Theo kế hoạch, ngày 14/4, Quảng Ninh sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tiếp đến, trong tuần sau sẽ triển khai trên quy mô toàn quốc.
Nhóm trẻ học lớp 6 sẽ được triển khai tiêm đầu tiên, sau đó đến các nhóm tuổi nhỏ hơn.
Trẻ chỉ tiêm khi thực sự khoẻ mạnh
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trước khi đưa con đi tiêm, cha mẹ phải theo dõi sức khỏe của trẻ, ăn uống, ngủ, sinh hoạt có bình thường không, đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi. Trẻ có biểu hiện viêm long đường hô hấp hay bất thường gì về sức khỏe hay không…
“Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức nhiều đợt tiêm chủng theo các tháng, tiêm bổ sung, tiêm vét… Vì thế, khi trẻ thực sự khỏe cha mẹ hãy đưa con đi tiêm”, bà Hồng khuyến cáo.
Ảnh minh hoạ |
Ngoài ra, khi gia đình đưa con đi tiêm cần cố tránh lây nhiễm SARS-CoV-2. Vì thế, khi người đưa trẻ đi hoặc bản thân trẻ có biểu hiện viêm long đường hô hấp, nghi ngờ mắc Covid-19 thì không đến điểm tiêm đến tránh lây lan mầm bệnh.
Cha mẹ cũng cần chia sẻ với cán bộ y tế khám sàng lọc về tiền sử bệnh tật, dị ứng, có bệnh mãn tính hay không để có chỉ định và hướng dẫn cụ thể, cần thiết chuyển trẻ đến tiêm tại bệnh viện.
Trong quá trình tiêm, cha mẹ cũng lưu ý tương tác với cán bộ tiêm để biết con tiêm vắc xin gì và có thể có phản ứng phụ gì.
Cách nào tránh tiêm nhầm?
Để tránh việc tiêm nhầm vắc xin cho trẻ, PGS. TS Dương Thị Hồng cho biết sẽ tiêm vắc xin cùng loại. Tới đây, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới đây. Ngoài ra, mỗi lần cấp vắc xin, Bộ sẽ có hướng dẫn lô vắc xin này sử dụng cho nhóm tiêm chủng nào.
“Trong trường hợp có nhiều nhóm tuổi tiêm cùng lúc thì sẽ triển khai tiêm theo khối lớp tránh nhầm lẫn.
Việc triển khai tiêm trong trường học cũng cuốn chiếu theo lớp để hạn chế tiêm không chính xác, đặc biệt đối với mũi tiêm thứ 2 (dễ nhầm lẫn).
Ngoài ra, các bà mẹ khi đưa con tiêm chủng cố gắng nhớ tiêm mũi 1 loại nào. Mong muốn sự tham gia của các bậc phụ huynh để tránh tói đa nhầm lẫn”, PGS. TS Dương Thị Hồng cho hay.
TS.BS Lê Kiến Ngãi, Bệnh Viện Nhi Trung ương lưu ý có những mốc thời gian rất quan trọng mà bố mẹ, các cán bộ tiêm chủng cần lưu ý. Đó là 30 phút, 24h, 3 ngày, 1 tuần và 28 ngày sau khi tiêm.
“Đó là những mốc đặc biệt quan trọng các gia đình, nhà trường cần lưu ý, theo dõi cho trẻ. Đặc biệt, trong 3 ngày đầu sau tiêm trẻ cần tránh các vận động mạnh. Vì thế, các trường có thể điều chỉnh các hoạt động thể dục trong 3 ngày này”, TS. BS Kiến Ngãi nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, PGS. TS Dương Thị Hồng cho rằng sau tiêm, trẻ cần ở lại điểm tiêm chủng theo dõi 30 phút, cha mẹ tiếp tục theo dõi sức khỏe của con trong ít nhất 3 ngày.
Theo đó, các phản ứng phụ thông thường có thể xuất hiện 4-8 tiếng sau tiêm, diễn tiến trong 2 ngày đầu và giảm dần. Nếu thấy trẻ sốt, phát ban, khó thở, tím tái, mệt mỏi, li bì hoặc thấy biểu hiện thông thường tăng lên mức độ trầm trọng thì cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất.
Trước nỗi lo của phụ huynh về việc trẻ dậy thì có nên tiêm vắc xin Covid-19, TS. Lê Kiến Ngãi khẳng định: Quy trình nghiên cứu, đưa vắc xin vào sử dụng cực kỳ nghiêm ngặt với các bước kiểm chứng khắt khe.
Các phụ huynh có thể yên tâm khi những bằng chứng khoa học đã cho thấy, vắc xin Covid-19 không tác động đến tế bào nhân nên không làm biến đổi cấu trúc di truyền.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành đến nay có khoảng 11,8 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ước tính đến tháng 4 và 5 có 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19.
Như vậy, đến quý 2 chúng ta sẽ tiêm toàn bộ cho trẻ chưa mắc và tiêm đủ 2 mũi.
Những trẻ đã mắc Covid-19 thì hoãn tiêm sau 3 tháng. Vì thế, với khoảng 3,6 triệu trẻ còn lại, ngành y tế cố gắng tối đa hoàn thành việc tiêm cho trẻ trong tháng 7-8. Qua khảo sát tại nhiều thời điểm vẫn còn khoảng 30% số cha mẹ cho biết vẫn còn do dự trong việc đưa con đi tiêm. Vì thế, chuyên gia hy vọng trong thời gian tới sẽ nhận được sự đồng thuận của bố mẹ trong việc vắc xin cho con.