Trăm ưu đãi không tuyển nổi một sinh viên: ‘Cái chết’ dự báo từ nhiều năm trước

27/04/2023 11:50
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Việc tuyển sinh, đào tạo các ngành khoa học cơ bản gặp khó khăn như hiện nay là hệ quả của nhiều năm trước. Điều này đã được chuyên gia cảnh báo cách đây 10 năm do sự thiếu đầu tư cho khoa học cơ bản.

'Đừng xem khoa học cơ bản là ngành sinh lời cho trường đại học'

Về thực trạng tuyển sinh và đào tạo các ngành khoa học cơ bản, PGS Nguyễn Kim Hồng, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận người học ngày nay có nhiều lựa chọn hơn trước đây.

Sự lựa chọn ngành học của thí sinh dựa trên nhiều tiêu chí như: ngành có phù hợp với năng lực, khả năng tìm việc sau tốt nghiệp, thu nhập...

Theo ông Hồng, sinh viên các ngành khoa học cơ bản thường ra trường khó tìm việc vì phần lớn phải xin vào các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu. Lương và mọi khoản thu nhập từ ngành này đều thấp nên khó thu hút người học. Trong khi đó, các chuyên gia tư vấn tuyển sinh đều hướng thí sinh đến các ngành nghề hot, dễ kiếm việc làm, hay việc làm thu nhập cao.

GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ y tế thuộc ĐH Công nghệ Sydney (Úc), nhận định việc tuyển sinh, đào tạo các ngành khoa học cơ bản như hiện nay là hệ quả của nhiều năm trước. Điều này ông đã nói hơn 10 năm trước là các đại học thiếu đầu tư cho khoa học cơ bản.

GS Tuấn kể về câu chuyện ông về nước tìm người ở trong nước có kinh nghiệm tốt về khoa học cơ bản để tham gia một dự án nghiên cứu y khoa. Tuy nhiên việc này bất thành. Cuối cùng, ông phải hợp tác với người nước ngoài.

PGS Đỗ Văn Dũng, Nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cũng thừa nhận các trường đào tạo các ngành khoa học cơ bản đang “dở sống dở chết”. Lý do là nếu xoá ngành sẽ rất uổng vì không có nơi để đào tạo nhân lực cho đất nước nhưng giữ lại bắt buộc các ngành khác phải “è cổ” để “nuôi” những ngành này.

“Hiện nay, các trường đại học ở Việt Nam sống chủ yếu dựa vào học phí. Các trường sẽ không thể nào “nuôi” một ngành học không có sinh viên lâu dài. Không có sinh viên, không có học phí ngành học sẽ chết”.

Ông Dũng lo rằng nếu tình trạng này tiếp diễn, tất sẽ khủng hoảng nhân lực, bởi muốn đất nước phát triển bền vững phải cần đội ngũ nghiên cứu cơ bản.

Đảm bảo việc làm đầu ra - chìa khóa giải quyết vấn đề

Nhiều chuyên gia, nhà giáo đã cùng VietNamNet hiến kế để cứu ngành khoa học cơ bản. Cụ thể,PGS Nguyễn Kim Hồng, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng, muốn thu hút người học, cần phải nêu rõ nhu cầu của nghề và khả năng tìm việc làm sau tốt nghiệp. Mặt khác cũng cần tăng thu nhập cho những người lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn.

Thống kê của PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội

Hiệu trưởng một trường đại học ở TP.HCM cũng góp ý với tình trạng như hiện nay nên để các ngành khoa học cơ bản tự sinh sôi nảy nở. Chúng ta tuyệt đối không làm theo cơ chế đặt hàng vì như vậy sẽ mất đi tính cạnh tranh. Theo ông, hiện những ngành khoa học cơ bản “trắng” sinh viên vì nhân lực cho ngành này đang dư.

"Nhưng đến một lúc nào đó, nhân lực thiếu, tự động các ngành sẽ tiếp tục có sinh viên ứng tuyển và lại chiếm ưu thế”- ông nói.

Theo vị hiệu trưởng này, cần phải ưu đãi học phí cho các ngành khoa học cơ bản. Các trường không nên xem những ngành thuộc lĩnh vực này như những ngành khác để kiếm tiền. “Hiện tại hầu như các trường đại học đều thương mại hoá. Không ít trường xem sinh viên là nguồn thu chính”- ông nói.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, sinh viên muốn vào học một trường đại học nào đó, các em đã xác định phải có đầu ra vững chắc, tức là dễ tìm việc và thu nhập ổn định. “Học nghiên cứu về Toán, Lý, Hoá hay một ngành nào thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản nào đấy nghe rất “cao sang” nhưng ra trường không có chỗ làm. Như vậy, dù có miễn 100% học phí các trường cũng không thể thu hút được sinh viên. Do vậy vấn đề ở đây là giải quyết đầu ra”- ông Dũng nói.

Để giải quyết đầu ra cho khoa học cơ bản, ông Dũng cho rằng, nhà nước phải đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu. Tức là phải có những trung tâm tính toán, trung tâm nghiên cứu lớn. Song song tạo ra việc làm chế độ, lương bổng phải tốt. Nếu đi làm nghiên cứu nhưng lương cũng ba đồng ba cọc các trung tâm cũng không thu hút được người làm.

“Sinh viên ngày nay rất thực tế. Nếu nhà nước không tạo ra các trung tâm nghiên cứu, tạo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản không thể thu hút sinh viên vào học”- ông Dũng nói. Ông cũng khẳng định, vấn đề đầu tiên sẽ phải giải quyết là đầu ra chứ không phải đầu tư các ưu đãi.

Thí sinh sau kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2022. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, sự "khủng hoảng" hiện nay cũng là một cơ hội để xây dựng một chiến lược cho phát triển khoa học cơ bản. Để xây dựng chiến lược này, phải có một hội nghị với nhiều nhóm (nhà nước, kỹ nghệ, đại học) hoạch định vai trò của khoa học cơ bản trong việc phát triển kinh tế. Chúng ta cũng cần có một cơ chế đặc biệt tài trợ cho các đại học để đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học cơ bản.

“Khoa học cơ bản khó phát huy nếu không có sự tương tác với các chuyên ngành khác. Nói cách khác, chiến lược phát triển khoa học cơ bản nên gắn liền với các ngành khoa học thực nghiệm như y khoa chằng hạn để chứng tỏ sự hữu dụng của khoa học cơ bản.

Nhưng ở Việt Nam có vài ngành khoa học cơ bản chưa chứng tỏ sự có ích cho khoa học thực nghiệm. Điều này khiến ngành học thiếu tính ứng dụng và mai một là điều được dự báo từ trước”- GS Tuấn nêu quan điểm.

Điểm chuẩn "chạm đáy"
Tại các trường đại học, điểm chuẩn ngành khoa học cơ bản thường thấp hơn các ngành khác, thậm chí một số ngành điểm chuẩn còn "chạm đáy". Năm 2021 và 2022, điểm chuẩn các ngành Triết học, Văn học, Hoá học, Đông phương học của Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) là 15 -15,5 điểm (thang 30).
Đây cũng là mức điểm chuẩn thấp nhất của trường xét từ kết quả thi tốt nghiệp. Các ngành khoa học cơ bản cũng có điểm chuẩn thấp nhất trong số các ngành đào tạo của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Trong khi các ngành khác có điểm chuẩn 23, 24, thậm chí lên tới 27, các ngành như Hải dương học, Địa chất học, Sinh học, Khoa học môi trường, Kỹ thuật hạt nhân có điểm chuẩn 17 trong hai năm 2021 và 2022 vừa qua.
Tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, dù tính điểm chuẩn theo thang 40 (điểm thi môn Toán hệ số 2), các ngành Địa chất học, Thuỷ văn học, Khí tượng và khí hậu học.. có điểm chuẩn là 20. Năm 2021, trước đó trường này tính theo điểm chuẩn theo thang 30, thì điểm chuẩn các ngành này là 15.
Dù có khá hơn nhưng điểm chuẩn các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học cơ bản tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, hay Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cũng thấp hơn so với các ngành khác.
Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dung-xem-nganh-khoa-hoc-co-ban-nhu-cac-nganh-khac-de-truong-dai-hoc-kiem-tien-2137083.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/dung-xem-nganh-khoa-hoc-co-ban-nhu-cac-nganh-khac-de-truong-dai-hoc-kiem-tien-2137083.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trăm ưu đãi không tuyển nổi một sinh viên: ‘Cái chết’ dự báo từ nhiều năm trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO