Trẻ mệt mỏi khi đi học sớm: Không chỉ vì giờ vào lớp!

26/10/2022 10:57

Dậy sớm đi học, nhiều em học sinh tỏ ra mệt mỏi, uể oải, nhưng đó là vì giờ vào lớp hay còn lý do khác là các em đó thức khuya, do chương trình học quá tải.

Dõi theo cuộc tranh luận về giờ vào lớp của học sinh - có nên sớm quá, từ 7h và thậm chí là 6h45, khiến phụ huynh và các em vất vả - tôi nhớ lại thời đi học của mình.

Hồi cấp 1 và cấp 2, tôi phải đi học ở những ngôi trường cách nhà chừng 4 cây số. Cả xóm chỉ vài đứa học sinh có xe đạp, còn lại đều đi bộ. Tôi nhớ, mỗi ngày đều thức dậy khoảng 5 giờ sáng, ăn đỡ thứ gì đó còn lại trong bếp rồi đi học. Ra tới đường lớn, tôi đã thấy mấy đứa bạn chờ sẵn, để cùng đi bộ tới trường. Vừa đi, chúng tôi vừa trò chuyện, nên chẳng thấy đoạn đường xa là mấy.

Lên cấp 3, tuy tôi đã sắm được chiếc xe đạp cũ để chạy đi học, nhưng trường lại xa hơn gấp đôi, mỗi bận đi về phải đi đò qua con sông Hậu. Tôi lại miệt mài thức khuya dậy sớm, cọc cạch đạp xe đi tìm con chữ mỗi ngày. Đường xá xa xôi cách trở đò giang, nhưng ngần ấy năm đi học, hiếm khi nào tôi vào lớp trễ.

Buổi sáng bắt đầu học từ 7 giờ, buổi chiều là 1 giờ, suốt 12 năm phổ thông tôi đều theo lịch như vậy.

Dĩ nhiên, thật khó để bắt các em học sinh bây giờ phải chịu vất vả như thời của tôi, thế hệ 8X "đời giữa". Bởi lẽ, điều kiện kinh tế xã hội hiện tại đã phát triển hơn nhiều, trường lớp khang trang và giáo dục cũng đã có nhiều bước tiến. Trừ một số địa phương ở thôn quê còn xuất hiện hình ảnh học sinh tự đạp xe đến trường, chứ đa phần bây giờ phụ huynh đều đưa rước con em của mình hoặc có xe buýt trường học, nhất là ở các khu vực đô thị. Đó cũng là xu thế tất yếu.

Trẻ mệt mỏi khi đi học sớm: Không chỉ vì giờ vào lớp! - 1

Những đứa trẻ thành phố mỏi mệt khi đi học (Ảnh: Quang Ninh).

Trong cuộc tranh luận về thời gian vào lớp của học sinh, nhiều ý kiến cho rằng nên lùi lại trễ hơn một chút, để các cháu được ngủ đủ giấc hơn, đảm bảo sức khỏe cho thế hệ tương lai đất nước.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, việc lùi giờ vào lớp của học sinh sẽ thuận tiện hơn cho phụ huynh trong chuyện đưa đón con em và đến công sở làm việc. Ví dụ hiện nay, đa số các cơ quan, doanh nghiệp ở Hà Nội và TPHCM bắt đầu làm việc lúc 8 giờ sáng. Nếu phụ huynh đưa con đến trường trước 7 giờ, quãng thời gian hơn một tiếng đồng hồ tiếp theo, trước khi vào cơ quan làm việc, phụ huynh chẳng biết phải làm gì.

Cũng có ý kiến đề cập đến việc lùi giờ vào lớp của học sinh để tránh hiện tượng kẹt xe ở các thành phố lớn, giống như trước đây TPHCM đã làm…

Tôi cho rằng, các kiến nghị trên đều có cơ sở. Song dường như chưa nhiều ý kiến đề cập đến gốc rễ vấn đề, xem xét trong tổng thể chương trình học tập, sinh hoạt hàng ngày của các em học sinh chứ không chỉ "cắt lát" một vấn đề giờ vào lớp.

Thứ nhất, nếu quan sát kỹ một ngày của học sinh thời nay, chúng ta sẽ thấy rằng việc các em ngủ không đủ giấc không hoàn toàn do các em phải dậy sớm đến lớp, mà đa phần do các em thức khuya vào tối hôm trước.

Kinh tế - xã hội phát triển, cuộc sống bận rộn hơn, các thiết bị điện tử phục vụ nghe nhìn, giải trí nhiều hơn, mọi người nhìn chung thức khuya hơn cả người lớn và trẻ em. Đây là một thực tế khác với thời chúng tôi, đi học dù sớm hay muộn thì tối về nhà cũng lên giường ngủ trước 22h đêm khi cả xóm đã tắt đèn.

Nếu không giải quyết từ gốc vấn đề này, nghĩa là các em học sinh vẫn thức quá khuya thì cho dù giờ vào lớp trễ hơn 30 phút đến một giờ đồng hồ cũng chưa hẳn đã tốt. Hơn nữa, lùi giờ học buổi sáng có thể là lý do để các em thức khuya hơn nữa, tình hình sẽ ngày càng tệ thêm.

Thứ hai, tại sao học sinh bây giờ lại hay thức khuya? Có thể vì các lý do như tôi đã nêu trên. Ngoài ra còn một lý do khác là vì chương trình học hiện thời quá nặng, nếu không muốn nói là quá tải. Ngoài học ở trường, nhiều em phải chạy theo các lớp học thêm, các trung tâm luyện thi, các khóa bồi dưỡng… Nhiều hôm các em học từ sáng sớm đến 8-9 giờ tối mới về đến nhà, ăn uống xong phải làm bài tập, soạn bài, xem bài cho ngày hôm sau, thì ngủ muộn là điều khó tránh khỏi. Cuối tuần các em cũng không được nghỉ ngơi mà lại ca bài "học thêm".

Cũng không ít trường hợp, học sinh thức khuya nhưng chẳng phải học bài, xem bài gì cả, mà chỉ lướt web, nhắn tin "chít chát" với bạn bè hoặc chơi game. Đến khi phải dậy sớm để đi học, các em thường tỏ ra mệt mỏi, uể oải. Những trường hợp này, phụ huynh cần phải sâu sát, chấn chỉnh lại để con em mình không sa đà vào những thứ vô bổ mất thời gian, biết nghỉ ngơi hợp lý để tái tạo năng lượng.

Từ cách tiếp cận trên, theo tôi điều cần thiết và cấp bách nhất hiện giờ là giảm tải chương trình, giảm áp lực kiểm tra, thi cử; loại bỏ tư duy phải vào trường chuyên, lớp chọn; từng bước "trị" triệt để căn bệnh thành tích trong giáo dục.

Được như vậy, học sinh mới thực sự trút gánh nặng, có thể ngủ sớm và dậy sớm đến trường một cách đầy khỏe khoắn, hứng khởi.

Trẻ mệt mỏi khi đi học sớm: Không chỉ vì giờ vào lớp! - 2

Học sinh ở TPHCM mang theo đồ ăn sáng vào trường để kịp giờ học (Ảnh: Quang Ninh).

Cụ thể về việc thiết kế giờ đến trường của học sinh, ở đây chủ yếu là bậc tiểu học và THCS, tôi nghĩ không nên cứng nhắc áp dụng khung giờ chung trên toàn quốc vì mỗi địa phương có đặc thù khác nhau. Hà Nội và TPHCM với đặc thù nhịp sống ở hai siêu đô thị thì giờ học có thể lùi lại so với các địa phương khác; các địa phương ở miền Bắc, vào mùa Đông rét buốt, có thể vào học trễ hơn tỉnh, thành phía Nam…

Ngay cả trong một địa phương, tuy có phụ huynh vào ca lúc 8 giờ sáng, nhưng cũng có người vào ca lúc 7 giờ hoặc 7g30. Vậy nên lùi giờ học từ 7h xuống 8 giờ, chắc chắn thuận lợi cho những phụ huynh đi làm lúc 8 giờ, song sẽ rất khó khăn cho những ai phải vào ca lúc 7 giờ.

Một giải pháp đưa ra mà được lợi cho nhóm người này, lại đẩy khó khăn về cho nhóm người khác thì chắc chắn đó không phải là giải pháp tối ưu.

Ngoài ra, cần nói thêm là vấn nạn kẹt xe ở các thành phố lớn hiện nay theo tôi chủ yếu do hạ tầng giao thông kém, ý thức của một số người tham gia giao thông chưa cao, phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng yêu cầu chứ không phải lỗi do mỗi chuyện đưa đón học sinh. Bằng chứng là việc lùi giờ học hoặc bố trí lệch giờ giữa các cấp học để tránh ùn tắc giao thông giờ cao điểm như TPHCM đã làm từ năm 2006 đến 2017 chưa đem lại hiệu quả cao.

Giải quyết bài toán giao thông đô thị cần phải xem xét ở một hướng khác, không nên gán trách nhiệm đó cho giáo dục.

Trong cuộc tranh luận ồn ào về giờ vào lớp mà chúng ta đang chứng kiến, tôi nghĩ rằng người làm giáo dục phải cầu thị, biết lắng nghe ý kiến đóng góp của xã hội, chắt lọc những gì đúng đắn. Nhưng các thầy cô giáo từ thực tiễn công việc của mình cũng phải đủ bản lĩnh để tranh biện, nhằm giữ gìn những phương thức hợp lý nhất, khoa học nhất cho nền giáo dục nước nhà nói chung và cơ sở giáo dục nơi mình làm việc nói riêng.

Chúng ta phải nhìn thấy đâu chỉ là "ngọn", đâu mới là "gốc" vấn đề. Nếu mọi tác động của xã hội đều khiến nền giáo dục "lung lay", chạy theo cái "ngọn" thì không lâu nữa, giáo dục nước ta khó tránh khỏi tình trạng "đẽo cày giữa đường".

Tác giả:Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Trẻ mệt mỏi khi đi học sớm: Không chỉ vì giờ vào lớp!
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO