Trẻ la hét, chạy nhảy liên tục, đi học cha mẹ mới biết con bị tăng động

ANH ĐÀO| 09/03/2023 09:02

Các bác sĩ cho biết tỉ lệ trẻ bị rối loạn tăng động đang có xu hướng tăng do nhiều yếu tố khác nhau. Cha mẹ cần sớm nhận biết và đưa con đi điều trị.

tang-dong.jpeg
Nhiều trẻ bị rối loạn tăng động nhưng cha mẹ phát hiện muộn - Ảnh: Internet

Đa phần phát hiện muộn

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi nam A.D. (6 tuổi, Bình Thuận).

Bé D. được cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng kém chú ý, bướng bỉnh, hay chạy nhảy lăng xăng và có hành vi xung động mạnh.

Theo lời kể của người nhà, bé D. khởi phát bệnh lúc 4 tuổi thường xuyên có hành động chạy nhảy liên tục, không ngồi yên.

Tình trạng này ngày càng tăng dần, đến năm 5 tuổi bé ngày càng lăng xăng hơn, ba mẹ nói không nghe lời, bên cạnh đó còn xuất hiện hành vi đánh bạn, cào cấu người gần khi không vừa ý, hay lắc đầu.

Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHA) và chậm phát triển ở mức độ nhẹ.

Chị H.M (TP Hà Nội) cho biết, con trai chị thường xuyên nghịch ngợm so với bình thường khi còn nhỏ. Đến khi lớn hơn, lại thường xuyên lăn lê, leo trèo, nhảy nhót, gần như không thể ngồi yên một chỗ.

Ngoài ra, chị M. cho hay còn thường xuyên bị cô giáo và phụ huynh của bạn học phàn nàn vì quá nghịch ngợm, hay đánh bạn.

20191028_062936_356743_adhd-1.max-1800x1800.jpg
Cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm đến trẻ tăng động nhiều hơn - Ảnh: Internet

Rối loạn tăng động có xu hướng tăng

Theo thống kê mới của Bộ Y tế cho thấy, trung bình một lớp học 40 trẻ thì có khoảng 5 bé mắc phải rối loạn tăng động tỉ lệ là 1/8.

Các bác sĩ cho biết trẻ mắc rối loạn tăng động có xu hướng ngày càng tăng trong thời gian gần đây do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến trẻ tương tác với xã hội kém, nhận thức của cha mẹ ngày càng tăng…

Bác sĩ Đào Thị Thu Hương - khoa tâm lý - vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết việc quản lý trẻ tăng động khó hơn rất nhiều so với trẻ bình thường, bởi trẻ luôn trong nguy cơ gặp nguy hiểm liên quan đến các tai nạn như tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, thương tích do đánh nhau.

Bác sĩ Hương cho biết thêm vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng có liên quan đến yếu tố di truyền.

Chẩn đoán trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ chính xác hơn với trẻ trên 4 tuổi, khi ở giai đoạn này trẻ đã bộc lộ các hành vi tăng hoạt động khó kiểm soát ở nhiều môi trường khác nhau.

Trẻ khó tuân thủ các nguyên tắc nói, nói nhiều, khó chờ đợi hay can thiệp vào việc người khác, giành giật đồ chơi...

Ngoài ra, trẻ ít tham gia chơi chung với các bạn vì hay "phá game", hay tranh giành, khó tuân theo luật, khiến các bạn xa lánh, khó hòa đồng.

Song song đó, trẻ tăng động thường có thêm các triệu chứng giảm chú ý khiến việc học tập trở nên khó khăn, thành tích kém.

"Trẻ tăng động và hiếu động đều nói về sự hoạt động nhiều hơn bình thường của trẻ, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt.

Cụ thể, trẻ tăng động hoạt động nhiều ở các môi trường khác nhau (tại nhà, trong lớp học, những nơi yêu cầu giữ im lặng) và thường kèm theo xung đột, bốc đồng, khó chờ đợi, thiếu kiên nhẫn (hay giành giật đồ chơi, cướp lượt, chọc, đánh bạn…).

Còn trẻ hiếu động tăng hoạt động ở những nơi được cho phép (khu vui chơi, sân trường, phòng riêng).

Các bé có thể tuân thủ khi được yêu cầu ngồi im khi bắt đầu vào lớp học, ngồi trên bàn ăn...", bác sĩ Hương phân tích.

Các bác sĩ cho biết thêm, đối với các bé bị tăng động cách tốt nhất là cha mẹ nên tương tác với con dành nhiều thời gian để giải thích cho trẻ hiểu, sử dụng các clip, hình ảnh tương tác với trẻ.

Đối với hành vi tốt nên khen để trẻ nhớ. Không nên ra lệnh hoặc đánh trẻ. Thường sau 18 tuổi có đến 80% các trẻ bị tăng động sẽ khỏi.

Phác đồ điều trị từ 6-9 tháng các bé sẽ tạm ổn. Nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế nhanh nhất có thể để thăm khám và điều trị.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trẻ la hét, chạy nhảy liên tục, đi học cha mẹ mới biết con bị tăng động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO