Tại họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM chiều 21.4, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết tính đến hết ngày 20.4, tổng số trẻ được tiêm vaccine COVID-19 là 93.062 trẻ. Tổng số trẻ hoãn tiêm 1.798 trẻ. Ngoài ra, 458 trẻ được chỉ định chuyển đến bệnh viên tiêm.
Các trường hợp phản ứng sau tiêm đều được phát hiện sớm, xử trí kịp thời và sức khoẻ ổn định. Công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra an toàn, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bà Như cũng thông tin, đối với học sinh chưa có mã định danh nếu phụ huynh mong muốn tiêm cho con mình thì ngành Y tế sẽ hỗ trợ các cháu được tiêm. Trong quá trình tiêm, các đơn vị tiêm chủng sẽ ghi nhận lại thông tin của học sinh và sau này sẽ tiến hành các bước định danh sau.
Trả lời thắc mắc về việc nhiều trẻ đi tiêm xong bị sốt cao, đau rát chỗ tiêm nhưng phụ huynh khó liên lạc với số điện thoại được cung cấp, bà Như cho biết, ngoài các số điện thoại của trạm y tế và nhân viên y tế tại điểm tiêm chủng cung cấp cho phụ huynh, khi cần thiết phụ huynh có thể liên hệ kênh thông tin hỗ trợ tư vấn 1022 nhánh 3.
Kênh này có sự tham gia của các đội ngũ giáo sư, phó giáo sư giàu kinh nghiệm đầu ngành thuộc về Hội y học TPHCM cũng như trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, chuyên gia về dịch tễ học của các bệnh viện thành phố.
“Qua kênh 1022 nhánh 3, phụ huynh có thể tiếp cận một cách nhanh chóng dễ dàng nhận được những thông tin hữu ích, chính thống và khoa học. Thời gian tư vấn tất cả các ngày trong tuần theo khung giờ cố định. Buổi sáng từ 8 đến 12 giờ, buổi chiều từ 14 đến 16 giơ, buổi tối là 19 đến 21 giờ”, bà Như thông tin.
Trả lời câu hỏi về việc COVID-19 đã phải là bệnh đặc hữu hay chưa, bà Như cho rằng, số ca mắc mới và số ca nặng tại TPHCM đã giảm sâu, nhiều ngày gần đây không ghi nhận các ca tử vong.
"Điều này cho thấy hiệu quả công tác tiêm chủng phòng COVID-19 đã tạo được miễn dịch trong cộng đồng và thấy được hiệu quả của chiến dịch nhóm người có nguy cơ.
Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng về khả năng dịch có thể bùng phát do những biến chủng mới xuất hiện trong thời gian tới. Về việc xác định bệnh đặc hữu cần được xác định dưới phạm vi trong quốc gia", bà Như nói.