Triển vọng về liên minh an ninh của các nước Arab

30/08/2022 09:44

Trong bối cảnh nhiều liên minh quân sự, an ninh đang được hình thành trên thế giới nhằm cùng nhau ứng phó với những thách thức nổi lên, các quốc gia Arab cũng nhận thấy cần có một liên minh quân sự và an ninh để duy trì sự ổn định của khu vực được mệnh danh là “chảo lửa xung đột”.

Theo ông Abdel-Moneim Al-Mashat, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Cairo (Ai Cập), việc thành lập một hiệp hội an ninh Arab có thể giúp nhận dạng các mối đe dọa đối với an ninh của khu vực Arab và đưa ra các chiến lược phòng thủ tập thể. Trong bài viết trên tuần báo Al-Ahram Weekly, ông cho rằng đã đến lúc người Arab tự lo cho an ninh của bản thân. Họ có các phương tiện cần thiết để làm như vậy.

Trong bài viết của mình, Giáo sư Al-Mashat đề cập tới tham vọng của Mỹ trong việc thúc đẩy một Trung Đông “mới” hoặc “mở rộng”, vốn nằm trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của các tổng thống Mỹ, từ cựu Tổng thống George W. Bush cho đến đương kim Tổng thống Joe Biden.

Ý tưởng về việc thành lập một liên minh phòng không ở khu vực Trung Đông chưa có gì rõ ràng. Trong ảnh: Phi đội máy bay chiến đấu của Saudi Arabia (ảnh minh họa). Ảnh: DW.com

Cụ thể là gần đây xuất hiện nhiều thông tin về việc Mỹ sẽ sớm hỗ trợ thành lập một liên minh phòng thủ an ninh mới trong khu vực-bao gồm cả Israel, Saudi Arabia và một số quốc gia vùng Vịnh, nhằm chống lại nguy cơ tấn công tên lửa và máy bay không người lái từ Iran. Tuy nhiên, trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden gần đây tới khu vực, vấn đề này chỉ nhận được sự thờ ơ của các nước.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Arab, các nước Arab muốn Mỹ có một sự rõ ràng hơn trong các chính sách nhằm gây dựng ảnh hưởng trở lại ở khu vực quan trọng này. Kết quả là không có cuộc thảo luận chính thức nào về một cấu trúc an ninh mới cho khu vực như kỳ vọng ban đầu được diễn ra. Trên thực tế, ý tưởng về một liên minh như vậy được đưa ra từ trước chuyến thăm của ông Joe Biden vào tháng 7, nhưng dường như đã bị gác lại, như những gì đã xảy ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Còn nhớ chủ đề “NATO Arab” đã được bàn luận sôi nổi trên truyền thông trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Thậm chí còn có thông tin rằng 6 quốc gia vùng Vịnh gồm Bahrain, Qatar, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Oman và Saudi Arabia cùng Ai Cập và Jordan, trong kế hoạch sẽ là một phần của khối “NATO Arab”.

Nhưng rốt cuộc một liên minh như vậy đã không hình thành và kể cả ý tưởng liên minh phòng thủ an ninh mới thời ông Biden dường như cũng chưa có gì cụ thể. Giới phân tích cho rằng, việc thành lập một khối tương tự NATO ở Trung Đông theo ý tưởng của Mỹ là không phù hợp với các lợi ích chiến lược của các quốc gia Arab. Khả năng các quốc gia Arab sẽ tuân theo đường lối của Mỹ bị hoài nghi vì những nước này đều hiểu điều đó đi ngược các lợi ích chiến lược của mình. Điều trước tiên họ cần phải xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt với các nước trong khu vực.

Việc này cũng không mấy khó hiểu. Bởi trên thực tế, sự thay đổi trật tự toàn cầu đang diễn ra theo hướng đa dạng hơn. Các liên minh, liên kết được hình thành không dựa theo một nguyên tắc nào, nên các nhà lãnh đạo ở các quốc gia Arab cũng đang cho thấy có sự đa dạng hơn trong quan điểm chính sách đối ngoại thay vì bám vào các đồng minh truyền thống. Họ nhận ra điều này mang lại sự linh hoạt để thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác mới.

Trong khi đó, Liên đoàn Arab (AL) đang đứng trước sức ép cần phải tái cấu trúc và cải tổ sứ mệnh của mình cũng như tìm ra những mục tiêu mới cho phù hợp với tình hình và cục diện thế giới ngày nay. Giáo sư Al-Mashat cho biết ông đã thúc giục sự cần thiết phải cải tổ liên đoàn để làm cho tổ chức này hoạt động tốt, đáp ứng các ý tưởng và nguyện vọng của giới trẻ Arab, từ đó củng cố AL như một sợi dây thống nhất.

Nhưng ông cũng dành sự ngưỡng mộ cho những nhà tư tưởng và chính trị gia đã xây dựng Hiệp ước hợp tác kinh tế và phòng thủ chung của liên minh các quốc gia Arab. Điều này tôn trọng nguyên tắc phòng thủ tập thể với điều khoản rằng các quốc gia thành viên “coi bất kỳ hành động vũ trang nào được thực hiện nhằm vào bất kỳ một hoặc nhiều nước hoặc lực lượng vũ trang của họ là nhằm chống lại họ” và yêu cầu họ hành động phối hợp để đẩy lùi hành vi xâm lược.

Điều quan trọng, hiệp ước cũng liên kết an ninh với hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, AL bị cho là đã thiếu nhiệt tình trong việc kích hoạt Hiệp ước hợp tác kinh tế và phòng thủ chung nói trên, cũng như trước những thay đổi hiện tại của khu vực và quốc tế.

Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng, sẽ hữu ích và cần thiết khi thúc đẩy việc tạo ra một khuôn khổ thể chế hiện đại để bảo vệ an ninh quốc gia của các nước Arab, mà việc hình thành một liên minh như Hiệp hội an ninh Arab (ASA) là cần thiết.

Giáo sư Al-Mashat cho biết, ASA sẽ là một hiệp ước quân sự được thiết kế để bảo vệ an ninh quốc gia của các nước Arab riêng lẻ và tập thể. Nó sẽ độc lập với AL, được chủ trì bởi các nguyên thủ quốc gia Arab và sẽ bao gồm các bộ trưởng quốc phòng Arab. Nếu việc thành lập ASA có thể tiến hành song song với quá trình hội nhập kinh tế Arab thì điều này cũng sẽ tốt hơn cho tất cả các nước Arab.

Bởi thế giới đang thay đổi nhanh chóng nên chẳng bao lâu nữa, có thể không còn chỗ cho các nền kinh tế nhỏ và các nền kinh tế yếu có thể không tồn tại được. Trong khi đó, tiềm năng kinh tế của khu vực Arab là vô hạn, không chỉ về năng lượng mà còn về nông nghiệp, công nghiệp chế tạo và du lịch.

Điều đáng chú ý là ý tưởng về một ASA của các nước Arab ngay từ đầu sẽ không bao gồm Israel, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, bởi đây là những quốc gia được cho là đã có các dự án bành trướng gây thiệt hại cho các nước Arab. Tất cả đều được cho là mối đe dọa an ninh quốc gia của các nước Arab. Trong đó phải kể tới việc Israel vẫn chiếm Bờ Tây, Jerusalem, Cao nguyên Golan và các trang trại Shebaa của Lebanon.

HẠNH NGUYÊN

Bài liên quan
  • Điện mừng Quốc khánh Cộng hòa Arab Syria
    Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 76 Quốc khánh Cộng hòa Arab Syria (17/4/1946-17/4/2022), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng đến Tổng thống Cộng hòa Arab Syria Bashar Al-Assad.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng về liên minh an ninh của các nước Arab
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO