Bé trai M.H (20 ngày tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) nhập viện trong tình trạng chảy mủ khu vực quanh rốn, sốt cao, quấy khóc và bỏ bú. Mẹ bé cho biết, sau khi bé rụng rốn, xuất hiện một khối u hạt ở dưới chân rốn. Chờ một tuần, khối u không tự hết mà còn rỉ dịch vàng, gây kích ứng vùng da xung quanh, gia đình mới đưa bé đến bệnh viện.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng - Khoa Ngoại tim mạch – Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM chia sẻ: “Bé H.mắc một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, đó là u hạt rốn và khối u đang có dấu hiệu nhiễm trùng. Tuy u hạt rốn là bệnh lành tính, không gây đau hay khó chịu cho trẻ nhưng khi đã có dấu hiệu viêm nhiễm sẽ khiến trẻ bị sốt, quấy khóc do sưng đau vùng rốn. Nếu không điều trị sớm, tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan nhanh chóng”.
Cháu bé được hướng dẫn chăm sóc tại chỗ vùng rốn, rửa sạch sẽ mỗi ngày và chấm thuốc bạc cho khối u hạt nhỏ dần. Vì khối u khá to nên cháu được thăm khám và chấm thuốc trong 1 tuần.
Sau thời gian này, khối u hạt hoàn toàn biến mất. Rốn khô sạch và cháu hoàn toàn khỏe mạnh. “Với những trường hợp khối u hạt to, chiếm gần hết diện tích rốn chân cuống u hạt rộng, bác sĩ cần can thiệp đốt điện hoặc cột chỉ khối u hạt cho rụng kèm kết hợp chấm thuốc bạc”, bác sĩ Trọng cho biết.
U hạt rốn thường xảy ra ở những trẻ chậm rụng rốn, vì đây là điều kiện thuận lợi để u hạt phát triển. Sau khi cắt dây rốn, một phần nhỏ cuống rốn vẫn còn trên bụng của bé. Thông thường, cuống rốn sẽ tự rụng và lành lại mà không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên trong một số trường hợp, u hạt ở rốn sẽ hình thành ở chỗ cuống rốn bị rụng.
Có khoảng 1/500 trẻ sơ sinh bị u hạt rốn. Nếu không được cắt bỏ sớm, những u này sẽ tiếp tục phát triển và dễ dàng bị nhiễm trùng. Một số thương tổn của ống rốn niệu còn có thể phát triển thành ác tính.
Phương pháp điều trị thường được chỉ định cho các trường hợp trên là phẫu thuật. “Trẻ sơ sinh bị u hạt rốn sẽ được mổ để loại bỏ khối u cũng như ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng.
Sau ca phẫu thuật điều trị các bệnh lý về rốn, bố mẹ cần giữ vệ sinh vùng rốn của trẻ để tránh nhiễm trùng. Có thể nhẹ nhàng lau khu vực này bằng xà phòng và nước ấm, không tự ý bôi các loại dung dịch không được bác sĩ kê đơn lên rốn trẻ. Đồng thời, tránh cho trẻ mặc quần áo bó sát vùng rốn kẻo khiến vết mổ lâu lành hơn. Nếu rốn xuất hiện những dấu hiệu sau, cần đưa trẻ đi khám ngay: rốn rỉ dịch hôi, có mủ, chảy máu, da quanh rốn đỏ, sung, sau rụng rốn rỉ dịch kéo dài hoặc chậm rụng rốn.