Chiến tranh kết thúc, Đảng, Chính phủ và Quân đội hai nước Việt Nam và Lào đã có nhiều cố gắng tìm kiếm, cất bốc và quy tập hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào về an táng tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phần mộ còn nằm đâu đó trên mảnh đất Lào. Và để bày tỏ lòng biết ơn, các thế hệ người Việt Nam và Lào đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, nhằm tri ân các Anh hùng, liệt sĩ hai nước đã ngã xuống cho nền độc lập hòa bình ngày hôm nay.
Bác Hà Văn Đức, Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào tỉnh Sơn La đang cầu nguyện cho vong linh đồng đội được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng. |
Giữa cái nắng của những ngày cuối tháng 7, trong không khí trầm mặc linh thiêng, đông đảo cựu chiến binh, kiều bào, người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Xiengkhouang cùng người dân địa phương lặng lẽ thắp nén hương và cầu nguyện cho các vong linh anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù chung vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng".
Là chiến sĩ đặc công được cử sang giúp nước bạn Lào vào năm 1968, bác Hà Văn Đức, Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào tỉnh Sơn La có dáng người nhỏ, gầy. Mặc dù ở tuổi 76, nhưng đôi mắt vẫn sáng, nước da bác vẫn hồng hào, khỏe mạnh, giọng nói sang sảng. Hai hàng huân huy chương Việt Lào lấp lánh trên ngực bác đã thể hiện sự cống hiến cho nền độc lập của hai dân tộc. Vẻ mặt Bác trầm tư khi kể về ký ức cùng những đồng đội chiến đấu.
“Có những trận chiến rất ác liệt, khi chiến đấu có hàng trăm người, nhưng khi lui ra chỉ còn chục người. Chúng tôi rất cảm phục những người đồng đội đã hy sinh, mà nhiều đồng đội hiện nay vẫn chưa tìm được xác. Tại Xiengkhuang, tôi cũng đã đi rất nhiều mỏm đồi mà trước đây chúng tôi đã chôn đồng đội nhưng tìm vẫn chưa thấy. Cho nên, việc tổ chức Lễ cầu siêu cho các vong linh của đồng đội, chúng tôi cảm thấy rất vui, phấn khởi và cảm động”- bác Hà Văn Đức nói.
Nhà sư Lào và Việt Nam tham gia Đại lễ cầu siêu. |
Tại chiến trường tỉnh Xiengkhouang, tỉnh Xaisomboun và tỉnh Vientiane, đã có hơn 15.000 cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do và nền hòa bình của hai dân tộc. Đến nay vẫn còn hàng nghìn cán bộ chiến sỹ Việt Nam nằm lại đâu đó trên đất nước Lào chưa được về với Đất mẹ.
Với nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, tỉnh Xiengkhouang đã cấp cho Cộng đồng người Việt Nam tại Xiengkhouang 10 ha đất có địa thế cao đẹp để xây dựng Khu Điện thờ các liệt sĩ Việt Nam và Lào, với mong muốn nơi đây sẽ là ngôi nhà chung của hương linh các anh hùng liệt sĩ. Hương linh các anh sẽ được sưởi ấm bằng tình cảm thân thương của đồng bào, đồng chí và thân nhân các liệt sĩ cũng sẽ cảm thấy phần nào được sưởi ấm. Ông Hà Văn Cảnh, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Xiengkhouang cho biết, không có đỉnh núi cao nào, không có thung lũng, sông suối và núi rừng nào trên đất Lào lại không có dấu chân của quân tình nguyện Việt Nam, máu của các anh đã chảy hoà chung với máu của quân và dân Lào, công lao to lớn của các anh, Tổ quốc và nhân dân ngàn đời ghi tạc.
“Còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đang nằm rải rác trên những nẻo đường của chiến trường, việc xây dựng Khu Điện thờ vong linh các anh hùng liệt sĩ sẽ là nơi để sưởi ấm vong linh các anh và cũng là nơi để giáo dục thanh thiếu niên Việt Nam và Lào khi đến đây họ sẽ biết được giá trị của hòa bình không phải là dễ dàng”.
Đông đảo kiều bào, người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Xiengkhouang cùng người dân địa phương cầu nguyện cho các vong linh anh hùng liệt sĩ. |
Sinh ra trong thời bình, thế hệ trẻ ngày nay không có ký ức về chiến tranh mà chỉ cảm nhận về sự hi sinh mất mát của thế hệ cha anh qua lăng kính của những chứng tích lịch sử, nhân chứng chiến tranh hay qua những thước phim, tranh ảnh. Phần lớn những liệt sĩ đã chết khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi. Họ là những anh bộ đội, thanh niên xung phong đã chia tay gia đình, người thân lên đường đến với chiến trường Lào nóng bỏng khi tuổi đời còn rất trẻ.
Chị Nattamon Phanthouvong, một người dân thị xã Phonesavan, tỉnh Xiengkhouang cho biết, trong những năm kháng chiến chống kẻ thù chung, bộ đội Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng bộ đội và nhân dân Lào đánh đuổi kẻ thù, giải phóng Xiengkhouang. Chị chia sẻ, rất xúc động khi tham dự lễ cầu siêu tưởng nhớ đến công lao của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã hy sinh tại Lào.
Chị Nattamon Phanthouvong nói: “Tôi cảm thấy rất xúc động và biết ơn đến các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh để giải phong đất nước cho chúng ta sống trong thời bình như hôm nay. Thế hệ trẻ như chúng tôi luôn biết ơn các anh hùng liệt sỹ”.
Tay cầm nén hương thơm, vẻ mặt nghiêm trang, anh Anousith, một thầy giáo ở tỉnh Xiengkhouang xúc động nói: “Cầu mong cho linh hồn các anh được siêu thoát. Sự hy sinh của các anh người dân Lào, cũng như các thế thày trò chúng tôi không bao giờ quên”.
Đảng, Chính phủ và Quân đội hai nước Việt Nam và Lào đã có nhiều cố gắng tìm kiếm, cất bốc và quy tập hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào về an táng tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phần mộ còn nằm đâu đó trên mảnh đất Lào. Trong ảnh: Lễ tiễn đưa hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại Lào về với đất mẹ tại tỉnh Oudomxay vào giưa tháng 6 vừa qua. |
Chiến tranh đã lùi về quá khứ gần nửa thế kỷ, nhưng tình cảm và lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam cũng như bộ đội Lào đã hy sinh vì nền độc lập của hai dân tộc Lào - Việt Nam vẫn luôn cháy bỏng trong lòng mỗi người chúng ta. Đại lễ cầu siêu không chỉ là hoạt động tri ân, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, mà còn giúp thế hệ trẻ hai nước Việt Nam và Lào hiểu biết hơn về giá trị của hoà bình, biết thêm về sự hy sinh của quân đội Việt Nam giúp cách mạng Lào, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hai nước hiểu được ý nghĩa của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.