Những mối nguy khi trẻ tiếp xúc sớm với Chatbot AI
ChatGPT đã chứng minh cho thế giới thấy những gì AI sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên có thể làm được. Tuy nhiên, trong lúc đổ xô trải nghiệm các tính năng của ChatGPT, nhiều người đã lãng quên đi đối tượng có thể bị công cụ này làm tổn thương, đó là trẻ nhỏ.
Trẻ em thuộc mọi lứa tuổi đều có thể tiếp cận với Chatbot AI, thế nhưng những công cụ này hầu như không yêu cầu sự cam kết nào trước khi sử dụng.
Với sự trợ giúp của các công cụ AI, người dùng có thể tìm thấy thông tin về bất kỳ chủ đề nào chỉ bằng một câu hỏi. Chatbot AI đã giúp việc điều hướng thông tin dễ dàng hơn mà không cần mở hàng chục tab và đọc vô số bài viết.
Đối với trẻ em, Chatbot có thể giúp trẻ tương tác tốt hơn trong học tập. Hơn nữa, AI còn cung cấp một nền tảng cho phép trẻ trao dồi kỹ năng ngôn ngữ và thảo luận thoải mái mà không bị giới hạn thời gian.
Chatbot AI mang đến nhiều lợi ích, nhưng nếu người lớn không nhận thức được những rủi ro, trẻ em sẽ phải đối mặt với việc đánh mất dữ liệu cá nhân, đe dọa trên mạng và tiếp xúc những nội dung không phù hợp.
Ông Noura Afaneh, nhà phân tích nội dung web của Kaspersky đã chỉ ra một số rủi ro nhất định khi sử dụng Chatbot AI. Trong đó, ChatGPT đã lập kỷ lục với số lượng người dùng tăng nhanh nhất, nhưng lại không xác minh độ tuổi người dùng. Đây chính là mối đe dọa đối với quyền riêng tư dữ liệu của trẻ em.
Do câu trả lời được tổng hợp từ Internet, nhiều lúc những nội dung do ChatGPT cung cấp không hoàn toàn chính xác và dễ khiến người dùng tiếp nhận thông tin sai lệch. ChatGPT cũng có nguy cơ bị lợi dụng trở thành công cụ đạo văn cho một số học sinh.
Trên thế giới, đã có những trường hợp đáng báo động về tác hại của Chatbot AI khi các nữ sinh ở tuổi vị thành niên tham khảo ChatGPT về thông tin sức khỏe và kế hoạch ăn kiêng. AI có thể cung cấp nhanh chóng những thông tin với kế hoạch chi tiết và lời khuyên cụ thể. Tuy nhiên, những thông tin này không tham chiếu bất kỳ dữ liệu thực tế và chỉ là các tập hợp thông tin ngẫu nhiên trên mạng.
Tiếp xúc với Chatbot từ khi còn quá nhỏ, trẻ sẽ lầm tưởng trí tuệ nhân tạo là người bạn thật sự và hành động theo lời khuyên của AI. Trong khi đó, những lời khuyên này có thể bao gồm nội dung thiên vị, không chính xác, có hại hoặc gây hiểu nhầm.
Điều này đặc biệt rủi ro vì thanh thiếu niên có thể cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ thông tin cá nhân, cuộc sống riêng tư với Chatbot hơn là phụ huynh, những người thực sự có thể giúp đỡ trẻ.
Trên Internet hiện cũng có vô số Chatbot AI được thiết lập để mang đến trải nghiệm “khiêu dâm”. Một số Chatbot yêu cầu xác minh độ tuổi nhưng điều này vẫn rất nguy hiểm vì trẻ có thể chọn cách nói dối về tuổi của mình, trong khi những cách thức để ngăn chặn điều đó là chưa đủ.
Cách bảo vệ trẻ trước hiểm họa từ Chatbot và Internet
Theo Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT, Bộ TT&TT), tại Việt Nam, 2/3 số trẻ em hiện có thể tiếp cận với thiết bị kết nối Internet. Số liệu của UNICEF cũng cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-15 tuổi có sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% đối với trẻ em từ 14-15 tuổi.
Trước thực tế trên, giải pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là sự chung tay của cả gia đình, nhà trường, xã hội và chính các em. Ngoài sự chủ động của cha mẹ, chính các em cũng cần nhận thức về các thông tin mà mình tiếp cận.
Số liệu được Google Việt Nam công bố hồi tháng 5/2023 cũng cho thấy, sự phối hợp toàn diện giữa giáo viên với phụ huynh và học sinh đã góp phần thay đổi giao tiếp trong mỗi gia đình theo chiều hướng ngày càng tích cực hơn. Trước năm 2021, có đến hơn 1/3 số phụ huynh được khảo sát chưa bao giờ nói chuyện với con về an toàn mạng, thế nhưng khảo sát năm 2023 cho thấy, 87,7% phụ huynh Việt Nam đã có thể dễ dàng trao đổi với con về chủ đề này.
“Phụ huynh Việt Nam đang chủ động tìm kiếm các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ con trong học tập (78,2%), tìm kiếm nội dung giáo dục chất lượng cao (72,2%), hướng dẫn con về an toàn mạng (64,1%)”, Google cho hay.
Theo các chuyên gia của Kaspersky, các bậc cha mẹ cần hiểu rằng việc cấm đoán sử dụng Chatbot AI không phải lúc nào cũng là biện pháp bảo vệ trẻ em tốt nhất. Điều cha mẹ cần làm là phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc giảm thiểu các rủi ro trên mạng.
Để giảm thiểu rủi ro từ Chatbot AI, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ em sử dụng Internet an toàn. Điều này bao gồm việc cung cấp kiến thức cho trẻ biết đâu là những thông tin riêng tư, mang tính cá nhân, cần hạn chế chia sẻ với người lạ, thậm chí cả Chatbot.
Cha mẹ cũng nên cùng con khám phá, trải nghiệm các tính năng của Chatbot AI, dạy con cách thức sử dụng và nói với bé về những vấn đề nên hoặc không nên hỏi.
Ngoài ra, để giải quyết câu chuyện này, các bậc phụ huynh cũng có thể ứng dụng công nghệ để giám sát, kiểm soát hoạt động trên Internet của trẻ.
Hiện trên thị trường có nhiều công cụ giúp quản lý thời gian, chặn lọc nội dung xấu độc và các nguồn nội dung độc hại. Với sự gia tăng rủi ro cho trẻ em trên Internet, nhu cầu giám sát và bảo vệ trẻ em trên mạng được nhận định sẽ ngày càng gia tăng.
Chủ tịch FPT 'giác ngộ' công nghệ nhờ AI, big data, chatbotTheo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, ông đã 'giác ngộ' về việc công nghệ thông tin (CNTT) có thể tác động đến tính mạng con người, sinh kế dân sinh như thế nào sau đại dịch Covid-19.