Với 37 năm giảng dạy môn Giáo dục công dân và nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hoà) từng phải xử lí rất nhiều học sinh vi phạm nội quy nhà trường như: nhuộm tóc, son môi, nói tục, chửi thề, đánh nhau, vẽ viết bậy lên bàn ghế, tường...
Điều trăn trở đối với thầy Lực không chỉ ở việc xử phạt những học trò này như thế nào, mà còn là những áp lực từ phía phụ huynh.
"Phụ huynh khi cho con đến trường đều mong muốn con mình được trưởng thành về phẩm chất năng lực, điều này là chính đáng.
Không ít phụ huynh vì quá kỳ vọng vào nhà trường, thầy cô nên khi con không đạt được kết quả như mong muốn thì có nhận xét không công bằng về thầy cô, cho rằng thầy cô dạy dở, năng lực chuyên môn kém…, còn nếu thầy cô đôi khi thiếu kiềm chế lỡ tay đánh, véo, phạt… học sinh thì phải hứng chịu nhiều lời cay nghiệt" - thầy Lực chia sẻ.
Cô Thu Vân - giáo viên bậc THCS tại Hà Nội cũng bày tỏ sự e ngại khi hiện nay, ngoài áp lực về chuyên môn, nhà giáo còn phải đối mặt với áp lực từ dư luận của xã hội.
"Nhỡ mình nói hay làm gì, thì dù là sai lầm nhỏ nhất cũng bị dư luận xã hội và cha mẹ học sinh lên tiếng, chỉ trích hết sức nặng nề" - cô Vân chia sẻ.
Bên cạnh đó, không ít phụ huynh mang tâm lí "phó mặc con" cho giáo viên nhưng khi có chuyện gì xảy ra với con, chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân và đã tin ngay lời con nói mà quy trách nhiệm cho giáo viên, nghĩ sai, nghĩ xấu về các thầy cô.
"Nghề giáo là một nghề cao cả, mang trọng trách lớn. Do đó, chúng tôi mong được sự thấu cảm, chia sẻ từ gia đình và xã hội, đồng hành cùng giáo dục con trẻ" - cô Vân bày tỏ nguyện vọng.
Giáo dục cần sự yêu thương
Với vai trò là nhà quản lí giáo dục, cô Hồ Thuận Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) chia sẻ, việc xử phạt học trò luôn là điều khiến giáo viên trăn trở.
Ở lứa tuổi học sinh, các em đủ hiểu biết về quyền lợi của mình và đôi khi cũng có những đòi hỏi, đề cao quyền của bảo thân quá. Trong khi đó, phía thầy cô, đôi khi vì áp lực công việc nên có những ưng xử chưa thực sự thấu đáo và tế nhị, làm ảnh hưởng đến việc giáo dục con trẻ.
"Quan điểm tôi, giáo dục là phải sự thấu cảm và yêu thương. Có như vậy mới giúp kiềm chế được cái "nóng giận". Học trò có thể không đúng nhưng người thầy thì không thể. Hành xử không đúng thì phải trả giá "rất đắt" - cô Yến phân tích.
Không riêng giáo viên, theo cô Yến, những người làm cha, làm mẹ cũng vậy. Yêu thương thì hãy làm bạn để hiểu các con, dành thời gian nói chuyện với con, chia sẻ cùng con để chỉ ra điều con được và không thì mới nắn chỉnh được các con. Có giận thì cũng nói đủ nghe.
"Thái độ kiên quyết là đủ để các con nhận thấy. Tuyệt đối không được làm mất sĩ diện của con trước mặt người khác. Điều này vô cùng nguy hiểm và đáng bị lên án" - cô Yến chia sẻ.