Triều Tiên: Mối đe dọa hạt nhân đối với Mỹ và đồng minh châu Á đến từ Ukraine

Thái Bằng| 03/07/2022 07:18

Chương trình tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên là một thực tế đau đầu, thường trực với Mỹ và các đồng minh châu Á ở Tây Thái Bình Dương. Nhưng mối đe dọa này lại đến từ Ukraine,

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên trong mộtcuộc diễu hành (Ảnh: SMCP)

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên trong mộtcuộc diễu hành (Ảnh: SMCP)

Tên lửa đạn đạo và vấn đề phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên

Nhưng sự phát triển của vũ khí hạt nhân Triều Tiên không thể diễn ra được nếu Bình Nhưỡng không tiếp cận được với công nghệ của Liên Xô, cụ thể những thiết bị phần cứng vũ khí hạt nhân ở Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ. Những phân tích và thống kê của truyền thông đã xác định, Ukraine đóng vai trò quan trọng để Triều Tiên trở thành mối đe dọa lớn đối với Mỹ và các đồng minh châu Á.

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng có nhiều mục tiêu chung trong chiến lược Tây Thái Bình Dương, một trong số đó là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, các đồng minh của Washington ở châu Á gần đây lại dấy lên sự lo ngại mới, Ngày 14/6, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin thông báo, Triều Tiên hoàn tất công tác chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới.

Trước đó, tháng 3/2022, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chấm dứt hiệu lực lệnh cấm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) năm 2018 bằng một vụ thử nghiệm ICBM có khả năng tấn công mọi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.

Truyền hình Triều Tiên tung video quảng bá tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, có thể tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Mỹ.

Câu hỏi là làm thế nào mà một quốc gia bị phong tỏa lại có thể có được trình độ công nghệ này? Rất bất ngờ, nhưng câu trả lời đến từ Ukraine.

Từ Ukraine, động cơ tên lửa đã đến Bình Nhưỡng

Ngày nay, có thể khẳng định chắc chắn, khi thiết kế và chế tạo ICBM, Triều Tiên đã sử dụng động cơ tên lửa đẩy RD-250, được sản xuất tại nhà máy chế tạo máy Yuzhmash ở thành phố Dnepropetrovsk, Ukraine.

Tất cả các doanh nghiệp công nghiệp, đang hoạt động ở Ukraine, trong đó có Yuzhmash, là một phần di sản của Liên Xô. Nhà máy được xây dựng năm 1944 khi đang diễn ra Đại chiến Thế giới thứ II. Sau đó, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các kỹ sư nhà máy này đã thiết kế và sản xuất những tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất của Liên Xô để cạnh tranh với Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trang.

Trong thế kỷ 21, Washington một lần nữa bị đe dọa bởi những sản phẩm vượt thời gian của Yuzhmash, mặc dù trên thực tế Ukraine, sau cuộc đảo chính năm 2014, đã trở thành quốc gia vệ tinh của Mỹ. Nhà máy cũng đã ký hợp đồng với Mỹ sản xuất tên lửa, động cơ cho những giai đoạn phóng, các thiết bị phần cứng khác, được sử dụng trong các tên lửa vận tải mang - phóng.

Tháng 8/2017, The New York Times dẫn phát biểu của Michael Elleman, chuyên gia tên lửa thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đưa tin, Triều Tiên rất có thể đã sử dụng động cơ RD-250 để thiết kế ICBM.

Ông Elleman nói: “Nhiều khả năng những động cơ này đến từ Ukraine - có thể là bất hợp pháp ... Câu hỏi lớn là có bao nhiêu tên lửa đẩy và liệu người Ukraine có đang giúp đỡ Bình Nhưỡng hay không”. Nhưng các chuyên gia tại IISS tin rằng, chính quyền Kiev không tham gia vào hoạt động buôn lậu vũ khí, trang thiết bị.

Văn phòng thiết kế của Yuzhmash và Văn phòng thiết kế Yuzhnoye, một doanh nghiệp tương tự ở Dnepropetrovsk, cực lực bác bỏ bất kỳ sự hợp tác nào với Bình Nhưỡng và chương trình tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Aleksandr Turchynov cho rằng, những cáo buộc này là một phần của “chiến dịch chống Ukraine” do cơ quan tình báo Nga thực hiện. Ông khẳng định. Moscow che giấu sự hỗ trợ Triều Tiên bằng cách này.

Trong một báo cáo năm 2018 của Ủy ban trừng phạt 1718 (CHDCND Triều Tiên), các nhà chức trách Ukraine thừa nhận rằng, rất có thể, Triều Tiên đã chế tạo động cơ phản lực cho tên lửa đạn đạo, sử dụng các thành phần của động cơ RD-250 do Yuzhmash sản xuất. Theo Ukraine, việc giao hàng được thực hiện qua lãnh thổ Nga.

