Bộ Công Thương đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại.
Nội dung chính của Thông tư này là yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phải tự phân loại theo tiêu chí trong Thông tư và sẽ bị xử phạt nếu phân loại không chính xác.
Cơ sở kinh doanh thương mại được gọi là siêu thị và phân hạng siêu thị nếu có địa điểm kinh doanh phù hợp với quy hoạch và có quy mô, cách thức tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chí cơ bản của một trong ba hạng siêu thị hoặc tiêu chí siêu thị mini.
Đơn cử, Bộ Công Thương đề xuất siêu thị hạng I thuộc hạng siêu thị kinh doanh tổng hợp phải có diện tích kinh doanh từ 3.500 m2 trở lên; kinh doanh nhiều ngành hàng, mặt hàng, danh mục hàng hóa kinh doanh từ 20.000 tên hàng trở lên... Còn siêu thị chuyên doanh có diện tích kinh doanh từ 1.000m2 trở lên; chỉ kinh doanh một ngành hàng chuyên biệt, danh mục hàng hóa kinh doanh từ 2.000 tên hàng trở lên...
Siêu thị mini phải có diện tích kinh doanh từ 80 m2 trở lên; Danh mục hàng hóa từ 500 tên hàng trở lên...
Trung tâm thương mại hạng I phải có diện tích kinh doanh từ 50.000 m2 trở lên, hạng II phải từ 30.000m2 trở lên, hạng III từ 10.000m2 trở lên...
Quy định về tiêu chí cửa hàng tiện lợi, Bộ Công Thương đề xuất phải có diện tích từ 30- dưới 200m2, đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m...
Những tiêu chí đó đã gây ra nhiều tranh cãi về sự bất hợp lý. Ngày 13/7, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cơ quan xây dựng dự thảo - đã có một số thông tin phản hồi.
Theo đó, cơ quan này cho biết đối với tiêu chí với cửa hàng tiện lợi, trung tâm outlet đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo tài liệu của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và điều chỉnh phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Vụ này khẳng định quy định "đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m" tại dự thảo không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ hoặc khách mua của cửa hàng tiện lợi.
"Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại", cơ quan này nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cho biết đang đôn đốc các đơn vị, địa phương, hiệp hội khẩn trương gửi ý kiến để tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện dự thảo. Sau khi hoàn thiện, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp phân phối, các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.