Trong hơn 60 năm cuộc đời, nhiều bóng hồng đã đi qua cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và ở những năm tháng trung niên, ông đã gặp được một nàng thơ thật đặc biệt – cô gái Nhật Bản Yoshii Michiko.
Giai đoạn cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, Yoshii Michiko - lúc này là sinh viên đại học tại Paris - bén duyên với Việt Nam vì yêu văn hóa, ngôn ngữ và con người của đất nước này.
Một trong những tình yêu lớn nhất ở cô gái Nhật thời ấy là tình cảm sâu nặng dành cho âm nhạc của Trịnh Công Sơn, lúc này là người nhạc sĩ vĩ đại của tân nhạc Việt Nam. Vượt qua rào cản địa lý, ngôn ngữ, văn hóa, Michiko đến với cuộc đời Trịnh như một dòng suối mát, gợi lên trong trái tim Trịnh Công Sơn những nhịp đập dịu dàng ở tuổi xế chiều.
Tưởng như mối quan hệ ấy là một lương duyên nhưng rốt cuộc vẫn không thành, để chỉ mãi là mối tình thật đẹp.
Đại diện đoàn phim cho biết vai diễn Trịnh Công Sơn thời trung niên từng khiến họ mất rất nhiều thời gian để lựa chọn giữa 8.000 ứng viên và cái tên cuối cùng gắn kết với vai diễn đặc biệt này là NSƯT Trần Lực. Ngay cả khi chưa đi đến quyết định cuối cùng, nghệ sĩ Trần Lực đã đồng ý dành một tháng để thay đổi ngoại hình, bao gồm cả việc giảm 12kg và học thiền, để hoá thân vào Trịnh Công Sơn.
Ông hài hước cho biết tất cả diễn viên trong phim đều phải “qua tay” nhạc sĩ Đức Trí để chuẩn bị cho phần thể hiện các ca khúc trong phim. Sau nhiều lần tập luyện thì nhạc sĩ Đức Trí phát hiện ra giọng của Trần Lực có chất khàn khàn của người hút thuốc lá giống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nên sau đó anh đã rót cho ông một ly rượu và khuyến khích ông hát ngay sau đó.
Sự cộng hưởng của rượu vào chất giọng khàn khàn của Trần Lực lúc đó cuối cùng cũng đã khiến nhạc sĩ Đức Trí thốt lên: “Đây rồi, giọng anh Sơn đây rồi".
Nghệ sĩ Trần Lực cũng có những chia sẻ đầy xúc động khi nghe ca khúc Huyền thoại mẹ: “Tôi nghĩ ai hát về mẹ cũng xúc động vì ai cũng có mẹ. Tôi và anh Sơn đều là niềm tự hào của mẹ và đều rất yêu mẹ. Chỉ khác là anh Sơn là con cả, bố anh mất sớm, mẹ anh một mình nuôi 8 anh em. Tái hiện hình ảnh anh, tôi cũng nhớ về mẹ tôi. Tôi là con út, được mẹ chiều lắm. Tôi nhớ mãi trên đường đi sơ tán năm 1972, giữa tiếng còi báo động kêu trên đầu, mẹ cứ ôm lấy tôi trên chiếc xe tải đưa chúng tôi rời Hà Nội”.
Ở tuổi sắp lục tuần, NSƯT Trần Lực đã đi qua cả những năm tháng trẻ tuổi sôi nổi lẫn những lúc tạm dừng chân để chiêm nghiệm cuộc đời. Khi nghe đến thông tin casting cho bộ phim về Trịnh Công Sơn, ông bồi hồi nhớ lại những năm 1975, những ngày tháng cả một thế hệ say mê nhạc Trịnh.
“Hồi đó âm nhạc của ông là những giai điệu và ca từ đẹp khiến những tâm hồn tươi trẻ của chúng tôi cảm thấy yêu đời, yêu người khi ôm đàn hát. Những năm 1990 lứa chúng tôi chững chạc hơn, tôi cảm nhạc Trịnh sâu sắc hơn, cảm được thế giới trong âm nhạc của ông rộng lớn, khúc chiết, đầy tình yêu thương. Những ca khúc của Trịnh Công Sơn khiến người nghe trăn trở về cuộc đời để sống tốt hơn...”.
Có một lần vào TPHCM đóng phim những năm 90, Trần Lực được rủ đến nhà Trịnh Công Sơn chơi nhưng vì vướng lịch quay nên không đi được, ông tự xem như duyên chưa đến. Còn bây giờ cơ duyên lại dẫn dắt ông đến với vai diễn Trịnh Công Sơn trong Em và Trịnh, đem đến một chàng Trịnh ở độ lục tuổi vẫn đầy chân thành và mộng mơ.
Phim điện ảnh Em và Trịnh dự kiến khởi chiếu vào 17/6.
Box thông tin diễn viên Trần Lực
Thông tin về nghệ sĩ Trần Lực
Nghệ sĩ Trần Lực sinh năm 1963 tại Hà Nội, là một diễn viên và đạo diễn nổi tiếng của phim truyền hình và điện ảnh Việt Nam. Ông được yêu mến từ thập niên 90 qua các phim truyền hình như “Mẹ chồng tôi”, “Hoa ban đỏ”. Những phim điện ảnh nổi bật có thể kể đến của ông như “Mùa ổi”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong”, “Chiến dịch trái tim bên phải” hay “Long Thành cầm giả ca”. Trần Lực cũng từng đạo diễn nhiều phim được khán giả yêu thích như “Chuyện nhà Mộc” hay “Tết này ai đến xông nhà”.