Vasily Kashin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện Châu Âu và Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp Đại học Nghiên cứu Quốc gia (HSE) Moscow, trả lời phỏng vấn với RT cho rằng, Triều Tiên có được động cơ phản lực nhiên liệu lỏng từ Yuzhmash là sự cố duy nhất chính thức được ghi nhận.

Chuyên gia nhận định: “Không phải Ukraine gửi động cơ đến Triều Tiên – các nhân viên tình báo khoa học và kỹ thuật Triều Tiên ở Ukraine đã thực hiện công việc này. Các động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng được mua ở đó một cách bất hợp pháp trước năm 2014”.

Bình Nhưỡng có được công nghệ quân sự từ tham nhũng

Mối quan hệ giữa Kiev và Bình Nhưỡng chưa bao giờ đủ thân thiện và chân thành để Ukraine sẵn sàng cung cấp các thiết bị vũ khí hạt nhân cho Triều Tiên. Nhưng một số thông tin và các vụ bắt giữ, được cáo buộc là “hoạt động gián điệp” về những hợp tác trên các hành vi tham nhũng của người Ukraine với các quốc gia khác trong lĩnh vực tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, có thể gợi ý chính xác cho những sự kiện này.

Năm 1994, Kiev cuối cùng đã loại bỏ kho vũ khí hạt nhân khoảng 1.000 tên lửa sau khi Liên Xô sụp đổ. Kế hoạch là chuyển một nửa cho Nga và phá hủy phần còn lại trong khuôn khổ chương trình giải trừ quân bị do Mỹ tài trợ.

Năm 2005, cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko xác nhận rằng, một số “nhân vật” chính quyền trước đó đã bán tên lửa hành trình Kh-55, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cho Iran và Trung Quốc. Tầm bắn của những tên lửa này là 2.500 km, thực tế này làm gia tăng mối đe dọa tấn công hạt nhân đối với Israel và Nhật Bản.

Triều Tiên còn có những phương pháp khác để đạt mục tiêu

Bắt đầu từ những năm 1990, một số công dân Triều Tiên bị bắt quả tang khi cố gắng nắm bắt công nghệ tên lửa hạt nhân của Liên Xô. Ông Kashin tin rằng, Bình Nhưỡng đã tiến hành các hoạt động tình báo khoa học và kỹ thuật ở Ukraine từ rất lâu.

“Theo các tài liệu giải mật của KGB, các hoạt động tình báo khoa học và kỹ thuật của Triều Tiên ở Ukraine có từ thời Liên Xô. Trước đó đã diễn ra một vụ án hình sự, liên quan đến người Triều Tiên, một công nhân của Nhà máy Arsenal ở Kiev, bị bắt quả tang ăn cắp các bộ phận của tên lửa chống tăng. Người Triều Tiên đã có nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ quân sự Liên Xô trong những năm 1990 và đầu những năm 2000 ở Dnepropetrovsk, địa bàn hoạt động thuận lợi nhất. Chính phủ Ukraine không quan tâm đến vấn đề này và không có gì để xác nhận rằng Kiev cố tình bán công nghệ của mình. Người Triều Tiên đã triệt để lợi dụng tình huống tham nhũng thời hậu Liên Xô và những kẽ hở trong hệ thống phản gián của Ukraine”.

Mikhail Khodarenok, đại tá về hưu, nhà phân tích quân sự trong cuộc phỏng vấn với RT nhắc lại tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ ngự trị ở Ukraine thời hậu Xô Viết, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và nhiều lĩnh vực trong những năm 1990.

“Vào thời điểm đó, phần lớn những công nghệ vô cùng quan trọng của Ukraine bị rò rỉ ra khỏi đất nước. Ảnh hưởng của công nghệ Ukraine tác động đến cả kho vũ khí tên lửa hành trình chiến lược của Trung Quốc và Iran. Không có gì đáng ngạc nhiên - tất cả đều đã làm hết sức để tồn tại trong những thời điểm hỗn loạn đó. Nhiều việc thực sự có thể đã được thực hiện mà không có sự tham gia của chính quyền Ukraine.

“Nhưng Triều Tiên trong nhiều trường hợp đã tiến hành các thỏa thuận với sự đồng thuận của hai bên, quốc gia và doanh nghiệp. Nhưng chính phủ không phải là một phần của hoạt động này, ” ông Khodarenok kết luận.

20 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, hoạt động gián điệp của Triều Tiên vẫn thành công

Ngày 12/12/ 2012, CHDCND Triều Tiên trở thành quốc gia thứ 10 gia nhập câu lạc bộ vũ trụ toàn cầu bằng cách đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 (KMS-3) trên quỹ đạo Trái đất. Cùng năm đó, một vụ án gián điệp cấp cao, liên quan đến công dân Triều Tiên được tiến hành điều tra ở Ukraine.

2 công dân Triều Tiên (nhân viên của một phái đoàn thương mại ở Belarus) bị kết án 8 năm tù. Những công dân Triều Tiên bị bắt quả tang đang cố gắng mua tài liệu kỹ thuật và các công trình khoa học, có những kết quả nghiên cứu và phát triển quan trọng từ các nhân viên Văn phòng thiết kế Yuzhnoye ở Ukraine. Người Triều Tiên trả một khoản chi phí khiêm tốn 1.000 USD cho mỗi báo cáo nghiên cứu về hệ thống động cơ nhiên liệu lỏng. Một nguồn tin giấu tên thông báo với cổng thông tin điện tử Strana.ua, người Triều Tiên đặc biệt quan tâm đến thiết kế động cơ tên lửa R-36M (Satan) huyền thoại. Đây là tên lửa đẩy mạnh nhất thuộc nhóm ICBM.

Một vấn đề khác có khả năng mang công nghệ hiện đại đến với Triều Tiên là hiện tượng “chảy máu chất xám”, với hàng trăm kỹ sư Liên Xô đã ra nước ngoài sau khi Hiệp định Belovezh khiến Liên Xô tan rã được ký kết vào năm 1991.

Quá trình phi công nghiệp hóa ở Ukraine hậu Xô Viết làm sụp đổ nguồn thu nhập ổn định và triển vọng nghề nghiệp của hàng trăm chuyên gia, kỹ sư kỹ thuật đang làm việc tại Nhà sản xuất hàng không vũ trụ Ukraine Yuzhmash. Các chuyên gia này buộc phải tìm kiếm những cách khác để kiếm sống.

Lựa chọn rất hạn hẹp. Các chuyên gia công nghệ tên lửa, hạt nhân hoặc sẽ trở thành lao động phổ thông hoặc đồng ý với những đề nghị hấp dẫn, mặc dù bất hợp pháp, giúp đỡ phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa đẩy cho các quốc gia khác.

Nhiều nguồn tin cho rằng, sau khi Liên Xô sụp đổ, các chuyên gia Liên Xô ở Ukraine đã tìm kiếm vận may cho cuộc sống mới ở Triều Tiên, Iran và Pakistan.

Mỹ và EU buộc phải có một số sáng kiến ​​vào giữa những năm 1990. Các quốc gia này tài trợ cho Trung tâm Khoa học và Công nghệ ở Ukraine, một tổ chức liên chính phủ nhằm đảm bảo chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực vũ khí hủy diệt hàng loạt không bị rò rỉ.

Giám đốc điều hành Curtis Bjelajac thừa nhận, trung tâm về cơ bản đã chi tiền cho một số chuyên gia nhất định giúp ngăn chặn dòng chảy của các chuyên gia vào các quốc gia khác, đang phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Ông Mikhail Khodarenok cho biết, cộng đồng các chuyên gia đều hiểu rằng, các chuyên gia Yuzhmash đã hỗ trợ Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo.

“Các kỹ sư của Yuzhmash đối mặt với khó khăn - mọi người đều cố gắng sống sót vào thời đó và những quốc gia khác đã trả tiền rất hậu hĩnh. Nhiều người đã đến đó để làm việc. Triều Tiên sẽ không đạt được những tiến bộ như vậy nếu không có chuyên môn về công nghệ quan trọng”.

Cuộc chiến Nga – Ukraine và các quốc gia liên quan

Khác với Tây Âu và Mỹ, Hàn Quốc rất dè dặt trong việc ủng hộ Ukraine trong cuộc khủng hoảng hiện nay, chủ yếu cung cấp hỗ trợ về tinh thần và cung cấp viện trợ quân sự phi sát thương. Tại sao Seoul không làm nhiều hơn thế?

“Hàn Quốc biết rằng nếu giúp Ukraine, Nga sẽ chấm dứt tuân thủ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Seoul hiểu rằng không nên cắt đứt mọi mối quan hệ với Nga mà chiến dịch quân sự đặc biệt của quốc gia này đang được Triều Tiên ủng hộ.

Matxcơva có thể mở ra mối quan hệ đối tác với Triều Tiên. Không quốc gia nào muốn điều đó - đặc biệt là Hàn Quốc. Tương tự như vậy. Israel cũng từ chối cung cấp cho Ukraine bất kỳ thiết bị sát thương nào, do Nga có thể đáp trả bằng việc cung cấp cho Iran một số vũ khí nguy hiểm./.

Theo viettimes.vn
https://viettimes.vn/trieu-tien-moi-de-doa-hat-nhan-doi-voi-my-va-dong-minh-chau-a-den-tu-ukraine-post158253.html
Copy Link
https://viettimes.vn/trieu-tien-moi-de-doa-hat-nhan-doi-voi-my-va-dong-minh-chau-a-den-tu-ukraine-post158253.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Triều Tiên: Mối đe dọa hạt nhân đối với Mỹ và đồng minh châu Á đến từ Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO