Trận thua Indonesia và những trăn trở trong ngày thể thao

27/03/2024 14:38

Tôi viết bài này trong tâm trạng rất buồn sau trận thua 0-3 của đội tuyển bóng đá Việt Nam trên sân Mỹ Đình. Vẫn biết là khó khăn vì đối thủ Indonesia đã tiến bộ rất nhiều, nhưng không thể nghĩ mọi thứ lại tệ đến thế.

Trong một trận đấu có tính chất quyết định "đi tiếp hay dừng lại", điều quan trọng tiên quyết là "chất lửa" và sự tập trung cao độ của các tuyển thủ thì không thấy, còn HLV Troussier lại tiếp tục gây khó hiểu với các quyết định dùng người…

Việc VFF chấm dứt hợp đồng với HLV Troussier ngay trong đêm là động thái cần thiết, nhưng những trăn trở, những câu hỏi về tương lai của đội tuyển quốc gia vẫn còn đó với rất nhiều việc cần làm, phải làm để vực dậy tinh thần tuyển thủ, và quan trọng hơn là để "xây nhà vững từ nền móng".

Bóng đá vốn cũng chỉ là một phần của nền thể thao đã có truyền thống 78 năm của chúng ta. Trong ngày thể thao Việt Nam (27/3), chúng ta tự hào với những gì thể thao Việt Nam đã làm được đến nay (trong đó có bóng đá), nhưng không khỏi trăn trở, nghĩ suy.

Trận thua Indonesia và những trăn trở trong ngày thể thao - 1

Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng bắt tay HLV Philippe Troussier trong trận với Indonesia tối 26/3 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Sau Asiad 19, một bộ phận giới truyền thông và người hâm mộ so sánh thể thao Việt Nam với Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore hay Philippines - những nước trong khu vực Đông Nam Á giành được nhiều huy chương hơn tại đấu trường châu lục. Thực tế không có gì để bàn cãi, thể thao thành tích cao của Việt Nam cần nhiều sự thay đổi để đạt hiệu quả cao hơn ở những đấu trường lớn.

Nhưng cũng có một thực tế mà ít người nhắc đến: Bởi hoàn cảnh khách quan, thể thao Việt Nam vốn có sự hội nhập với sân chơi quốc tế muộn hơn hẳn so với các nền thể thao nói trên (từ SEA Games 15 năm 1989). Nói cách khác, thể thao Việt Nam được xây dựng và phát triển trên một nền tảng rất đặc biệt, với vô vàn thử thách ngay từ "trứng nước".

m.jpg
Quang Hải không được HLV người Pháp sử dụng.

Phải tới cuối thập niên 80, khi công cuộc mở cửa nền kinh tế bước đầu được tiến hành, thì thể thao Việt Nam mới có điều kiện hội nhập với các nước trong khu vực, bắt đầu với đấu trường SEA Games 15 năm 1989 tại Malaysia, rồi Asiad năm 1990 tại Trung Quốc. Trước đó, đoàn thể thao Việt Nam từng góp mặt tại Olympic Moskva năm 1980 và Asiad năm 1982 tại Ấn Độ, nhưng đều chỉ mang tính "làm quen", theo lời mời của các nước chủ nhà.

Nhắc lại để thấy trên thực tế khách quan, thể thao Việt Nam đã có "xuất phát điểm" chậm hơn so với nhiều nước bạn. Còn thực tế chủ quan là thể thao nước nhà đã duy ý chí khi kéo dài giai đoạn đầu tư kiểu "đi tắt, đón đầu" (từng phát huy hiệu quả trong khoảng một thập kỷ đầu tiên mới hội nhập với thể thao Đông Nam Á), dẫn tới tiếp tục dành nhiều sự ưu tiên cho đấu trường khu vực hơn so với yêu cầu thực tiễn cần chuyển đổi định hướng sang các đấu trường lớn hơn sau khi đã xác lập được vị thế vững chắc ở SEA Games (Asiad và Olympic).

Dù sao thì nhìn lại chặng đường 78 năm ấy, vẫn có nhiều điều đáng để tự hào. Từ vị thế hạng 7 Đông Nam Á, đoàn thể thao Việt Nam đã vươn lên tốp 3, rồi 2 lần liên tiếp "nhất SEA Games". Nhiều môn thể thao đã có các nhà vô địch thế giới, châu Á. Trong khi nền thể dục thể thao cho mọi người đã trở thành tự giác, thành nhu cầu của đa số người dân vì một cuộc sống chất lượng.

Tiềm năng phát triển của thể thao nước nhà là rất lớn, không có gì phải bàn cãi. Nhưng làm gì để thể thao thành tích cao của chúng ta phát huy tốt hơn những tiềm năng ấy, để đoàn thể thao Việt Nam xác lập được vị thế mới thật sự vững chắc ở đấu trường châu lục (như đã từng làm được tại SEA Games) lại là một câu hỏi không dễ trả lời. Hay nói đúng hơn, để trả lời nó, thể thao Việt Nam cần sự thay đổi một cách đồng bộ trên nhiều lĩnh vực.

yt.jpg
Hoàng Đức trong một pha tranh chấp

Một điều chắc chắn là các cấp có thẩm quyền cũng như xã hội, người dân đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm sâu sát tới công tác thể dục thể thao. Tới đây, từ định hướng trong kết luận 70 của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ ban hành "Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đây sẽ là "kim chỉ nam" của Ngành Thể dục thể thao cũng như xác định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của thể dục thể thao trong mối quan hệ tổng hòa với các ngành, lĩnh vực khác.

Nhà nước quan tâm, nhưng nguồn lực đầu tư dành cho thể thao còn nhiều hạn chế. Việc sử dụng đúng đắn và hiệu quả nguồn lực tài chính của Nhà nước cho công tác thể dục thể thao cũng là một vấn đề rất quan trọng. Đã tới lúc cần sự phân biệt rạch ròi trong công tác định hướng, quản lý, điều hành và phân cấp đầu tư các môn thể thao giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể dục thể thao (cụ thể là các Liên đoàn, hội thể thao quốc gia) các địa phương.

Bên cạnh đó, rất cần có cơ chế phối hợp thật tốt giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất ở Trung ương của Ngành Thể dục thể thao với các Bộ, ngành khác (như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, hay Bộ Giáo dục & Đào tạo) trong việc phối hợp, đầu tư, thực hiện công tác phát triển thể dục thể thao các cấp.

Muốn có được nguồn tài chính đảm bảo, Ngành Thể dục thể thao rất cần thúc đẩy công tác xã hội hóa. Chúng ta đang có khoảng 40 Liên đoàn, hội thể thao quốc gia, nhưng số Liên đoàn thực sự hoạt động tốt, tự lực về tài chính và chủ động nâng cao chuyên môn của các môn thể thao chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể dục thể thao là điều kiện mang tính tiên quyết. Song song với đó là những cơ chế để thu hút nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh các khía cạnh phát triển kinh tế thể thao. Chưa làm tốt điều ấy (thu hút tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho thể thao), những cụm từ như "thể thao chuyên nghiệp" hay "thể thao nhà nghề" vẫn sẽ chỉ là khái niệm, là mục tiêu hướng đến trong tương lai, chưa mang nhiều yếu tố thực chất trong thể thao Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Chưa có thể thao chuyên nghiệp, làm sao thể thao Việt Nam có thể thật sự nâng tầm, vươn lên sánh vai với các cường quốc thể thao của châu lục (chưa nói đến thế giới)?

Thua trận trước một đội tuyển như Indonesia tuy có buồn đấy, nhưng không có nghĩa là cả nền bóng đá đã sa sút. Cũng giống như việc chưa có được kết quả tốt ở một, hai kỳ Đại hội thể thao không làm xóa nhòa đi những nỗ lực, cố gắng và thành tựu của cả Ngành Thể dục thể thao trong suốt 78 năm qua. Những bài học rút ra từ thất bại, vấp ngã đều rất quý giá để thể thao Việt Nam tiếp tục lớn mạnh hơn trong chặng đường phía trước!

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/tam-diem/tran-thua-indonesia-va-nhung-tran-tro-trong-ngay-the-thao-20240327085331619.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/tam-diem/tran-thua-indonesia-va-nhung-tran-tro-trong-ngay-the-thao-20240327085331619.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trận thua Indonesia và những trăn trở trong ngày thể thao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO