Rạng sáng ngày 11/1, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tham gia giám sát vụ phóng thử tên lửa siêu thanh. Loại vũ khí tối tân này có thể vượt qua hàng rào phòng thủ tên lửa của Mỹ, cũng như có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), tên lửa siêu thanh của nước này đã đánh trúng mục tiêu nằm cách xa 1.000 km. Ông Kim giám sát vụ phóng sau gần 2 năm vắng bóng ở những cuộc thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên. Các chuyên gia nhận định sự xuất hiện của ông Kim cho thấy tầm quan trọng của vũ khí siêu thanh, bởi Triều Tiên xem đây là vũ khí “thúc đẩy năng lực ngăn chặn chiến tranh”.
Hình ảnh tên lửa siêu thanh của Triều Tiên trước khi được phóng vào ngày 11/1 từ tỉnh Jagang. (Ảnh: Yonhap) |
Theo Bloomberg, dù tuyên bố phóng tên lửa siêu thanh của Triều Tiên còn bị hoài nghi, nhưng rõ ràng về biểu tượng, đây được xem là bước ngoặt trong chương trình phát triển vũ khí của quốc gia này.
Trong hơn 2 năm qua, ông Kim đã chú trọng vào phát triển các loại tên lửa có khả năng né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và các nước đồng minh. Động thái này còn nhằm chứng minh nếu Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên, cái giá phải trả cũng sẽ rất đắt.
Những vũ khí mà Triều Tiên đã và đang phát triển còn nhằm mục đích ngăn chặn khả năng xảy ra đối đầu với Mỹ như vào năm 2017, thời điểm cựu Tổng thống Donald Trump đe dọa đáp trả Triều Tiên bằng “lửa và giận dữ”. Các vụ thử nghiệm tên lửa gần đây cũng cho thấy Triều Tiên tiếp tục hiện thực hóa kế hoạch ngăn chặn mọi cuộc tấn công tiềm tàng, ngay cả sau khi ông Trump thi hành chiến lược đối thoại mặt đối mặt chưa từng có kể từ năm 2018.
Câu lạc bộ hạt nhân
Bà Duyeon Kim, nhà ngiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho hay Bình Nhưỡng đang cố gắng tạo ấn tượng rằng họ có thể phản công.
“Những thành tựu gần đây trong chương trình phát triển tên lửa cho thấy Triều Tiên vẫn muốn tiến tới năng lực hạt nhân tấn công thứ hai, biến các tên lửa của nước này trở nên hiện đại và khó đánh chặn hơn, trấn an người dân trong nước trước sức mạnh quân sự của Mỹ, và tạo nền tảng bền vững bước vào câu lạc bộ hạt nhân”, bà Duyeon Kim nhận định.
Cũng theo bà Duyeon Kim, Chủ tịch Kim dường như đang cố gắng chứng minh có thể củng cố vị trí của Triều Tiên trong danh sách các nước trang bị vũ khí hạt nhân trên thế giới, bất chấp Bình Nhưỡng đang phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt kinh tế. Việc sở hữu nhiều hệ thống hiện đại hơn như phương tiện lướt siêu thanh (HGV) cũng sẽ giúp tăng vị thế của ông Kim trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Bởi Triều Tiên cho thấy họ đã nắm trong tay loại vũ khí có thể đe dọa các đồng minh của Mỹ gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á.
Vụ phóng tên lửa siêu thanh thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy một tuần của Triều Tiên còn đẩy lùi những nỗ lực nối lại đàm phán của chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Phát biểu hôm 11/1, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nhấn mạnh đây là vụ phóng nguy hiểm và gây bất ổn.
“Chúng tôi vẫn mở cửa đối thoại với Mỹ, chúng tôi vẫn muốn đối thoại về Covid-19 và hoạt động cứu trợ nhân đạo. Nhưng thay vào đó, Triều Tiên lại đi phóng tên lửa”, bà Nuland nói trong cuộc họp báo ở Washington.
Tiếp đó, tới ngày 12/1, Bộ Tài chính Mỹ đã ban bố lệnh trừng phạt đối với 5 công dân Triều Tiên sinh sống ở nước ngoài gồm 1 người ở Nga, và 4 người ở Trung Quốc trước cáo buộc hỗ trợ chương trình sản xuất tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa một số cá nhân và một doanh nghiệp của Nga là Parsek LLC vào danh sách trừng phạt vì bị tình nghi liên quan tới chương trình tên lửa của Triều Tiên.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Brian Nelson cho biết, các lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục sử dụng những đại diện ở nước ngoài để mua bán bất hợp pháp các loại vũ khí.
Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh theo lệnh trừng phạt, toàn bộ tài sản của các cá nhân trên tại Mỹ hoặc do người Mỹ kiểm soát sẽ bị phong tỏa. Bất cứ ai trên thế giới tham gia giao dịch với những cá nhân hoặc công ty này cũng có thể bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, “Mỹ vẫn cam kết tìm kiếm đối thoại và ngoại giao với Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Triều Tiên tham gia đàm phán”.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chụp ảnh với các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Quốc phòng Quốc gia. (Ảnh: Yonhap) |
Đối thoại còn khả thi?
Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, Triều Tiên xác nhận nước này đã tiến hành 2 vụ phóng thử tên lửa siêu thanh. Các loại vũ khí được Bình Nhưỡng thử nghiệm trong những tháng gần đây còn có tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thế hệ mới và rocket có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân phóng từ toa tàu hỏa.
“Ông Kim chắc chắn muốn Mỹ nhận ra rằng mối đe dọa tiềm tàng không chỉ ngày càng gia tăng, mà còn ngày càng mở rộng, và có nhiều kịch bản. Theo cách này, ông Kim không chỉ tăng vị thế đàm phán, mà còn tạo ra yếu tố bất ngờ khiến Mỹ và cộng đồng quốc tế luôn phải đề cao cảnh giác”, ông Soo Kim, chuyên gia phân tích chính trị tại RAND Corp và từng có thời gian làm việc tại Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) cho hay.
“Dù Triều Tiên đã đưa ra một số thông tin, nhưng năng lực của vũ khí siêu thanh vẫn chưa được kiểm chứng. Song khả năng thay đổi quỹ đạo bay và đường bay của tên lửa có thể tạo ra thêm thách thức cho các hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực”, ông Joseph Dempsey, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London cho biết.
Theo phía Hàn Quốc, tên lửa được Triều Tiên phóng hôm 11/1 đã có sự cải tiến về hoạt động so với loại vũ khí được phóng cách đó gần một tuần. Cụ thể, tên lửa này đã bay hơn 700 km chứ không phải 1.000 km như Triều Tiên tuyên bố. Tên lửa cũng đạt đến độ cao tối đa là 60 km, đồng thời di chuyển với tốc độ nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh tương đương 12.348 km/h. Đáng nói, tốc độ di chuyển nhanh gấp 10 lần âm thanh của tên lửa Triều Tiên sẽ khiến các hệ thống radar mà đồng minh của Mỹ đang sử dụng khó phát hiện được.
Ông Ankit Panda, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment, cho rằng “Các vụ thử nghiệm tên lửa cho thấy mục tiêu của chương trình hiện đại hóa quân sự của ông Kim là theo đuổi năng lực phòng thủ hạt nhân hiệu quả trước Mỹ. Và ở thời điểm hiện tại, Triều Tiên không hứng thú với đối thoại”.
Minh Thu (lược dịch)