Vải, dưa hấu, mít lên sàn
Huyện Thanh Hà, Hải Dương có hơn 3.300 ha vải được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, đạt sản lượng hơn 40.000 tấn được tiêu thụ tại nhiều thị trường qua các kênh khác nhau.
Để đông đảo người dân trên địa bàn huyện Thanh Hà thành thạo đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart, các nhân viên Bưu điện tỉnh Hải Dương đã đến từng hộ gia đình để tư vấn, hướng dẫn nông dân cách đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, từng bước tự vận hành gian hàng của mình hiệu quả. Qua đó, tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm đặc sản của địa phương.
Báo cáo nhanh của Bưu điện tỉnh Hải Dương, ngay ngày đầu tiên giới thiệu vải thiều Thanh Hà trên sàn Postmart đã tiêu thụ được 200kg. Toàn bộ vải đều có nguồn gốc truy xuất rõ ràng, được Bưu điện tỉnh huyện Thanh Hà thu gom từ nhà cung cấp để chuyển đến tận tay người tiêu dùng sớm nhất, đảm bảo chất lượng sản phẩm tươi ngon như mới thu hoạch.
Hơn 200kg vải đã được bán trên sàn Bưu điện (Ảnh:BĐ) |
Vải thiều của Hải Dương là một trong ba sản phẩm có tính mùa vụ đầu tiên của người nông dân được đưa lên sàn thương mại điện tử. Trước mắt, Vietnam Post lựa chọn 3 nông sản có tính mùa vụ đầu tiên của nông dân tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để đưa lên sàn Postmart là vải thiều của Hải Dương, dưa hấu của Quảng Bình và mít Thái của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với vải Thanh Hà, Bưu điện Hải Dương đã làm việc với các nhà cung cấp đặc sản khác trên địa bàn và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn. Mặc dù mới tiếp cận phương thức bán hàng mới, nhưng một số chủ cơ sở rất hào hứng đưa các sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử.
Tương tự, tại Bắc Giang, nhằm kịp thời hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại đây, Bưu điện sẽ làm việc trực tiếp với các sở, ban, ngành, các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh địa phương để lựa chọn các sản phẩm uy tín, đạt chất lượng và đưa lên sàn Postmart.
Theo kế hoạch, Bưu điện Việt Nam sẽ phối hợp với các Sở Công Thương, Sở NN-PTNT rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sản phẩm đạt chất lượng, nguồn gốc truy xuất, đảm bảo các quy trình về khử khuẩn.
Bằng hệ sinh thái khép kín từ khâu tiếp cận, bày bán nông sản trên sàn đến khâu đóng gói, chuyển phát và thanh toán, Postmart sẽ cung cấp cho bà con nông dân một cách thức bán hàng mới, hiệu quả để đặc sản nơi đây có thể tiếp cận đông đảo người tiêu dùng trên toàn quốc.
Nông dân tiếp cận phương thức mới
Do đặc thù của hàng nông sản mùa vụ thường là hàng tươi sống, thời gian thu hoạch và sử dụng không dài nên nếu người dân tạo thói quen ứng dụng công nghệ vào để bán và vận chuyển sẽ giúp cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, đảm bảo độ tươi, ngon, sạch.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc tiêu thụ nông sản thông qua một phương thức mới không chỉ tạo thói quen bán hàng qua sàn TMĐT cho người dân, mà còn là chìa khóa quan trọng để nâng tầm giá trị và sản phẩm. Ngoài ra, thông tin về sản phẩm cũng minh bạch hơn từ người bán đến người mua, qua đó góp phần làm giảm bớt sự lũng đoạn ở khâu trung gian.
Nông dân được hướng dẫn đưa nông sản lên sàn (Ảnh:BĐ) |
Theo ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, việc đưa nông sản nói chung và vải thiều nói riêng lên sàn thương mại điện tử sẽ tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm đặc sản của các địa phương, đồng thời góp phần kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hậu cần kho bãi, đảm bảo yêu cầu kinh doanh thương mại điện tử nhằm khai thác tối đa tiềm năng và nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp Hải Dương.
Chị Phạm Thị Huyền Trang, Phó Giám đốc Công ty Rau củ quả an toàn Thanh Hà (Hải Dương), cho hay: “Trong thời buổi 4.0, để sản phẩm nông sản tiếp cận sàn TMĐT là một phương thức rất tốt. Tôi hy vọng đây là một kênh tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu, không chỉ tiêu thụ nông sản cho Hải Dương mà còn cho các tỉnh thành khác trên toàn quốc”.
“Sàn Postmart là công cụ hữu hiệu để kết nối các nhà sản xuất với người tiêu dùng. Với nền tảng này, người dân có thêm một cách bán hàng mới, có tính ổn định cao hơn, đồng thời nâng cao uy tín, thương hiệu cho các sản phẩm của mình”, bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Hải Dương chia sẻ thêm.
Nội lợi thế sân nhà, ngoại mạnh tiền quảng bá
Lợi thế của các đơn vị trong nước là mạng lưới rộng khắp có mặt tại các vùng nông sản địa phương, hỗ trợ người nông dân trực tiếp. Nhưng các sàn này lại chưa thực sự đầu tư nhiều cho các chiến dịch truyền thông quảng bá nông sản tới người tiêu dùng bởi họ không chuyên một mảng về thương mại điện tử và nguồn tài chính. Chính vì điều này mà số lượng hàng hoá bán được trên các sàn nội địa còn khá khiêm tốn.
Trong khi các sàn thương mại điện tử của các đại gia ngoại có sức mạnh tài chính, công nghệ và nhân lực chuyên nghiệp đã mạnh tay khi đưa ra các chương trình khuyến mãi giảm giá sản phẩm và giao hàng miễn phí. Chính vì điều này đã đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng trong bối cảnh thắt chặt dịch bệnh và tiết kiệm chi phí. Đặc biêt, các sàn lớn có đầu tư nước ngoài có thế mạnh và chuyên nghiệp trong công tác quảng bá chung cho thương hiệu của sàn và từng mặt hàng cụ thể... nên thu hút được người dân quan tâm lớn, khách hàng tiếp cận dễ dàng.
Bên cạnh đó, với mặt hàng nông sản tươi như vải, ổi hay mít cần thời gian vận chuyển ngắn và tới tay người tiêu dùng khi còn tươi ngon nhưng các sàn trong nước vẫn chưa thực sự đáp ứng được. Phần lớn các sản phẩm nông sản bán trên sàn đều là đồ khô, có thời gian bảo quản lâu. Với các mặt hàng nông sản tươi chỉ mới đang ở giai đoạn bán hàng thí điểm tại một số địa phương.
Qua chiến dịch bán hàng nông sản tươi ở Hải Dương đầu năm nay, các sàn trong nước đã có được những kinh nghiệm triển khai. Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ của cơ quan chức năng cũng như ban ngành địa phương tiếp thêm sức mạnh cho các sàn trong nước tiếp tục triển khai các hoạt động tiêu thụ nông sản hiệu quả và bền vững.
Khi các sàn trong nước đủ mạnh, họ sẽ là bệ đỡ cho bà con nông dân giải bài toán đầu ra cho nông sản một cách chủ động, mang lại hài hoà lợi ích giữa các bên. Bên cạnh đẩy nhanh tiêu thụ nông sản, bưu điện trở thành cầu nối, kết nối người nông dân với các nhà cung cấp phân bón, các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh, giúp hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn và các điều kiện phục vụ sản xuất quy mô lớn, tạo đà cho phát triển kinh tế nông thôn. Và làm được điều này. các sàn TMĐT trong nước sẽ biến nông dân, nông thôn, nông sản... thành cứ địa khai thác của mình. Biến lợi thế sân nhà thành lợi thế cạnh tranh.