Sự gắn bó từ hàng nghìn năm
Chỉ mới 15 năm trước đây, tộc người Raika - hay còn gọi là Rabari (nghĩa đen là "người ngoài") vẫn còn được nhìn thấy trên khắp vùng tây bắc Ấn Độ. Họ sống một cuộc sống bán du mục và thường xuất hiện ở rìa sa mạc Thar tại bang Rajasthan và Gujarat. Nếu có ai đó tình cờ bắt gặp vài ba người Raika đang chăn thả gia súc, hẳn là họ sẽ nghe thấy âm thanh trước cả khi thấy người.
Đầu tiên có lẽ là tiếng chuông đồng leng keng trên cổ đàn gia súc. Sau đó là tiếng viên đá rơi xuống bụi cỏ, hoặc là tiếng gọi đặc biệt, khàn khàn của một người Raika đang muốn cả đàn đi chậm lại. Cuối cùng, từ phía sau màn cỏ đã bạc màu vì mặt trời thiêu đốt, giữa đám bụi cát xoáy lên, hai hoặc ba chiếc khăn xếp đỏ thẫm xuất hiện, bao lấy những gương mặt dãi nắng dầm sương.
Trái: Thu thập thức ăn cho lạc đà/Phải: Người chăn cừu Raika dừng lại hút thuốc trước khi trải giường ngủ qua đêm (Ảnh: David Abram/Culture Trip)
Ba người Raika chăn một bầy dê (Ảnh: David Abram/Culture Trip)
Cừu, dê và những loài gia súc khác không phải loài động vật chính, hình ảnh tộc người Raika vốn luôn gắn liền với lạc đà. Cuộc sống bán du mục trên lưng lạc đà không chỉ là văn hoá, mà còn là di sản, là tín ngưỡng tôn giáo thiêng liêng của người Raika, họ đã chăn dắt và bảo vệ lạc đà ở Rajasthan suốt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm.
Truyền thuyết kể rằng, nữ thần Parvati đã tạo ra một con vật có năm chân và bảo chồng mình - thần Shiva tối cao - hãy thổi sự sống vào nó. Ban đầu, thần Shiva từ chối vì loài vật này có hình dáng quá kỳ lạ.
Nhưng rồi thần cũng nhượng bộ vợ mình, ngài ban cho nó sự sống và biến chiếc chân thứ năm thành một chiếc bướu trên lưng con vật. Và thế là lạc đà được sinh ra. Rồi nữ thần Parvati lại mong muốn có người nào đó chăm sóc cho con lạc đà. Nghe vậy, thần Shiva bèn lấy một mảnh da từ cánh tay mình và tạo ra Sarma - người Raika đầu tiên, từ đó, có bộ tộc Raika. Theo thần thoại ấy, người Raika được sinh ra vì lạc đà, điều này tạo nên một mối liên kết lạ thường giữa cả hai bên.
Một cậu bé du mục Raika (Ảnh: Vardan Sharma/Unsplash)
Một người Raika lớn tuổi (Ảnh: Vardan Sharma/Unsplash)
Văn hoá du mục trên lưng lạc đà của người Raika đã từng được tôn vinh và quảng bá mạnh mẽ qua những hình thức như hội chợ hàng năm và dịch vụ homestay. Hội chợ Pushkar, còn được gọi là Hội chợ Lạc đà Pushkar là một trong những hội chợ văn hóa và chăn nuôi lâu đời nhất ở Ấn Độ. Chỉ riêng hội chợ này đã thu hút khoảng 20% số khách du lịch đến Pushkar trong suốt cả năm.
Một lễ rước lạc đà tại Hội chợ Pushkar (Ảnh: aapnorajasthan)
Các hoạt động trong lễ hội lạc đà nhiều màu sắc (Ảnh: Internet)
Người Raika cũng tham gia làm du lịch qua hình thức homestay, tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm cuộc sống độc lạ của tộc người bán du mục chăn lạc đà điển hình trên sa mạc Thar.
Hiện nay, vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng những điều luật khắt khe của Ấn Độ, Hội chợ Pushkar đã phải ngưng tổ chức, nhưng các homestay và dịch vụ du lịch lạc đà vẫn được người Raika duy trì.
