Triển vọng dự án chế tạo tiêm kích thế hệ 6 của châu Âu

13/07/2021 17:02

Hai dự án phát triển và chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 tại châu Âu là FCAS và Tempest đang bước sang giai đoạn tiếp theo, với những thách thức và triển vọng mới.

Tại châu Âu, các quốc gia phát triển đang nghiên cứu và phát triển tích cực, để sớm chế tạo ra thế hệ máy bay chiến đấu của tương lai. Theo đó, các quốc gia châu Âu vừa mới thông báo về tiến độ phát triển trong chương trình hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất thế hệ thứ 6.

Hiện tại, công việc được thực hiện bởi 2 nhóm quốc gia. Nhóm đầu tiên đang phát triển máy bay chiến đấu theo dự án Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS), bao gồm Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Đây được xem là dự án lớn nhất trong lĩnh vực quốc phòng của châu Âu, ước tính trị giá hơn 100 tỷ euro. Nhóm còn lại thực hiện theo chương trình Tempest, gồm có Anh, Thụy Điển và Italia.

Dự án Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai có trị giá hơn 100 tỷ euro. Ảnh: airbus.com

Mới đây, Pháp, Đức và Tây Ban Nha đã đồng ý về các điều khoản thực hiện giai đoạn tiếp theo của dự án chế tạo máy bay chiến đấu mới. Chi phí của phần công việc này trong dự án FCAS ước tính vào khoảng 3,5 tỷ euro.

Liên quan đến dự án này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã đăng tải một số thông tin quan trọng liên quan đến dự án trên mạng xã hội. Trong đó bà Parly mô tả dự án là “một trong những công cụ quan trọng nhất… cho chủ quyền của châu Âu trong thế kỷ 21”. Theo đó, dự án sẽ cung cấp khả năng thay thế phù hợp cho các dòng máy bay chiến đấu được sử dụng hiện nay như Rafale của Pháp và Eurofighter của Đức.

Trong khi đó tại Anh, dự án máy bay chiến đấu Tempest đang được phân tích, đánh giá một cách toàn diện về những triển vọng, lợi ích đối với quốc gia này. Theo đó, việc thực hiện dự án đầy tham vọng nhằm phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu tương lai sẽ cho phép ngành công nghiệp Anh cung cấp 20.000 việc làm hàng năm, trong giai đoạn từ năm 2026 đến 2050.

Ngoài ra, chương trình sẽ đóng góp gần 32,7 tỷ USD cho nền kinh tế Anh và sẽ góp phần vào sự phát triển hơn nữa của ngành công nghiệp hàng không quân sự của nước này. Đồng thời, các nhà phát triển tin rằng, chiếc máy bay thế hệ thứ 6 này sẽ ưu việt hơn so với những chiếc máy bay hiện đại khác.

Như vậy, dự án chế tạo Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS) đã bước sang một giai đoạn mới. Pháp, Đức và Tây Ban Nha đã đồng ý phát triển một động cơ cho máy bay thế hệ mới này.

Ba quốc gia tham gia vào dự án đã thành lập một liên doanh FUMET, bao gồm công ty động cơ máy bay Safran của Pháp, hãng phát triển, sản xuất và bảo trì động cơ hàng không MTU Aero của Đức và nhà sản xuất tuabin khí và động cơ hàng không  ITP Aero của Tây Ban Nha. Liên doanh này sẽ tham gia vào việc thiết kế và phát triển động cơ dự án FCAS.

Chương trình máy bay chiến đấu Tempest do Anh khởi xướng trong bối cảnh nước này đã rời khỏi EU. Người Anh cảm thấy không an tâm về dự án FCAS, vốn do Paris chi phối.

Italia và Thụy Điển đã tham gia chương trình phát triển Tempest của Anh. Sự quan tâm của Italia là điều dễ hiểu, bởi vì tập đoàn Leonardo của nước này có quan hệ chặt chẽ với tập đoàn vũ khí BAE Systems của Anh. Trong khi Thụy Điển đang tìm cách nắm bắt công nghệ hiện đại ngoài thế hệ tiêm kích thứ năm hiện tại.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không loại trừ khả năng theo thời gian, cả Tempest và FCAS sẽ “về chung một nguyên mẫu”, khi Italia có thể đặt mục tiêu vào dự án FCAS, nếu chương trình Tempest thất bại.

Mô hình máy bay chiến đấu dự án Tempest tại triển lãm vũ khí DSEI 2019. Ảnh: raf.mod.uk

Tất cả các quốc gia thuộc hai nhóm này đều có tiềm lực xây dựng và thiết kế mạnh mẽ, đồng thời sở hữu công nghệ hiện đại trong nhiều lĩnh vực chế tạo và thiết kế hệ thống máy bay, cũng như hệ thống trang bị và vũ khí.

Theo kế hoạch, cả hai nhóm đều hướng đến việc hoàn thành thiết kế, chế tạo và thử nghiệm một nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ mới. Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu các nhà thiết kế và chính phủ của họ có thể thống nhất với nhau về toàn bộ các vấn đề và giải quyết những khó khăn nảy sinh trong quá trình phát triển công nghệ mới hay không.

Các chuyên gia đánh giá, dự án phát triển máy bay FCAS có thể bị đe dọa, khi có thông tin Pháp và Đức không thể tìm thấy tiếng nói chung về các công nghệ bí mật, chia sẻ chi phí và việc làm.

Ngoài ra, những bất đồng giữa hai bên Pháp và Đức (đặc biệt là giữa Dassault Aviation và chi nhánh Đức của tập đoàn Airbus) liên quan đến các vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Điều này có thể dẫn đến khả năng Đức phát triển máy bay thế hệ mới một cách độc lập.

Hai nước Pháp và Đức cũng đang tranh cãi về việc phân chia chi phí phát triển, sau khi Tây Ban Nha tham gia vào dự án. Hiện, cổ phần của công ty Pháp Dassault đã giảm từ 50% xuống 33%, trong khi Airbus có 66%.

Tuy vậy, những bất đồng này hiện đã được giải quyết. Pháp, Tây Ban Nha và Đức đã thống nhất về việc chuyển đổi phương án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới. Sau nhiều tháng đàm phán khó khăn, các bên đã đồng ý tài trợ cho giai đoạn tiếp theo của công việc. Chúng sẽ bao gồm Giai đoạn 1-b, chế tạo máy bay trình diễn công nghệ (một chiếc thay vì 2 như đã thảo luận trước đó), cũng như chế tạo một máy bay chiến đấu nguyên mẫu trong Giai đoạn 2, sẽ đưa lên bầu trời thử nghiệm vào năm 2027.

Nhìn chung, việc chế tạo 2 dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 ở châu Âu là khá thực tế và khả thi. Song, dự án thành công hay không còn tùy thuộc vào sự tuân thủ của những các bên tham gia và việc đảm bảo nguồn tài chính cho dự án.

MINH TUẤN (Theo zvezdaweekly.ru)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng dự án chế tạo tiêm kích thế hệ 6 của châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO