Vậy lý do của vấn đề này là gì và làm cách nào để khắc phục trong quá trình nuôi dạy con? Mời độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khó ngủ
Theo các bác sĩ nhi khoa, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ khó ngủ, ngủ chập chờn, không sâu giấc. Trong số đó phổ biến nhất là những nguyên nhân sau:
- Môi trường phòng ngủ không phù hợp:
Sau khi chào đời, bé phải tập thích nghi với môi trường hoàn toàn mới và khác xa so với trong bụng mẹ. Phòng ngủ quá nóng hoặc quá lạnh so với thân nhiệt trẻ, phòng ngủ nhiều ánh sáng, bỉm ướt, quần áo mặc không thoải mái hay không gian quá ồn ào…đều có thể là nguyên nhân khiến trẻ khó ngủ và ngủ không sâu.
- Trẻ đói: Trẻ bú ít, không đủ lượng sữa cần thiết nên nhanh đói. Do đó, trẻ thường ngủ không sâu giấc và hay thức dậy để bú mẹ.
- Hệ thần kinh của trẻ bị kích động:
Những âm thanh bên ngoài như tiếng ồn, tiếng nói to của người lớn, những lần bị người lạ vồ vập đòi bế ẵm… rất có thể khiến trẻ bị sợ hãi, căng thẳng tinh thần, khiến trẻ bị giật mình, khó ngủ.
- Rối loạn tiêu hóa: Trẻ sơ sinh hệ tiêu hóa chưa ổn định. Trẻ thường bị đầy hơi, nôn trớ khiến trẻ khó chịu, ngủ ít và hay quấy khóc.
- Trẻ thèm ‘hơi mẹ”: Trẻ muốn có cảm giác an toàn, được ôm ấp, bảo vệ trong vòng tay mẹ. Do đó, nếu không được bế ẵm hoặc không được nằm nôi thì trẻ sẽ khó đi vào giấc ngủ và quấy khóc.
- Thiếu vi chất:
Trẻ có thể mắc bệnh còi xương do thiếu các chất dinh dưỡng như: kẽm, magie, sắt,... Đồng thời, cơ thể luôn mệt mỏi sẽ khiến trẻ ngủ ko sâu giấc, hay ngủ gà vào ban ngày. Do đó, trẻ hay tỉnh giấc và khó ngủ vào ban đêm.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp:
Sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn yếu, không thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Do đó, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và có thể mắc một số bệnh lý như: viêm mũi, viêm phổi, viêm phế quản,… Khi mắc phải một trong những bệnh lý này, trẻ có biểu hiện thở khò khè, khó thở, hay thở bằng miệng,… Tình trạng này kéo dài sẽ làm trẻ sơ sinh khó ngủ và quấy khóc mẹ.
2. Một giấc ngủ của trẻ sơ sinh gồm các giai đoạn nào?
Giấc ngủ của trẻ nhỏ cũng chia làm nhiều giai đoạn như người lớn, tùy từng giai đoạn mà trẻ có thể nằm yên hay có những cử động. Có 2 loại giấc ngủ là: Giấc ngủ nhanh và giấc ngủ chậm. Trong đó:
- Giấc ngủ nhanh (REM- rapid eye movement: cử động mắt nhanh) là giấc ngủ nông, trẻ sẽ nằm mơ và mắt cử động nhanh theo chiều trước sau. Giấc ngủ REM chiếm đến khoảng một nửa thời gian ngủ của trẻ trong ngày nên mặc dù ngủ tới 16 giờ một ngày nhưng bé chỉ ngủ sâu trong khoảng 8 giờ.
- Giấc ngủ chậm (Non-REM- Non-rapid eye movement: không cử động mắt nhanh). Giấc ngủ này gồm 4 giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1: Buồn ngủ - mí mắt sụp xuống hay có thể chớp liên tục, ngủ gà ngủ gật
- Giai đoạn 2: Ngủ lơ mơ- Trẻ vẫn có cử động, giật mình, vặn mình hoặc rên
- Giai đoạn 3: Ngủ sâu - trẻ im lặng và không cử động
- Giai đoạn 4: Ngủ rất sâu - trẻ im lặng và không cử động.
Giấc ngủ của trẻ sẽ diễn tiến tuần tự theo 4 giai đoạn rồi quay lại giai đoạn 2 và chuyển sang ngủ REM. Một giấc ngủ của trẻ có thể có vai chu kỳ ngủ trên. Trong vài tháng đầu trẻ sơ sinh ngủ hay bị giật mình khi chuyển từ ngủ sâu sang ngủ lơ mơ và khó ngủ trở lại.
