Tranh cãi nảy lửa giữa Ai Cập và Netflix

11/05/2023 19:51

Series "African Queens" (Những nữ hoàng châu Phi) của Netflix đang châm ngòi cho cuộc tranh luận lớn ở Ai Cập, khi nhà sản xuất chọn diễn viên da đen đóng vai Nữ hoàng Cleopatra.

nguon goc nu hoang Cleopatra anh 1

Cleopatra là nữ hoàng Ai Cập cổ đại, người nổi tiếng với sự quyến rũ và là nguồn cảm hứng bất tận cho Shakespeare và Hollywood. Tuy nhiên, nhiều thông tin xoay quanh bà còn mơ hồ.

Chính sự mơ hồ này đã khởi nguồn cho những tranh cãi giữa Netflix và Ai Cập hiện đại gần đây, khi dịch vụ phát trực tuyến hàng đầu thế giới bị chỉ trích vì chọn diễn viên da đen đóng vai Cleopatra trong loạt phim African Queens. Series này mới lên sóng hôm 10/5.

Ngay khi trailer được tung ra vào tháng trước đã thổi bùng những tranh cãi. Hội đồng cổ vật tối cao Ai Cập, cơ quan chính phủ phụ trách di sản, tuyên bố tác phẩm là “sự xuyên tạc lịch sử Ai Cập”.

Một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng cáo buộc Netflix đang nỗ lực “chiếm đoạt nền văn hóa Ai Cập của chúng tôi”. Một luật sư Ai Cập đệ đơn khiếu nại yêu cầu đóng cửa Netflix ở nước này.

Theo New York Times, với nhà sản xuất, 4 tập phim về Nữ hoàng Cleopatra là cơ hội tôn vinh một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử với tư cách là nhà lãnh đạo châu Phi, theo họ hiểu là người da đen. Còn với nhiều người Ai Cập và nhà sử học, bức chân dung đó bị hiểu sai, và tệ nhất là phủ nhận lịch sử Ai Cập.

Dấy lên câu hỏi về nguồn gốc

Mặc dù Nữ hoàng Cleopatra có dòng dõi Hy Lạp - Macedonia, nhà sản xuất Netflix cho rằng do những điều còn chưa rõ trong cây phả hệ của bà, và có khả năng nhà ngoại nữ hoàng có xuất thân khác. Danh tính của mẹ và bà nữ hoàng vẫn chưa thể xác định, nên một số chuyên gia cho rằng bà có một phần nguồn gốc người Ai Cập bản địa.

Nữ hoàng Cleopatra là hậu duệ dòng dõi các vị vua Hy Lạp - Macedonia cai trị Ai Cập trong khoảng thời gian 323-30 TCN. Tuy nhiên, Vương triều Ptolemies có xu hướng kết hôn với người thân trong gia đình nên khó có khả năng người ngoài xuất hiện.

“Những bức tượng Nữ hoàng Cleopatra cho thấy bà có những nét đặc trưng của người Hy Lạp, với làn da sáng, chiếc mũi khoằm và đôi môi mỏng”, chính phủ Ai Cập cho biết hôm 30/4.

Những tranh cãi về di sản và màu da của Cleopatra xuất hiện hết lần này tới lần khác, bùng nổ mỗi lần Hollywood tuyển chọn vai diễn, từ Elizabeth Taylor (đóng năm 1963) đến Angelina Jolie, Lady Gaga và Gal Gadot.

Việc Netflix chọn Adele James - nữ diễn viên người Anh - phản ánh những tranh luận liên quan tới phương Tây về đại diện của người da đen ở Hollywood, và liệu lịch sử có bị chi phối quá nhiều bởi câu chuyện về người da trắng xoay quanh sự vượt trội của châu Âu hay không.

nguon goc nu hoang Cleopatra anh 2
Elizabeth Taylor trong quá trình quay bộ phim Cleopatra. Ảnh: AP.

Dẫu vậy, bộ phim khuấy động cuộc tranh luận khác ở Ai Cập, khi nhiều người nhìn bản sắc và chủng tộc qua lăng kính khác. Với nhiều người Ai Cập, câu hỏi đặt ra là liệu người Ai Cập và tổ tiên xa xưa của họ - bất chấp vị trí địa lý - có phải là người châu Phi hay không.

Ai Cập nằm ở Đông Bắc châu Phi. Tuy nhiên, mối quan hệ của nước này và lục địa đen rất phức tạp. Vào thời Hy Lạp và La Mã, Ai Cập được coi là nhân tố chính tại Địa Trung Hải, cửa ngõ vào châu Phi, chứ không hoàn toàn là người châu Phi.

Kể từ khi người Arab chinh phục Ai Cập vào thế kỷ VII, mang theo ngôn ngữ Arab và Hồi giáo, người Ai Cập có quan hệ văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ gần với Trung Đông và Bắc Phi, hơn là với phần còn lại của châu Phi.

Tổ tiên của người Ai Cập ngày nay không chỉ bao gồm người Arab và Ai Cập bản địa, mà còn cả người Nubia, Hy Lạp, La Mã, Thổ Nhĩ Kỳ, Circassian, Albania, Tây Âu cùng nhiều nhóm thương nhân, nô lệ và người nhập cư đổ bộ vào khu vực này trong suốt 2 thiên niên kỷ qua.

Chính sự đa dạng đó mà xã hội Ai Cập thường đánh giá cao làn da sáng và không coi trọng người có làn da sẫm màu. Tuy nhiên, nhiều người Ai Cập và nhà sử học nói African Queens đã kéo nữ hoàng cổ đại vào giữa các cuộc tranh luận đương đại của phương Tây.

Áp đặt cái nhìn hiện đại lên quá khứ

Ai Cập cổ đại và những kỳ quan từ lâu đã được coi là "chiến lợi phẩm" trong cuộc chiến văn hóa phương Tây. Năm 1987, cuốn sách Black Athena của Martin Bernal lập luận các nhà sử học châu Âu đã xóa bỏ những đóng góp của Ai Cập cho nền văn hóa Hy Lạp cổ đại.

Mặc dù nhiều học giả đồng tình rằng phần lớn chứng cứ mà cuốn sách trích dẫn còn thiếu sót, Black Athena đã trở thành một trong những tài liệu kinh điển của Afrocentrism (chủ nghĩa Phi châu trung tâm). Đây là phong trào đề cao nền văn hóa và lịch sử châu Phi, theo Cambridge.

Theo một số người có tư tưởng Afrocentrism, Ai Cập cổ đại là nền văn minh của người châu Phi da đen và khai sinh ra lịch sử - văn hóa châu Phi lẫn nền văn minh thế giới, cho đến khi họ bị người châu Âu cướp công nghệ, ý tưởng và văn hóa.

Các kim tự tháp và pharaoh trở thành niềm tự hào của người theo Afrocentrism, và Nữ hoàng Cleopatra là anh hùng của phong trào.

nguon goc nu hoang Cleopatra anh 3
Tượng Cleopatra trong khu chợ ở Cairo. Ảnh: New York Times.

“Cleopatra phản ứng trước những áp bức và bóc lột, như cách phụ nữ da đen sẽ làm”, Shelley Haley - giáo sư về người châu Phi và chuyên gia về Cleopatra, người tư vấn cho African Queens - nhận định. Bà lập luận việc nữ hoàng có thể có xuất thân đa dạng khiến Cleopatra trở thành người da màu: “Chúng tôi coi bà như chị gái”.

Cách suy nghĩ này không được nhiều người Ai Cập, nhà sử học và nhà Ai Cập học tán thành. Theo họ, các pharaoh - những người có nguồn gốc và màu da vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi - là người Ai Cập, không phải người châu Phi.

Một số cá nhân theo Afrocentrism cho rằng người Ai Cập ngày nay là hậu duệ của người Arab, thay thế người châu Phi da đen của Ai Cập cổ đại. Giả thuyết này bị nhiều người Ai Cập coi là xúc phạm và không chính xác.

Một số nhà sử học cho rằng quan điểm hiện đại về việc Cleopatra trông như Elizabeth Taylor hay Adele James không giống cách người xưa nhìn nhận.

Theo nhà sử học David Abulafia của Đại học Cambridge, vào thời Cleopatra, mọi người được xác định bởi văn hóa và tôn giáo, không phải màu da.

Trong khi đó, Monica Hanna - nhà Ai Cập học - cho rằng chủng tộc là cấu trúc hiện đại của bản sắc chính trị đang được áp đặt lên quá khứ.

“Việc sử dụng và áp đặt quá khứ cho các chương trình nghị sự hiện đại sẽ chỉ làm tổn thương tất cả, bởi nó tạo ra hình ảnh méo mó về quá khứ”, bà nói.

Mặc dù những người Ai Cập lên tiếng chỉ trích phim đã khẳng định mình không có động cơ phân biệt chủng tộc, một số nhà bình luận cho rằng tư tưởng phân biệt chủng tộc và mặc cảm tự ti trong xã hội nước này khiến cuộc tranh luận về Cleopatra càng thêm kịch liệt.

Nhà văn Ai Cập Abdelrahman ElGendy cho rằng do không thể tự hào về đất nước Ai Cập ngày nay, một số người đã “gắn liền bản sắc của mình với vinh quang cổ xưa”, hoặc họ cố thể hiện sự vượt trội so với những vùng khác của châu Phi bằng cách nhấn mạnh nguồn gốc châu Âu của mình.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Tranh cãi nảy lửa giữa Ai Cập và Netflix
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO