Mai - tác phẩm điện ảnh thứ 3 do Trấn Thành đạo diễn hiện vẫn giữ thế thượng phong ở các rạp chiếu với suất chiếu áp đảo cùng lượng vé bán ra cao gấp 10 lần so với bộ phim ăn khách thứ 2 ngoài phòng vé hiện nay.
Ở nhiều phim điện ảnh, diễn viên là "bảo chứng" cho sự thành công của phim. Tuy nhiên với Mai, diễn viên không phải là ngôi sao, mà chính Trấn Thành mới là cái tên có sức nặng nhất với khán giả.
Trong cuộc trò chuyện với VTC News, đạo diễn, nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang nhận định việc thành công của Mai khẳng định vị thế phim của Trấn Thành cũng như phim điện ảnh Việt.
"Mai" - mảnh ghép hoàn hảo định hình phong cách
- Bộ phim "Mai" của Trấn Thành đang tạo nên kỷ lục doanh thu khi bỏ xa các phim khác trên thị trường. Anh đánh giá thế nào về kỳ tích này?
- Doanh thu phòng vé của Mai hiện tại là 400 tỷ đồng. Giới phân tích nhận định con số này có thể sẽ lên tới 500 - 600 tỷ đồng, phá vỡ doanh thu mọi thời đại của phim điện ảnh Việt. Rõ ràng những con số đang biết nói này khẳng định vị thế phim của Trấn Thành cũng như phim điện ảnh Việt.
Để tạo nên những con số trên, ngoài “kỹ năng truyền thông” của một “bộ máy” PR nhà nghề phía sau Trấn Thành, không thể phủ nhận tính đặc sắc trong những phim của vị “Bố già” này.
- Ở dự án "Mai" này, nhiều người cho rằng Trấn Thành đã "lên tay" rõ rệt so với 2 bộ phim trước. Với anh thì sao?
- Cách làm phim của Trấn Thành vẫn thế, vẫn là cái cách thu hẹp phạm vi mô tả xã hội vào những góc khuất cuộc sống thường ngày nơi con hẻm, quán ăn dạo hay một tiệm mát-xa, vẫn cái cách “mớm lời đạo lý” cho những nhân vật “quê mùa ít chữ”, vẫn cái kiểu dí dỏm của một “gã hề” nhiều toan tính, với diễn biến tâm lý phức tạp, thay vì sự khuyếch đại xã hội mang tính công nghệ như trong các phim bom tấn chiếu rạp hay như phim kinh dị.
Phim của Trấn Thành là một bản tua ngược tâm lý xã hội hướng vào những con người bình thường, với những lối sống quẩn quanh nhưng đầy khát vọng.
Cá nhân tôi không cho rằng Mai ra rạp khẳng định nghề làm phim của Trấn Thành lên tay. Đúng ra, Mai là mảnh ghép hoàn hảo để định hình nên phong cách làm phim rất riêng, mang bản sắc “kiểu Trấn Thành”, bên cạnh hai mảnh ghép tiền đề từng làm điên đảo phòng vé là Bố già và Nhà bà Nữ.
- Theo anh đâu là yếu tố để bộ phim trở nên cơn sốt như vậy, phải chăng vì nội dung thật sự xuất sắc hay đơn giản chỉ do khán giả tò mò về "một bộ phim của Trấn Thành"?
- Khán giả bây giờ đều là những “người tiêu dùng thông thái”. Tôi không cho rằng khán giả bỏ tiền ra chỉ để thoả mãn thú vui tò mò về phim của Trấn Thành.
Mai thành công trước hết vì nó đánh đúng tâm lý của những con người Nam Bộ, trong đó có văn hoá Nam Bộ, chạm tới xúc cảm của những thiếu nữ vùng “rốn nước”, đã phải chịu nhiều ẩn ức tuổi thơ cũng như sự gồng gánh gia đình trên vai họ.
Tôi từng nghĩ vui rằng, nếu Mai là bộ phim chỉ chiếu ở miền Bắc hay miền Trung thì rất khó để có doanh thu trăm tỷ, bởi vì nét văn hoá vùng miền khác nhau, ẩn ức tâm lý xã hội cũng khác nhau. Nói thẳng ra là phân khúc thị trường phim phía Nam đã gánh toàn bộ “sức nóng” của phim và góp phần lan ra ngoài miền Trung, miền Bắc như một làn sóng hiệu ứng.