Một đoàn lạc đà của người Raika trên sa mạc (Ảnh: Culture Trip)
Lạc đà có mặt trong hầu hết các hoạt động truyền thống của người Raika, ví dụ như trong Toran (lễ rước khi chú rể tới đón cô dâu) và trong Nikasi (khi cô dâu chú rể rời đi sau hôn lễ). Lạc đà được coi là của hồi môn cao quý, những ai càng sở hữu số lượng lạc đà lớn thì càng có danh tiếng và uy tín cao trong bộ tộc.
Người Raika uống sữa lạc đà với niềm tin rằng đó là cách mà thần linh ban cho họ trí tuệ, sức mạnh và bản lĩnh. Đối với người Raika, lạc đà là hiện thân của điềm lành, có thể dự báo thời tiết khi mưa sắp xuống, và một con lạc đà thuần hoá sẽ luôn biết đường về nhà. Có những lúc, khi một đoàn người Raika di chuyển qua sa mạc bỏng rẫy, họ chỉ chợp mắt trên lưng lạc đà và để chúng tự dẫn đường về.
Trong hành trình di chuyển của người Raika, thường là những người phụ nữ sẽ đi đầu, cưỡi lắc lư trên những con lạc đà to lớn - với nào là giường dệt charpoi, nào là nôi trẻ em, nào nồi nào chảo được buộc trên thân lạc đà đang đung đưa theo nhịp; những em bé sơ sinh say sưa bú sữa trong lòng mẹ, và những người chồng thì lững thững đi bộ theo sau với đàn cừu và dê.
Những cảnh tượng như vậy giờ đã dần trở thành một điều hiếm gặp, hiếm đến nỗi người những người Ấn từ thành phố đi ngang có tình cờ trông thấy thì cũng ngạc nhiên dừng xe và lấy điện thoại chụp hình, ghi lại khoảnh khắc Ấn Độ cũ - mới giao nhau.
Giờ đây, để thấy một đàn lạc đà xuất hiện ở Ấn Độ không phải chuyện dễ dàng.
Lạc đà dần biến mất
"Lạc đà cũng là một phần của gia đình" - Bhanwarlal, 35 tuổi, một thành viên của tộc người Raika, chia sẻ, "Những đứa trẻ gắn bó với lạc đà ngay từ khi còn nhỏ. Chúng sống và chết cùng chúng tôi".
Khi mùa khô đến, Bhanwarlal và những người bạn đồng hành lại sẵn sàng di chuyển. Cùng những bầy cừu, dê và lạc đà cổ đeo chuông leng keng và đính những quả bông nhiều màu sắc, họ băng qua hàng nghìn dặm vùng sa mạc Thar rợp bóng cây keo đến những bãi cỏ mùa hè. Cũng như những người đàn ông Raika khác, Bhanwarlal đội trên đầu chiếc khăn xếp đỏ thẫm và khoác lên mình tấm áo chẽn trắng, tiếp tục cuộc sống du mục như tổ tiên anh từng sống suốt nhiều thế kỷ.
Giờ đây, hành trình thiêng liêng ấy đang đứng trước nguy cơ mai một bởi hàng loạt các mối đe doạ, nghiêm trọng nhất là sự suy giảm số lượng lạc đà. Từ năm 1993, lạc đà ở Ấn Độ (tất cả đều là đời sau của lạc đà một bướu hoặc lạc đà Ả Rập) đã có chiều hướng ít dần đi. Theo số liệu điều tra chăn nuôi lần thứ 20, từ năm 2012 đến năm 2019, tổng số lượng lạc đà ở đất nước này giảm đến 37%.
Ước tính hiện nay chỉ còn khoảng chưa đến 200.000 con lạc đà còn lại trong số chín giống lạc đà tất cả, 80% số đó đang sống tại Rajasthan để lai tạo, làm phương tiện vận chuyển, cung cấp len, sữa và cày ruộng. Tình trạng này tiếp tục xảy ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Một đàn lạc đà từng có đến cả trăm con giờ chỉ còn vài ba con đến chục con. (Ảnh: Internet)
Lý giải đầu tiên là do sự biến mất của các khu vực chăn thả vì đóng cửa rừng (chẳng hạn như Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Kumbhalgarh), thâm canh nông nghiệp (đào giếng ống), các công trình thủy lợi (kênh đào Indira Gandhi), xây dựng đường sá, mở rộng đô thị cùng với việc lắp đặt các trang trại năng lượng mặt trời và năng lượng gió, khiến không gian cho lạc đà ăn cỏ ngày càng thu nhỏ lại. Thức ăn ít đi dẫn đến lạc đà dễ mắc bệnh và ảnh hưởng đến chu trình sinh sản.
