Trầm cảm trở thành bệnh lý khi nào?

ANH ĐÀO| 01/11/2021 12:23

Áp lực và nhu cầu cuộc sống ngày càng gia tăng dẫn đến nhiều người có dấu hiệu trầm cảm, đặc biệt dịch COVID-19 làm gánh nặng trên vai nhiều người dân.

benh-tram-cam.jpeg
Dịch COVID-19 khiến nhiều người rơi vào trầm cảm - Ảnh: Internet

Bác sĩ Đào Thị Lê Na - chuyên khoa nội thần kinh, Bệnh viện quận 11 -  cho biết khi thế giới ngày càng phát triển, áp lực và nhu cầu cuộc sống ngày càng gia tăng, đòi hỏi con người cũng phải thích nghi và đáp ứng được những nhu cầu của xã hội, đồng thời phải cân bằng được cuộc sống cá nhân và gia đình, thì những rối loạn bệnh lý cũng ngày càng nhiều lên.

Một trong số rối loạn bệnh lý đó là trầm cảm. Điều này cũng càng làm tăng lên những áp lực và gánh nặng cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Trầm cảm làm tăng nguy cơ đột quỵ

Từ năm 2012, trầm cảm đã trở thành một trong những vấn nạn toàn cầu, đáng được quan tâm. Trầm cảm đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra những gánh nặng xã hội và ngân sách sau tự sát và bệnh tim mạch.

Gánh nặng chi phí do trầm cảm ở nữ cao hơn nam, cao nhất là mất khả năng lao động ở lứa tuổi từ 14 đến 44. Trầm cảm không chỉ trực tiếp dẫn đến gánh nặng chi phí bệnh tật toàn cầu mà còn góp phần lớn vào chi phí cứu chữa điều trị tự sát và thiếu máu cơ tim.

Trầm cảm làm tăng nguy cơ đột quị. và sau đột quị 6 tháng, tình trạng rối loạn trầm cảm của bệnh nhân vẫn tiến triển thì nguy cơ tử vong của họ tăng lên gấp 4 lần.

Khi chúng ta coi trầm cảm là nỗi đau khổ vô lý và không cần thiết, chúng ta kỳ thị những người đang trầm cảm và cướp đi hy vọng của họ. Nhưng khi chúng ta bắt đầu hiểu rằng, ít nhất ban đầu, trầm cảm xảy ra vì một lý do chính đáng, không phải là thể hiện sự yếu đuối, chúng ta sẽ loại bỏ sự xấu hổ và mặc cảm.

Những người bị trầm cảm là những người dũng cảm sống sót trong nghịch cảnh.

Trầm cảm là một trạng thái cảm xúc thể hiện sự thất vọng, buồn phiền, chán nản của bản thân trong cuộc sống hằng ngày. Đôi khi, chúng còn thể hiện sự giảm hứng thú, xuống tinh thần và giảm niềm tin vào cuộc sống, giảm đức tin trong đời sống tinh thần. Đối với bản thân người đang trải qua trạng thái trầm cảm có thể cảm thấy tự ti, vô vọng, giảm sự tự tin ở chính bản thân mình.

Trầm cảm xuất hiện trong đời sống hằng ngày khi cá nhân có thể đang trong hoàn cảnh: Cảm thấy tiêu cực ở bản thân hay từ môi trường, gặp thất bại trong học tập, công việc, không đạt được những kỳ vọng, mong đợi của bản thân...

Khi nào trầm cảm trở thành bệnh?

Trầm cảm được xem là bệnh khi trạng thái cảm xúc này diễn ra trong thời gian dài, chúng kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm và chúng làm rối loạn hoạt động của cơ thể (như mệt, nhức mỏi cơ thể, đau đầu, đau vai gáy, sụt cân, mất ngủ...) và làm giảm chức năng học tập, sinh hoạt (như giảm tập trung chú ý, giảm trí nhớ, giảm sút hiệu quả và kết quả học tập), xã hội của cá nhân đó.

Nguy hiểm hơn khi trầm cảm khiến cho người đó có những ý tưởng kỳ quặc, làm hại đến bản thân (như nghiện rượu, nghiện chất kích thích, gây nghiện, tự rạch da, tự cắt tay...), đặc biệt là ý nghĩ và hành vi tự sát, kết liễu cuộc sống.

Những dấu hiệu nhận biết một người đang trong trạng thái trầm cảm?

Đối với cá nhân:

Chính bản thân mỗi người có thể tự cảm nhận những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Người đang trong trạng thái trầm cảm có thể cảm thấy buồn, chán nản, thất vọng, vô dụng, không có lối thoát, có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, xung quanh trong nhiều ngày, nhiều tuần. Họ không muốn tham gia các hoạt động, thay đổi nhịp sinh học của bản thân về việc ăn ngủ…

Những người gần gũi với những người đang trầm cảm có thể cảm nhận được sự thay đổi về cảm xúc, thói quen sinh hoạt, hành vi của họ…Đôi khi có những suy nghĩ tiêu cực, kỳ quặc hoặc gây hại của người đang trầm cảm có thể được người thân hoặc bạn bè ghi nhận, bắt gặp.

Khi bạn cảm nhận bản thân hay người thân đang trong trạng thái trầm cảm thì nên làm gì?

Đối với cá nhân:

Những việc quan trọng mà người đang trong trạng thái trầm cảm cần biết:

- Bạn nhận thức rõ về cảm xúc và tình trạng trầm cảm của bạn và bạn cần sự giúp đỡ.

- Quan trọng hơn là bạn nhận thức việc bảo vệ và chăm sóc bản thân mình, hạn chế việc làm hại đến bản thân mình bằng những việc như ăn uống những thức ăn không tốt cho sức khỏe, uống rượu bia quá mức, sử dụng chất kích thích, tự rạch tay hoặc có ý nghĩ tự sát.

- Việc tâm sự hay thông báo cho ai đó mình đang trầm cảm là việc nên làm khi bạn cảm thấy thật sự sẵn sàng, an toàn và tin tưởng.

- Tìm đến nơi hỗ trợ chuyên môn để tham vấn tâm lý, điều trị chuyên khoa khi có những rối loạn về mặt cơ thể.

Đối với người thân, bạn bè:

- Khi biết người thân hay bạn bè đang trong trạng thái trầm cảm, điều quan trọng là không nên phê phán, phán xét, khuyến khích, khích lệ hay tự cho lời khuyên.

- Việc bên cạnh lắng nghe, thể hiện việc bạn có thể giúp đỡ bất cứ khi nào họ cần là điều đáng quý.

- Đề nghị họ đi gặp chuyên viên tâm lý hoặc bác sĩ Tâm thần là việc cần thiết. Đặc biệt khi họ có những dấu hiệu ảnh hưởng đến sức khỏe, hoặc nguy hại đến tính mạng của họ.

  Khi nào bạn cần sự giúp đỡ của bác sĩ?

Bạn có thể đến gặp bác sĩ, đặc biệt bác sĩ Tâm thần bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình cần giúp đỡ, cảm thấy mình muốn thoát khỏi tình trạng trầm cảm hiện tại. Nhất là khi bạn có những khó chịu, nỗi đau về cơ thể như đau đầu, đau bụng, đau vai gáy, mất ngủ, kém tập trung, giảm chú ý, giảm trí nhớ hay quên, khi đã khám các bệnh khác nhưng không rõ được nguyên nhân.

Khi chúng ta coi trầm cảm là nỗi đau khổ vô lý và không cần thiết, chúng ta kỳ thị những người đang trầm cảm và cướp đi hy vọng của họ.

Nhưng khi chúng ta bắt đầu hiểu rằng, ít nhất ban đầu, trầm cảm xảy ra vì một lý do chính đáng, không phải là thể hiện sự yếu đuối, chúng ta sẽ loại bỏ sự xấu hổ và mặc cảm. Những người bị trầm cảm là những người dũng cảm sống sót trong nghịch cảnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trầm cảm trở thành bệnh lý khi nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO