Nhiều người sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội TikTok đang đưa ra lời khuyên về những ngành không nên học như: Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự... Những video này lan truyền chóng mặt, với hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận.
Các clip hướng nghiệp online xuất hiện tràn lan trên nền tảng mạng xã hội TikTok.
Trả lời VTC News, Ths Trương Quang Trị, Phó Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) cho rằng quan điểm về những ngành không nên học qua lời tư vấn của các "chuyên gia mạng" là sai hoàn toàn.
"Vì bản thân người học đã bỏ công sức ra học tập để có kiến thức và kinh nghiệm trong suốt quá trình học, việc lựa chọn bất kì ngành nào cũng đều có lý do và đem lại kết quả trong tương lai”, Ths Trị nói.
Theo Ths Trị, sự phát triển của xã hội đòi hỏi mọi người phải có khả năng tự học. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể tự học hay không nếu chính bản thân không được trang bị nền tảng kiến thức tốt.
“Không phải học đại học xong là đủ, mà học là việc suốt đời. Học đại học là nền tảng ban đầu để bản thân bước vào giai đoạn tiếp theo, giúp các các bạn đủ sức theo được đường dài trong tương lai,” Ths Trị nêu quan điểm.
Cũng theo Ths Trị, trong giai đoạn chuyển giao này, việc xuất hiện nhiều clip hướng nghiệp trên nền tảng mạng xã hội gây hoang mang và ảnh hưởng lớn đến quyết định chọn ngành nghề của các bạn học sinh.
Tuy mạng xã hội có ưu điểm là truyền đạt thông tin nhanh, phù hợp với giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Nhưng đối với những nội dung hướng nghiệp “độc hại”, bản thân người xem có thể từ chối tiếp nhận thông tin, hoặc tiếp nhận một cách có chọn lọc, chọn các thông tin chất lượng, đáng tin cậy từ những đơn vị giáo dục uy tín. Nếu bản thân vẫn còn hoang mang trước nhiều luồng ý kiến, các bạn học sinh nên tìm đến chuyên gia giáo dục để nhận được tư vấn.
"Việc tìm kiếm một môi trường học tập tốt, xác định được bản thân muốn gì, phù hợp với nhu cầu của xã hội và lựa chọn được ngành học phù hợp mới chính là điều quan trọng", Ths Trị nói.
Cùng quan điểm, Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết: “Việc các clip trên nền tảng mạng xã hội được lên xu hướng đa phần từ cá nhân, đôi khi các bạn biết điều đó không đúng, nhưng vì những lượt tương tác ảo mà các bạn bất chấp làm clip với nội dung không có cơ sở, điều này thực sự đáng thương hơn đáng trách”.
Theo Ths Sơn, các clip “hướng nghiệp online” không có cơ sở chưa thể ảnh hưởng nhiều đến việc lựa chọn ngành nghề, tuy nhiên nếu không có sự kiểm soát, thì 2 năm tới sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
"Các trường THPT và cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, nhất là các em lớp 12 bằng nhiều hình thức. Có bất kì thông tin gì liên quan đến tuyển sinh, nhà trường cập nhật và phổ biến ngay cho học sinh, để các em có cơ sở lựa chọn ngành nghề đúng và trúng", Ths Sơn nói.
Ngoài ra, các trường THPT nên kết hợp với hội phụ huynh, tạo mối quan hệ với các trường đại học, cao đẳng để tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp sớm cho các em học sinh.