Bên cạnh đó là do sự lây lan của các loại bệnh, đặc biệt là bệnh do các kí sinh trùng gây nên. Tỷ lệ lạc đà nhiễm bệnh vì bọ ve và các loại bệnh không xác định khác ngày càng tăng. Dịch vụ thú y chỉ có sẵn trong bệnh viện hoặc trong các trang trại lớn, nhưng lạc đà bị bệnh quanh năm, và không thể lúc nào cũng đưa chúng đến bệnh viện được.
(Ảnh: Sandip Karangiya/Unsplash)
Số lượng lạc đà suy giảm mạnh còn vì việc không có người mua lạc đà đực nữa. Nhiều người Raika thậm chí đã phải bán cả lạc đà cái tại Hội chợ Pushkar và Tilwara. Trước năm 2000, họ chưa bao giờ làm điều này, vốn dĩ chỉ có lạc đà đực là có thể buôn bán. Việc đem bán những con lạc đà cái là dấu hiệu cam chịu cuối cùng của người Raika, vì điều này đồng nghĩa với việc cả đàn sẽ không thể tiếp tục sinh sản.
Tệ hơn, dưới tác động của Covid-19, các chợ truyền thống bắt đầu đóng cửa. Những lễ hội lạc đà ngập tràn âm nhạc và điệu múa dân gian, đầy ắp các gian hàng thực phẩm và đồ thủ công, những lễ hội mà ở đó người ta có thể mua bán và trao đổi lạc đà một cách nhanh chóng, gần như đã hoàn toàn biến mất.
Phản ứng với tình trạng nhu cầu mua lạc đà cái tăng cao, tộc người Raika đã yêu cầu Chính phủ cấm giết mổ lạc đà cái để bảo tồn giống nòi. Nhưng thay vào đó, năm 2015, chính quyền bang Rajasthan thông qua bộ Luật lạc đà, ra lệnh cấm toàn diện đối với việc giết mổ cả lạc đà đực và cái, và thế là triệt tiêu nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.
"Luật này đã gây nên khá nhiều tranh cãi" - Ilse Köhler-Rollefson, một bác sĩ thú y người Đức chia sẻ, "Hạn chế buôn bán động vật thuần hoá là điều không thực tế vì nó liên quan chặt chẽ đến lợi nhuận. Người Raika phải bán lạc đà đực để kiếm sống".
Đứng trước khó khăn này, một gia đình người Raika - anh Bhanwarlal sống ở làng Malari đã quyết định cho con đi học ở thành phố, khuyến khích chúng tự kiếm sống bằng những cách khách ngoài việc chăn nuôi lạc đà.
Một góc lễ hội lạc đà (Ảnh: Sabirmallick/Getty Images)
Lý giải sau cùng, lạc đà dần biến mất cũng vì thiếu hụt hệ thống chế biến và tiếp thị sữa. Sữa lạc đà rất quý giá, vốn được coi như "vàng trắng sa mạc", nó không chỉ thơm ngon mà còn chứa nhiều vitamin và rất ít chất béo, do lạc đà ăn cả cỏ dại cùng các loại cây dược liệu.
Nhưng hiện tại chỉ có sữa lạc đà tại vùng Kumbhalgarh được chấp nhận với một mức giá phù hợp. Cho đến nay, Liên đoàn Sữa bang Rajasthan vẫn chưa chính thức chấp nhận việc kinh doanh sữa lạc đà, và vì đây là loại thực phẩm được thanh toán dựa trên khoảng cách tiêu thụ nên giá rất thấp.
(Ảnh: Hanwant Singh)
Một điều trớ trêu là, cả những người chăn nuôi lạc đà theo đạo Hindu và đạo Hồi ở Ấn Độ đều nhấn mạnh rằng họ coi lạc đà như con đẻ nên chưa bao giờ giết thịt chúng, và tất nhiên, họ cũng không bao giờ muốn bán sữa lạc đà. Họ tin rằng sữa nên được cho đi miễn phí, vì đó là món quà của thần linh.
Người Raika có một câu tục ngữ phổ biến là “Dudh bechna, beta bechna”, có nghĩa “Bán sữa cũng giống như bán chính con mình”. Sản phẩm duy nhất mà tín ngưỡng truyền thống cho phép tộc người Raika bán là những con lạc đà đực non (được mua làm sức kéo). Điều này họ cũng chỉ thực hiện mỗi năm một lần tại các chợ lạc đà. Trước đây, cho dù là sữa, lông hay lạc đà cái họ cũng không bán.
Thế nhưng, trước tình thế hiện nay, khi khó khăn kinh tế đè nặng lên vai và đứng trước nguy cơ nền văn hóa hàng nghìn năm đang mai một, người Raika vẫn bắt buộc phải bán sữa lạc đà để có nguồn sống.
"Chúng tôi vẫn đang chống đỡ nhờ một việc duy nhất là bán sữa lạc đà" - anh Bhanwarlal nói, "Trừ khi Chính phủ cho chúng tôi một vài ưu đãi, chẳng hạn như thành lập các nhà máy sữa và cho phép buôn bán lạc đà đực trở lại, nếu không thì chúng tôi tiêu đời".
Người Raika coi việc ăn thịt lạc đà là vi phạm niềm tin tôn giáo của họ. (Ảnh: Internet)
Ảnh: Pari
Số lượng lạc đà dần mất đi còn vì một vài nguyên do khác, ví dụ như sự phát triển nhanh chóng của miền Tây Ấn Độ trong những năm gần đây đã khiến lạc đà - "những con tàu của sa mạc" - dần bị thay thế, đặc biệt khi chúng không còn là lựa chọn hàng đầu để vận chuyển người và hàng hoá nữa.
“Chúng tôi đang cố gắng thu hút sự chú ý của các đại diện chính trị để ngăn chặn khỏi việc bị cô lập. Tộc người Raika sẽ không còn tồn tại nữa nếu các cộng đồng khác cứ 'tẩy chay' chúng tôi, còn lạc đà thì biến mất. Và trong 5 năm nữa, có thể sẽ không còn lạc đà ở Rajasthan” - Jogaramji Raika, nhà lãnh đạo của một cộng đồng người Raika, chia sẻ, “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giữ lấy truyền thống này”.
Lạc đà con uống sữa mẹ trong lúc một người Raika đang vắt sữa (Ảnh: David Abram/Culture Trip)
Trong Nghị định thư về Cộng đồng Văn hóa Sinh học gửi cho chính quyền bang Rajasthan, tộc người Raika đã nêu lên 6 yêu cầu và cách thức để cứu lấy lạc đà Ấn Độ, cũng như nền văn hoá, tín ngưỡng của mình. Các nhà chức trách đã đưa ra lời hứa sẽ xem xét và đáp ứng một vài yêu cầu trong số đó.
Bác sĩ Ilse, một trong số những người đã dành hàng chục năm để nghiên cứu về văn hoá du mục Ấn Độ, đồng sáng lập nên tổ chức phi lợi nhuận Lokhit Pashu-Palak Sansthan vào năm 1996 nhằm bảo vệ tộc Raika và kế sinh nhai của họ. Nhiều tổ chức, cá nhân và đoàn thể trên thế giới đã bắt đầu chú ý đến tộc người có nền văn hoá tuyệt đẹp này. Những quỹ quyên góp, tài trợ và các dịch vụ trải nghiệm cuộc sống du mục được hỗ trợ xây dựng, với nỗ lực bảo tồn sợi dây nối kết thiêng liêng và mạnh mẽ giữa lạc đà với người Raika.
Hanwant Singh Rathore (người thứ hai từ phải sang), một người buôn bán lạc đà truyền thống chụp ảnh cùng đội ngũ của mình tại trại bảo tồn lạc đà Camel Charisma. (Ảnh: Marwar India)
"Đây là việc mà tổ tiên chúng tôi đã làm suốt hàng trăm nghìn năm, hy vọng rằng chúng tôi có thể tiếp tục gìn giữ nó" - Bhanwarlal nói, "Đó là một thiên chức thiêng liêng và không được phép lụi tàn".