3. Cách giúp bé ngủ ngon giấc
# Chuẩn bị giấc ngủ cho trẻ:
Trẻ sơ sinh còn rất non nớt chưa tự nhận thức được nhiều điều, vậy nên để bé ngủ ngon, ba mẹ cần chủ động chuẩn bị thật tốt cho giấc ngủ của con. Cụ thể, mẹ hãy tạo môi trường phòng ngủ an toàn, yên tĩnh và dễ chịu giúp bé ngon giấc; Chuẩn bị đệm, gối phù hợp tránh tổn thương bé; Chuẩn bị những “người bạn” giúp bé đi vào giấc ngủ dễ dàng…
Bé sơ sinh chưa biết gì nhiều và các bé vẫn còn trong giai đoạn thích nghi và tìm hiểu thế giới “lạ lùng” ngoài bụng mẹ. Vì thế, các món đồ chơi có thể giúp bé rất nhiều trong giai đoạn này. Chúng vừa có thể giúp bé vui chơi, thoải mái, lại vừa có thể làm “người bạn” giúp dỗ dành bé đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn
# Tập cho trẻ cách phân biệt ngày đêm:
Việc bé ngủ nhiều vào ban ngày cũng là một nguyên nhân lớn khiến bé khó ngủ, ngủ không ngon giấc vào ban đêm khiến bố mẹ đau đầu. Thế nhưng ở giai đoạn đầu đời, bé chưa có nhận thức về giờ giấc nên không thể tự phân biệt được ban ngày và ban đêm, lúc này mẹ cần tập cho bé cách phân biệt ngày đêm bằng cách:
Điều chỉnh ánh sáng trong phòng: Ban ngày nếu trong nhà không đủ ánh sáng, mẹ bật nhiều đèn điện sáng lên. Đến ban đêm mẹ để phòng bé tối nhất có thể hoặc để một chút ánh sáng vàng để thuận tiện chăm sóc bé.
Cho bé vui chơi nhiều hơn vào ban ngày: Ban ngày mẹ dành thời gian tạo vui chơi và nói chuyện với con nhiều hơn. Nhưng đến buổi tối trước khi đi ngủ mẹ cho bé ngừng hết các hoạt động gây kích thích, thay vào đó mẹ vỗ về nhẹ nhàng bé trong phòng tối yên tĩnh. Bé sơ sinh rất nhanh nhạy và thông minh, sau vài lần bé sẽ hiểu ngay khi dừng chơi và được mẹ vỗ về là lúc bé cần đi ngủ.
# Tập cho bé tự ngủ:
Để luyện cho bé tự ngủ và có thể ngủ ngon giấc, mẹ cần hiểu rõ những nguyên nhân khiến bé quấy khóc không chịu ngủ và phương án xử lý tương ứng. Cụ thể như:
- Cảm giác độc lập: Bình thường bé được mẹ bế ẵm ru ngủ nên đã quen hơi mẹ. Khi mẹ luyện cho bé tự ngủ, bé có thể cảm thấy cô đơn, bất an. Lúc này, một bạn thú nhồi bông hay một đồ chơi bé yêu thích sẽ thay vòng tay mẹ trở thành “dũng sĩ” giúp bé an tâm ngủ ngon hơn.
- Bé sợ hãi: Bé sơ sinh sợ hãi bóng tối không phải là hiếm gặp, bé sẽ quấy khóc rất to mỗi khi mẹ tắt điện đi ngủ hoặc bé bị tỉnh dậy giữa đêm. Những lúc này mẹ hãy giúp bé bình tĩnh bằng cách vuốt ve, vỗ về tạo cảm giác an toàn cho bé. Dần dần cảm giác sợ hãi của bé sẽ biến mất và ngủ ngon hơn.
- Bé mệt mỏi: Do chưa tập được thói quen giấc ngủ ổn định, bé ngủ không đủ giấc hoặc ngủ không ngon dẫn đến mệt mỏi, uể oải quấy khóc làm nũng mẹ. Để khắc phục vấn đề này, ban ngày mẹ cùng con hoạt động, vui chơi nhiều hơn, vừa giúp tinh thần con thoải mái, vừa giúp con ngủ ngoan hơn khi đêm đến…
Theo V.K - Vietnamnet