luyện viên trao cơ hội cho nhiều cầu thủ, nếu cầu thủ này không đáp ứng được yêu cầu về mặt đấu pháp ban huấn luyện đề ra, ông ta có thể xem xét cầu thủ khác.
Hoàng Đức là cầu thủ giỏi. Tuy nhiên, dù thừa nhận cậu ấy có năng lực xuất sắc đến đâu nhưng nếu anh ta đi chệch hướng quan điểm chiến thuật của HLV trưởng và thiếu khả năng chấp hành đấu pháp, HLV sẽ không dễ dàng trao cơ hội cho anh ta.
Cần lưu ý rằng, Hoàng Đức đã được trao nhiều cơ hội. Có vẻ như ông Troussier rất tin tưởng và ghi nhận năng lực của cậu ấy. Và không chỉ Hoàng Đức, các cầu thủ giàu kinh nghiệm như Đỗ Hùng Dũng, Bùi Tiến Dũng đã hoặc sẽ được trao cơ hội.
Điều quan trọng là mọi tuyển thủ quốc gia phải thay đổi nhận thức và chấp nhận vị trí lẫn vai trò bản thân ở đội tuyển. Từ góc nhìn của một người từng là cầu thủ bóng đá, tôi thấy không nên chất vấn lý do tại sao không được trao cơ hội. Phải biết chấp nhận hoàn cảnh hiện tại và nỗ lực hết sức mình với nhiệm vụ được giao.
Cơ hội trao cho các cầu thủ đều nằm trong thẩm quyền của HLV trưởng. Các cầu thủ phải cẩn thận trong việc truyền đạt cảm xúc và ý kiến cá nhân trước công luận. Đội tuyển quốc gia không phải tập thể đơn thuần. Đó là niềm tự hào của cả đất nước.
- Một vấn đề nữa cũng nhận được nhiều sự quan tâm là thể lực của các cầu thủ. Chưa đến phút 70, đội tuyển Việt Nam đã sử dụng hết quyền thay người. Đến những phút cuối trận hầu hết cầu thủ đều kiệt sức. HLV Troussier cũng cho biết ông sử dụng cả 5 quyền thay người vì giải pháp tình thế. Các cầu thủ Iraq quá khỏe hay cầu thủ Việt Nam quá đuối sức?
- Sơ đồ 3-4-3 chỉ vận hành hiệu quả khi thể lực tổng thể của toàn đội được đảm bảo. Đội hình này đòi hỏi các cầu thủ phải di chuyển liên tục để tạo áp lực cả trong tấn công lẫn phòng ngự lên đối phương. Ajax Amsterdam (Hà Lan), đội tuyển Hàn Quốc thời HLV Hiddink (World Cup 2002) và tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo cũng sử dụng 3-4-3.
Vấn đề được quan tâm và rèn luyện nhiều nhất, bên cạnh việc hoàn thiện chiến thuật xoay quanh sơ đồ 3-4-3, là tạo ra nền tảng thể chất mạnh mẽ cho các cầu thủ. Để vận dụng khả năng tạo áp lực hiệu quả, mọi cầu thủ phải duy trì sự cân bằng vị trí tốt, toàn đội phải di chuyển liên tục một cách đồng bộ. Đó là đặc điểm chính của sơ đồ này.
Ajax, HLV Hiddink và HLV Park Hang Seo đều có chung chiến thuật gây áp lực: sức chiến đấu mạnh mẽ; di chuyển nhanh chóng và cơ động; kỹ năng xử lý bóng và hiểu biết về đấu pháp; phối hợp ăn ý và nhất quán; đặt cầu thủ vào vị trí phù hợp.
3-4-3 là sơ đồ dành cho lối chơi tấn công cống hiến. Để tận dụng được ưu thế của 3-4-3, thể lực và kỹ năng của từng cầu thủ cần được phát huy hiệu quả. Thế nên thể lực đặc biệt được coi trọng.
Tất nhiên 3-4-3 trong tay HLV Hiddink hay HLV Park Hang Seo đã có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế đội bóng bị đánh giá thấp hơn. Cả hai chú trọng nhiều hơn vào yếu tố cân bằng.
Để sử dụng 3-4-3 theo hướng tấn công chủ động, trình độ kỹ thuật lẫn thể chất của các cầu thủ phải được đảm bảo. Muốn cầm bóng nhiều hơn đối phương cần khả năng chuyền bóng xuất sắc và thể lực tốt để di chuyển.
Vì vậy tại World Cup 2002, HLV Hiddink đặt mục tiêu hàng đầu là cải thiện kỹ thuật và thể lực cho các tuyển thủ Hàn Quốc. Tương tự là HLV Park Hang Seo tại đội tuyển Việt Nam.
Tại giải U23 châu Á 2018, tuyển U23 Việt Nam đã thi đấu 3 trận vòng bảng và 3 trận đấu loại trực tiếp. Từ tứ kết đến chung kết, các trận chỉ cách nhau hai ngày và mỗi trận đều kéo dài 120 phút. Dù vậy không ai phải rời sân vì chuột rút hay kiệt sức.
Nhưng cũng cần nói thêm, sức mạnh thể chất không phải là điều có thể cải thiện nhanh chóng. Vấn đề này đòi hỏi nhiều yếu tố như dinh dưỡng, tập luyện thể lực, cải thiện thể chất và sự tiến bộ về mặt chiến thuật. Mỗi cầu thủ đều tiết kiệm được sức lực tốt hơn nếu xử lý tình huống đơn giản và hiệu quả.
- HLV Troussier cũng nói rằng các cầu thủ Việt Nam hiện nay chỉ đủ sức thi đấu cường độ cao trong 60 phút. Là một chuyên gia thể lực, theo ông nhận định của HLV Troussier đã xác đáng?
- Tôi đồng quan điểm với ông ấy. Thể lực yếu đã bị phơi bày ở trận gặp Iraq. Việc hai trung vệ Quế Ngọc Hải và Tuấn Tài đều bị chuột rút là điều hết sức nghiêm trọng. Điểm đáng nói là ai sẽ xử lý vấn đề thể lực này.
Có thể ông Troussier cho rằng các đội bóng tại V-League phải san sẻ trách nhiệm. Mặt khác, các đội bóng V-League cũng có thể lập luận rằng do HLV đội tuyển quốc gia không kịp nâng cao thể lực cho các tuyển thủ. Tôi cho rằng vấn đề thể lực sẽ tiếp tục được tranh luận và là nguồn cơn tranh cãi.
Quan trọng nhất là HLV Troussier phải có giải pháp. Việc cải thiện thể lực cho cầu thủ dưới thời HLV Park Hang Seo được lên kế hoạch chi tiết và lâu dài. Trước đây tôi chuẩn bị theo yêu cầu chiến thuật của từng buổi tập.
Bóng đá bao gồm ba yếu tố chính là kỹ thuật, chiến thuật và thể chất. Tâm lý và dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Nhưng tình hình thực tế mỗi lúc một khác. Thế nên không thể bê y nguyên phương pháp cũ vào đội bóng hiện tại.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Thiết kế: Đức Bình
Nội dung: Ngọc Trung