Chẩn đoán sai, nhiều trẻ nguy kịch
Mới đây, ngày 27/7, BS CK2 Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) - cho biết bệnh viện vừa cứu sống nhiều trẻ nguy kịch dưới 1 tuổi do mắc sốt xuất huyết. Tất cả đều mắc sốt xuất huyết nặng và được nhập viện trong tình trạng nguy kịch do chẩn đoán sai, nhầm lẫn với các bệnh khác.
Cụ thể như trường hợp của bé trai H.G.B. (11 tháng tuổi, Tiền Giang) có bệnh sử ghi nhận bị sốt cao liên tục 4 ngày, tiêu chảy 5-6 lần phân lỏng vàng, đi phòng khám tư chẩn đoán tiêu chảy nhiễm trùng, uống thuốc không rõ loại.
Đến ngày thứ 5 bé B. bớt sốt lừ đừ, tiêu lỏng, phân xanh, tay chân lạnh, nên người nhà đưa trẻ đến bệnh viện địa phương, ghi nhận trẻ lừ đừ, quấy khóc, mạch quay nhẹ, chi mát, huyết áp kẹp 85/65mmHg, chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa, điều trị kháng sinh, truyền dịch chống sốc và được chuyển Bệnh viện Nhi đồng TP.
Tại đây, trẻ được tiếp tục truyền dịch chống sốc, xét nghiệm cho thấy test nhanh kháng nguyên dương tính sốt xuất huyết, dung tích hồng cầu giảm 40%, men gan tăng cao. Kết quả sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, tỉnh táo, men gan trở về bình thường.
Tiếp theo là bé gái P.L.M. (9 tháng tuổi, quận 12) và bé gái T.H. (7 tháng tuổi, Long An) đều chỉ có sốt nhẹ trung bình 38 - 38,5 độ C, ho sổ mũi 4 ngày, khám bác sĩ tư chẩn đoán viêm hô hấp trên, điều trị kháng sinh hạ sốt, giảm ho không bớt đến ngày thứ 5 người nhà thấy trẻ quấy khóc bỏ bú nên nhập Bệnh viện Nhi đồng TP.
Các bác sĩ làm xét nghiệm chẩn đoán các trẻ bị sốt xuất huyết nhờ test nhanh dương tính, được điều trị truyền dịch chống sốc theo phác đồ, tình trạng các trẻ cải thiện dần, phục hồi sức khỏe sau 3 ngày điều trị và xuất viện.
3 nguyên nhân chính khiến trẻ bị chẩn đoán sai
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Minh Tiến cho biết dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết ở trẻ theo từng độ tuổi khác nhau. Ở tuổi sơ sinh/nhũ nhi các dấu hiệu này thường khó nhận biết nếu không phân loại bệnh và nhận biết sớm rất nguy hiểm.
Ở lứa tuổi này trẻ thường có các biểu hiện như sốt không cao (chỉ nhẹ hoặc trung bình), có biểu hiện tiêu chảy, ho, sổ mũi, hắt hơi… do đó các cơ sở y tế rất dễ chẩn đoán nhầm giữa sốt xuất huyết với tiêu hóa, hô hấp…
Khi một trẻ có các dấu hiện như trên khi thăm khám tại các cơ sở y tế, nhân viên y tế sẽ bác sĩ nghi ngờ sốt xuất huyết, sau đó để khẳng định các cơ sở y tế sẽ cho trẻ xét nghiệm. Có 3 xét nghiệm thường quy đó là: Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1, tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm CRP là có thể biết được là do sốt xuất huyết hay nhiễm trùng…
Các xét nghiệm này làm không khó, các cơ sở y tế thuộc tuyến dưới có thể làm dễ dàng quan trọng nhất là thời điểm làm xét nghiệm, phát hiện sớm cho trẻ.
Sở sĩ một số các phòng khám tư, cơ sở y tế địa phương… hiện nay bỏ qua việc xét nghiệm cho trẻ sốt xuất huyết là do 3 nguyên nhân chính đó là:
- Khi có các dấu hiệu lâm sàng lại không nghĩ đến sốt xuất huyết, quan trọng nhất vẫn là nghĩ tới bệnh sốt xuất huyết trước tiên, lấy đó làm nền tảng.
- Có xét nghiệm sốt xuất huyết nhưng thử máu thấy kết quả vẫn bình thường liền chủ quan cho rằng đây chỉ là sốt siêu vi, nhưng thực chất chỉ là giai đoạn đầu của sốt xuất huyết.
- Trẻ có triệu chứng suy hóa hô hấp liền nghĩ đến các bệnh lý về hô hấp nhưng thực chất đó là sốt xuất huyết.
Những trẻ mắc sốt xuất huyết 2 ngày đầu không cần xét nghiệm, nhưng từ ngày thứ 3 trở đi, bắt buộc phải làm xét nghiệm cho trẻ, lý tưởng nhất là ngày thứ 2 nên xét nghiệm cho trẻ để phát hiện sớm.
Bác sĩ Nguyễn Thành Úc - nguyên phó khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, có 40 năm kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết - cho biết nếu người bệnh sốt xuất huyết có 1 trong 5 dấu hiệu chuyển nặng dưới đây cần phải nhập viện để điều trị kịp thời:
1- Dấu hiệu thần kinh (người lừ đừ, bứt rứt).
2 - Nôn ói nhiều (nửa tiếng nôn 2 lần trở lên).
3- Đau bụng nhiều (đau theo cơn, phía hạ sườn phải).
4- Người bệnh bị sốt xuất huyết (bị chảy máu cam, máu răng).
5- Cơ thể mát.
Các dấu hiệu chuyển nặng này bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, bệnh nhân sẽ không sốt mà bước vào sốc, sốt xuất huyết, rối loạn nội tạng. Thời gian tử vong trong vòng 6 tiếng khi bước vào giai đoạn sốc nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Thành Úc cho biết phía nhân viên y tế tại các cơ sở y tế có 3 bài học chính đó là: chẩn đoán sớm, điều trị đúng, theo dõi sát. Trong mùa dịch, tất cả các trường hợp sốt nên nghĩ đến sốt xuất huyết, khi loại trừ được sốt do sốt xuất huyết mới tính đến các bệnh khác như COVID-19, cúm... Nếu chẩn đoán sai, bệnh nhân có thể tử vong.