Trên một số diễn đàn, nhiều ý kiến tranh luận về đề thi học sinh giỏi lớp 9, môn Ngữ Văn năm nay của Hà Nội.
Cô Nguyễn Thị Anh, giáo viên Ngữ Văn lâu năm, Trường THPT Con Cuông, Nghệ An cho biết, đề thi này chưa hay.
Là đề thi dành cho học sinh giỏi nhưng ở câu hỏi 1, không dạy cho học sinh cách vượt qua nghịch cảnh.
Chưa kể, cách đặt vấn đề "khóc hộ" trong đoạn trích khiến nhiều người chưa thấy được sự sẻ chia mà là sự "thương vay, khóc mướn".
Trên trang cá nhân, một tiến sĩ văn học cho biết, ông cũng thấy "choáng" bởi đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn Ngữ Văn của Hà Nội năm nay quá nhiều lỗi.
Thứ nhất, ở tên miền mà người ra đề cho biết đã sử dụng đoạn trích (http://www.vtmonline.vn), khi truy cập thấy không tồn tại hoặc bị khóa.
Ở câu 1: Từ "Khóc giùm" nằm trong trường nghĩa với "khóc mướn", tức chính mình khóc thay người khác, nhưng khác khóc mướn vì đã "giùm" thì miễn phí.
Còn hiểu theo nghĩa "khóc giùm" tức là "giúp bạn ấy khóc" nghĩa là giúp cho người khác khóc vì người ấy không khóc được.
Theo tiến sĩ này, ở cả hai cách hiểu trên đều rất vô nghĩa.
Ở câu 2: Đề tài, chủ đề có thể xem như "chủ ngữ", còn phương diện chủ quan của nội dung là "vị ngữ"
Chuyên gia này cho rằng, chủ ngữ, vị ngữ là sự phân tích thành phần câu theo ngữ pháp cấu trúc.
Họ chỉ mượn khái niệm "chủ ngữ", "vị ngữ" để nói đến quan hệ giữa nhân vật và sự kiện như một thứ cú pháp của truyện kể.
Không ai nói "chủ ngữ" là đề tài, chủ đề, "vị ngữ" giống quan hệ chủ ngữ/vị ngữ của cấu trúc câu bao giờ.
"Phân tích quan hệ giữa đề tài, chủ đề với nội dung tác phẩm mà giống như phân tích ngữ pháp câu sao"? chuyên gia này đặt câu hỏi.
Ở đề thi Toán cũng được cho có câu hỏi tương tự một bài trong đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm học 2019-2020 của Trường ĐH Vinh.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) khẳng định, câu 1 của bài 5 đề thi học sinh giỏi lớp 9 Hà Nội năm nay hoàn toàn tương tự Bài 7 trong đề thi chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia THPT của Trường ĐH Vinh năm học 2019-2020.
Tuy nhiên, hai đề thi lại có sự vênh nhau về mức độ, thời gian và đối tượng học sinh.
Cụ thể theo thầy Tùng, trong đề của Trường ĐH Vinh, bài này chiếm đến 7/20 điểm, với thời gian làm bài bình quân trong 63 phút.
Trong khi đó, bài này trong đề chọn học sinh giỏi lớp 9 của Hà Nội thì chỉ có 1/20 điểm, với thời gian tương đối mà học sinh có thể làm là 7,5 phút.
Được biết, kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố năm học 2020 - 2021 của Hà Nội diễn ra vào ngày 13/1.
Đội tuyển mỗi bộ môn văn hóa của quận, huyện gồm 10 thí sinh dự thi, riêng môn Tin học có 5 thí sinh. Đội tuyển thi môn khoa học có 20 thí sinh.
Mỹ Hà