Không thể phủ nhận, Trấn Thành có cách khai thác tâm lý nhân vật rất sâu, phức tạp mà vẫn thống nhất. Đó là cái tài của Trấn Thành, không phải nhà làm phim nào cũng có được.
Một điểm nữa khiến Mai đặc biệt thành công trong ngành công nghiệp điện ảnh Việt, đó là sự chuyên nghiệp của một đội ngũ truyền thông nhà nghề. Quả không quá lời khi cho rằng, Trấn Thành đã rất thành công khi đưa được “bộ máy truyền thông” này tham gia “cuộc chiến” thương trường điện ảnh ngay từ lúc manh nha kịch bản cho đến khi công chiếu. Một sự tính toán chiến lược hoàn hảo!
- Nhiều người nhận định Trấn Thành thắng lớn nhờ biết cách chọn đề tài làm phim, chọn cách kể chuyện trúng tâm lý, thị hiếu số đông khán giả. Anh có đồng quan điểm với điều này?
- Điều này đúng! Giữa những ngổn ngang của phim điện ảnh chiếu rạp và trên Netflix, với quá nhiều đề tài nhàm chán, thì Trấn Thành lại rẽ một lối riêng, đi vào cái tiểu số để bứt phá trước cái đa số.
Phim của Trấn Thành như trên tôi đã trao đổi, không mô tả xã hội theo hướng viễn tưởng hay vĩ mô, mà đi vào từng khía cạnh nhỏ của đời sống để rồi mô tả, khai quật những rắc rối tâm lý những con người đời thường để mở ra nhận thức xã hội.
Để tài phim của Trấn Thành là những “mảnh đời” rời rạc nhưng lại xuất hiện phổ biến trong xã hội, đó là một ông bố chạy xem ôm trong ngõ hẻm, là bà Nữ bán hủ tiếu, là cô gái nghành trong một tiệm mát-xa…nhưng ở họ đều có một đời sống nội tâm phức tạp, nhiều dằn vặt và hiển nhiên cũng có nhiều ước mơ, hoài bão lớn chưa thực hiện.
Cách đặt tên phim của Trấn Thành cũng rất nghĩa đen, giản đơn, không màu mè, hoa mỹ, đó có thể là cách chơi chữ nhập nhằng nửa kinh điển, nửa hiện thực kiểu “bố già” (lấy cảm hứng từ bộ phim Godfather), hay đơn nghĩa như Nhà bà Nữ, ngắn gọn đến mức cộc lốc như Mai. Chính điều này khiến phim của Trấn Thành có cảm giác thật hơn, đời hơn và gai góc hơn.
Trấn Thành là diễn viên hài làm phim chính kịch thành công xuất sắc
- Có thể nói Trấn Thành từ trước đến nay vẫn là cái tên gây tranh cãi trên mọi phương diện. Chính anh ấy cũng từng phải thừa nhận phim nào có tên mình cũng gây tranh cãi. Anh nhìn nhận vấn đề này ra sao?
- Một vấn đề hay một nhân vật gây tranh cãi, nghĩa là vấn đề hay nhân vật đó đang gây ảnh hưởng lên xã hội, lên dư luận. Và dư luận hay xã hội đang cố gắng ra sức mổ xẻ vì sao nhân vật, hiệu tượng đó gây ra tranh cãi. Đó là biểu hiện của một sự vận động nghệ thuật tích cực.
Rõ ràng phim của Trấn Thành có cái để tranh cãi, có cái để mổ xẻ, từ đó sẽ phân ra các trường phái yêu ghét, tung hê, vùi dập khác nhau về vị diễn viên kiêm đạo diễn – nhà sản xuất phim này.
"Không có bột thì làm sao gột nên hồ" nên dù khán giả có yêu, ghét Trấn Thành thì cũng không thể “che khuất” được sự thực về một diễn viên hài làm phim chính kịch tâm lý xã hội thành công xuất sắc.
- Tuy nhiên có thể thấy một điều rõ ràng là Trấn Thành đã tiếp thu ý kiến của khán giả, biết cách cầu thị để tiết chế hơn cho những tác phẩm của mình?
Ở góc nhìn quan sát truyền thông, tôi cho rằng, Trấn Thành của tuổi 40 đã khác hơn rất nhiều so với Trấn Thành của tuổi trẻ trên sân khấu hài! Trầm lắng, sâu sắc và thực tế hơn!
Trấn Thành khi làm phim mang đến hơi thở cuộc sống bụi bặm, ngóc ngách hơn rất nhiều so với cái thời mà ánh sáng sân khấu, hào quang nghề nghiệp che mất cái “tôi” đời thực. Và có lẽ sự thay đổi này khiến khán giả thiện cảm, yêu mến anh hơn.
Những bộ phim mà Trấn Thành tham gia sản xuất hoặc diễn đã thấm sâu vào tư duy, tâm lý và cách sống của anh ta, để rồi khai sinh ra một kiểu con người Trấn Thành mới.
- Ở thị trường phim Việt hiện tại, làm phim được khen về chất lượng khó hơn hay làm phim thu lợi nhuận khủng như Trấn Thành khó hơn, theo anh?
- Tôi cho rằng bất cứ lĩnh vực nào, dù không tuyệt đối, song doanh thu chính là thước đo đánh giá năng lực, chất lượng sản phẩm. Chúng ta không thể ru ngủ dư luận bằng quan điểm cho rằng phim của anh này, anh kia rất hay nhưng lại không có khán giả xem, doanh thu thấp.
Phim hay phải có người xem. Giá trị sản phẩm phải được thể hiện qua doanh số chứ không thể là sự trấn an tâm lý thông thường. Vì vậy một bộ phim có doanh thu, lợi nhuận khủng thì thường bao hàm cả chất lượng. Vấn đề chất lượng của bộ phim đó được soi chiếu dưới lăng kính nhận thức nào.
- Khi Trấn Thành làm phim đạt doanh thu khủng, có rất nhiều ý kiến tranh cãi. Có ý kiến chê đó là phim thuần giải trí, không có giá trị nghệ thuật. Có biên kịch từng khuyên Trấn Thành không nên ước mơ xa xôi chuyện làm phim nghệ thuật. Với những gì Trấn Thành đã làm được qua 3 bộ phim của mình, anh nghĩ có đủ khả năng để điều này xảy ra?
- “Đại tượng thì thường vô hình”. Thường những quan điểm định hướng dư luận kiểu “phim phải có giá trị nghệ thuật”, phim thị trường thường là phim “giải trí” nhạt nhẽo, chỉ là cách để che dấu một “khoảng trống năng lực” của người đưa ra quan điểm đó. Bởi vì đã bước chân vào lĩnh vực sản xuất phim là bạn đã gia nhập thế giới nghệ thuật.
Nghệ thuật là “miếng bánh” đa tầng, nhiều nghĩa và hay bị lợi dụng để một ý kiến này có thể dùng bác bỏ ý kiến, sản phẩm kia.
Tôi cho rằng, bất cứ sản phẩm nào được làm một cách khéo léo, đánh động được cảm xúc khản giả, khiến khán giả day dứt, luôn nhớ về nó, thì đó là một sản phẩm nghệ thuật có chất lượng. Có cả chục triệu lượt khán giả xem phim của Trấn Thành, vậy hiển nhiên, phim của anh ta đã làm một sản phẩm nghệ thuật.
- Người ta vẫn nói, giới làm phim rất ít khi khen nhau. Tuy nhiên với Trấn Thành thì khác, không ít những đạo diễn vẫn dành nhiều lời khen tặng cho Trấn Thành. Anh nghĩ lý do vì sao?
- Không chỉ trong lĩnh vực phim, mà trong nghệ thuật nói chung, thường rất ít khi những người làm nghệ thuật dám thẳng thắn thừa nhận năng lực thật của người khác.
“Văn mình vợ người” nên những người dám thừa nhận sản phẩm cũng như năng lực của đồng nghiệp thì đó là những người sống trọn với đam mê nghệ thuật, dám nhìn nhận vào thiếu sót bản thân.
Trấn Thành xứng đáng được ghi nhận và khen ngợi từ phía người làm chuyên môn điện ảnh. Bởi vì anh ta đã sống trọn với đam mê, dám phá vỡ những giới hạn của bản thân để có được thành công như ngày hôm nay.
- Theo góc nhìn của anh, Trấn Thành còn mắc phải hạn chế nào khi làm phim và cần phải thay đổi điều gì?
- Nếu có một góp ý thẳng thắn cho phim của Trấn Thành, tôi mong rằng những phim kế sau Mai sẽ giảm bớt các câu thoại mang tính đạo lý rườm rà ẩn khuất trong tâm hồn những nhân vật dưới đáy. Có lẽ như vậy sẽ hoàn hảo hơn!
- Cảm ơn anh về những chia sẻ!